Thay đổi địa chính trị từ liên minh ba bên AUKUS

23/09/2021 12:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Mỹ, Anh và Australia thông báo thành lập quan hệ đối tác mới trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, cụ thể là thành lập liên minh an ninh ba bên (AUKUS) gắn với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đang thu hút sự chú ý không chỉ của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà cả của các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU).

AUKUS đang biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao ​

AUKUS đang biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao ​

Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Australia và Anh (gọi tắt là AUKUS) đang biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao và dẫn đến sự biến động về địa chính trị trên toàn cầu.

Thỏa thuận ba bên này được đánh giá không chỉ là bước khởi đầu cho một sự thay đổi địa chính trị sâu sắc trong khu vực, mà còn tác động tới các mối quan hệ liên minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương.        

Theo thỏa thuận AUKUS, Mỹ, Anh và Australia nhất trí tăng cường phát triển các năng lực chung và chia sẻ công nghệ, thúc đẩy hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, các nền tảng công nghiệp và các chuỗi cung ứng liên quan đến lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Một trong những sáng kiến lớn đầu tiên đáng chú ý của AUKUS là Australia sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh. Như vậy, cùng với việc tham gia liên minh ba bên AUKUS, Australia thông báo hủy “hợp đồng thế kỷ” mua 12 tàu ngầm lớp Attack của Pháp.         

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: THX/TTXVN

Sự ra đời của AUKUS được coi là bước thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của Mỹ và Australia cũng như Anh tại khu vực  Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho thấy khu vực này tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ba nước, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Động thái này cũng củng cố mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa ba nước.         

Đối với Mỹ, việc công bố thỏa thuận ngay sau khi Washington hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanitan thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” cũng như với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi đang được coi là một trong những địa bàn chính của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Các nhà phân tích cho rằng việc đạt thỏa thuận an ninh ba bên và đóng tàu ngầm ở Australia là rất quan trọng đối với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Chuyên gia Michael Fullilove thuộc Viện Lowy, một tổ chức tư vấn ở Sydney (Australia), nhận định: “Ý nghĩa lớn hơn của điều đó là Mỹ đang gia tăng niềm tin đối với các đồng minh và các đồng minh cũng đang gia tăng sự tin tưởng vào Mỹ”.         

Đối với Anh, thỏa thuận này thể hiện vai trò đang thay đổi của nước Anh trên thế giới, phù hợp với nỗ lực nhằm thúc đẩy “Nước Anh toàn cầu” trong thời kỳ hậu Brexit và tạo cơ sở cho “sự xoay trục về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra trong đánh giá tổng quát về chính sách đối ngoại và quốc phòng được công bố hồi tháng 3 vừa qua. Thời gian qua, Anh đang đẩy mạnh sự can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.         

Đối với Australia, việc tham gia AUKUS, đồng thời hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, được cho là do Canberra cần có sự bảo đảm an ninh chắc chắn, hải quân Australia cần có lực lượng đủ sức làm nghiêng cán cân sức mạnh theo hướng có lợi cho nước này, sẵn sàng đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh khu vực.   

Từ lâu, Pháp vẫn duy trì chính sách đối ngoại quốc phòng độc lập, không muốn ràng buộc với bất cứ nước nào bằng các hiệp ước chặt chẽ. Ngược lại, Mỹ không ngần ngại thiết lập các liên minh kiểu này. Điều dễ hiểu là Canberra, vốn đang chịu sức ép kinh tế và an ninh lớn từ bên ngoài, muốn tranh thủ nắm lấy cơ hội.

Ông Antoine Bondaz, chuyên gia cao cấp của Quỹ Nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Paris, nhận định: “Nếu nói về sai lầm của Pháp liên quan đến công tác phân tích và dự báo thì đó chính là việc Pháp đã không kịp nhận ra rằng Australia đã xem lại chính sách tự chủ chiến lược và chuyển sang chính sách liên kết với Mỹ, vì đánh giá về các nguy cơ chiến lược của họ đã thay đổi”.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng châu Âu của Pháp Clement Beaune (trái) trao đổi với Bộ trưởng châu Âu của Australia Karoline Edtstadler. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Antoine Bondaz, quan hệ đối tác Mỹ-Australia liên quan đến việc cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ tạo ra một liên minh vững chắc trong hàng thập niên, đặc biệt bảo đảm cho Washington rằng Canberra sẽ phải gắn chặt với lợi ích của Mỹ. Quan hệ đối tác với Pháp chỉ giúp củng cố tự chủ chiến lược, trong khi chính sách này của Australia đã thay đổi.         

AUKUS đã làm rạn nứt quan hệ giữa các đồng minh. Sau thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS và việc Australia thông báo hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã gọi đây là "một cú đâm sau lưng". Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Pháp đã cấp tốc triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia về nước để tham vấn, một động thái được coi là phản ứng dữ dội nhất của Paris với hai đồng minh kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai trở lại đây. Nhiều sự kiện ngoại giao và văn hóa quan trọng với Mỹ, Anh cũng bị Pháp hủy bỏ.         

Phản ứng mạnh mẽ của Pháp không nằm ngoài dự đoán. Hợp đồng chuẩn bị công phu nhiều năm có giá trị lên đến 56 tỷ euro có ý nghĩa quan trọng đối với tập đoàn đóng tàu Naval Group, một trong những trụ cột của nền công nghiệp quốc phòng Pháp, đồng thời sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho các địa phương vùng Bretagne. Động thái của Australia không chỉ giáng một đòn mạnh vào niềm tự hào của nước Pháp vốn từ trước đến nay vẫn khẳng định là cường quốc có tầm vóc toàn cầu, mà còn có nguy cơ phá vỡ một phần chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương mà hai đời tổng thống gần đây của nước Pháp, từ ông François Hollande đến ông Emmanuel Macron đã dày công theo đuổi. Bên cạnh đó, Paris cũng cảm giác bị các đồng minh truyền thống quay lưng và không hài lòng với cách mà Mỹ, Australia và Anh xử lý quan hệ bất chấp lợi ích của một đồng minh lớn như Pháp.         

Câu hỏi đặt ra hiện nay là sự căng thẳng sẽ còn kéo dài bao lâu và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ hợp tác giữa Pháp, Liên minh châu Âu (EU) với các ba nước AUKUS, trong bối cảnh cuộc chạy đua giữa các siêu cường đang ngày càng khốc liệt.         

Giới chuyên gia cho rằng, về lâu dài, Paris khó có thể bỏ qua một đối tác quan trọng như Australia. Tiến sĩ Bondaz lưu ý: “Australia nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và nước này sẽ vẫn là đối tác cần thiết đối với Pháp”. Tuy nhiên, một phần trách nhiệm thuộc về Australia. Ông Hugh Piper, nguyên cố vấn chiến lược Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, nhận xét: “Thách thức đối với Canberra hiện nay không phải là giải quyết xung đột lợi ích cơ bản với Pháp, mà là làm sao để hợp tác trở lại với Paris”. Nước này đang xúc tiến một thỏa thuận tự do thương mại với EU và rất cần thúc đẩy thành công vòng đàm phán chống biến đổi khí hậu tại Glasgow (Anh) sắp tới.     

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Về mối quan hệ Mỹ - Pháp, đây không phải là lần đầu tiên hai nước lâm vào tình thế căng thẳng ngoại giao. Bà Anne Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Sorbonne (Paris) cho rằng động thái của Mỹ trong vụ AUKUS là bước đi có tính toán nhằm vào Pháp trong một cuộc “tranh giành quyền lãnh đạo”. Tuy nhiên, về lâu dài, cả hai không có lựa chọn nào khác là phải nhanh chóng khép lại tranh cãi để hợp tác với nhau đối phó với những thách thức an ninh lớn. Tiến sĩ Bondaz nhấn mạnh cho dù củng cố liên minh với Anh và Australia, Washington sẽ vẫn cần đến vị thế và năng lực của Pháp tại nhiều khu vực và trên nhiều lĩnh vực quan trọng.         

Về phần EU, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại châu Âu Josep Borrell và ngoại trưởng các  nước thành viên EU trong cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bày tỏ sự đoàn kết với Pháp, cho rằng đây “không chỉ là một vụ việc song phương mà ảnh hưởng đến toàn châu Âu”. 

Nhiều nhà phân tích và truyền thông quốc tế nhận định việc nước Pháp “bị đồng minh phản bội” sẽ làm EU thức tỉnh và quay sang củng cố sự tự chủ chiến lược, củng cố vai trò quốc tế của mình. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định cuộc khủng hoảng “địa chính trị” này khẳng định rằng “sự tự chủ chiến lược của EU cần thiết hơn bao giờ hết”.         

Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, việc thành lập liên minh ba bên AUKUS đánh dấu sự thay đổi trong tương quan lực lượng tại khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng đối với khu vực quan trọng chiến lược này. Theo đánh giá của chuyên gia Quỹ nghiên cứu chiến lược Paris (FRS) Antoine Bondaz, xét trên phương diện hạt nhân, việc chuyển giao công nghệ hạt nhân của Mỹ và Anh cho Astralia có thể là sự khởi đầu của một chu kỳ mới trong khu vực, mà trước hết là các quốc gia khác sẽ bị kéo vào cuộc chạy đua trang bị tàu ngầm hạt nhân.         

Có thể nói việc thành lập AUKUS là một sự chuyển động mang tính bước ngoặt và sẽ tác động tới cục diện địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tiến Nhất - Phóng viên TTXVN tại Paris (CH Pháp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm