Từ người thầy của Tsubasa, đến người thầy của Nhật Bản

15/06/2013 18:45 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như nhân vật truyện tranh Tsubasa Ozora đã trở thành cảm hứng lớn lao cho sự phát triển của bóng đá Nhật Bản, thì đất nước Brazil cũng là một phần của câu chuyện ấy, không chỉ trên truyện tranh, mà còn ở cả đời thực.

Bộ truyện ra mắt công chúng vào năm 1981, được đăng liên tục trong 7 năm và  chuyển thể thành hoạt hình phát sóng từ 1983-1986. Sau đó, tác giả Takahashi Yoichi còn sáng tác thêm nhiều phần nữa trong hai thập niên qua, kéo dài từ 1994 cho đến tận năm ngoái, và cũng được chuyển thể thành hoạt hình.

Từ Roberto Hongo…


Chỉ một thập kỷ sau khi Tsubasa đến với công chúng, J-League ra đời. Đó được coi là bộ truyện tranh đã giúp bóng đá bén rễ trong xã hội Nhật Bản, đất nước vốn chỉ điên cuồng vì môn bóng chày. Tsubasa là nhân vật đã truyền cảm hứng cho rất nhiều ngôi sao của nền bóng đá Nhật Bản, như Hidetoshi Nakata và Shunsuke Nakamura.

“Các cầu thủ của thế hệ chúng tôi chắc chắn đã bị ảnh hưởng khi đọc Tsubasa” – Masakiyo Maezono, 39 tuổi, đội trưởng đội tuyển Nhật dự Thế vận hội tại Atlanta 1996 và giờ là một bình luận viên, chia sẻ. Ông nhớ lại rằng chính Tsuba đã dạy ông tinh thần của bóng đá, và dám ấp ủ giấc mơ lớn: “Tôi đã học được rằng ‘Quả bóng là bạn’. Nhà văn Shuntaro Fukagawa cho rằng tinh thần của Tsubasa đã tạo ra một thế hệ cầu thủ Nhật Bản có lối chơi đẹp và mã thượng: “Tôi nghĩ rằng phần lớn cầu thủ Nhật đều không chơi bẩn, kiểu như ăn vạ, giả vờ đau đớn để câu giờ. Tôi cho rằng cách chơi bóng kiểu Nhật Bản là sự phản ánh của mong muốn chơi đẹp trong Tsubasa”.

Trong truyện, người thầy của Tsubasa là một cựu cầu thủ người Brazil có tên Roberto Hongo. Đó từng là một trong những danh thủ tốt nhất của Brazil và là bạn của cha Tsubasa. Roberto chính là người đã dạy Tsubasa những kỹ năng đầu tiên, và trước khi rời Nhật Bản để trở về quê hương, đã kịp gieo vào Tsubasa khát khao đến chơi bóng ở Brazil.

…đến Zico


Trong truyện, Brazil thực sự là người thầy lớn của bóng đá Nhật Bản. Ngoài đời, thì cũng một người Brazil đã giúp bóng đá xứ mặt trời mọc tự tin bước vào một kỷ nguyên mới: Zico.

Năm 1989, sau 2 năm nghỉ chơi bóng, Zico nhận lời thi đấu cho CLB bóng đá của Tập đoàn thương mại và công nghiệp Sumimoto, trong nỗ lực đi lên chuyên nghiệp hóa bóng đá Nhật Bản. Năm 1993, đội bóng này đổi tên thành Kashima Antlers để dự J-League, và dưới sự chỉ huy tinh tế của Zico, họ giành chức vô địch năm ấy.

Nhưng đóng góp của Zico không chỉ dừng ở chuyên môn, dù ông, tất nhiên, luôn là người nổi bật nhất trên sân. Sự khó tính trong phòng thay đồ khiến ông thường xuyên va chạm với các HLV và đồng đội, những người vẫn chưa thẩm thấu được sự chuyên nghiệp và khát khao chiến thắng. Đó giống như một quá trình “xây dựng nhân cách” cho bóng đá Nhật Bản, mà sự quyết liệt của Zico đã giúp ông cảm hóa cả một nền bóng đá. Zico đã từng bỏ qua những chỉ đạo không thích hợp của HLV và nói với các đồng đội rằng hãy nghe lệnh ông. Các CĐV của CLB đến từ Ibaraki viết lên những băng rôn và lá cờ họ mang vào sân rằng đó là “Tinh thần Zico”.

Một trong những khoảnh khắc cho thấy rõ nhất “tinh thần Zico” là ở trận chung kết gặp Verdy Kawasaki vào năm 1993. Sau một quả phạt đền đầy tranh cãi cho Verdy, Zico bước lại chấm phạt đền và nhổ nước bọt lên quả bóng. Ông phải nhận thẻ đỏ và rời sân, nhưng người Nhật nhìn thấy ở đó một lời tuyên bố rằng bóng đá không chỉ là một môn chơi giải trí nữa, và thời đại chuyên nghiệp đã đến.

Hình ảnh của Zico cũng đã được sử dụng để truyền bá tinh thần mới của bóng đá Nhật thông qua các đoạn clip và biển quảng cáo, thậm chí trong cả những cuốn truyện tranh về bóng đá sau này, sau “phát súng lệnh” Tsubasa. Sau khi giải nghệ vào năm 1994, ông trở thành cố vấn kỹ thuật của CLB và sau đó dẫn dắt họ một thời gian ngắn năm 1999.

Zico cũng chính là HLV đã giúp đội tuyển Nhật Bản giành được điểm đầu tiên trong lịch sử ở vòng bảng một kỳ World Cup ngoài đất nước Nhật Bản (2006 tại Đức), hòa Croatia 0-0. Dù không thật sự thành công với đội tuyển Nhật Bản, nhưng ông đã đặt nền móng cho bóng đá nước này. Giống như Roberto Hongo đã dạy Tsubasa đá những trái bóng đầu tiên của cuộc đời.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

2 Thành tích tốt nhất của đội tuyển Nhật Bản tại Confed Cup là vị trí thứ hai vào năm 2001.

2 Brazil đã vô địch 2 kỳ Confed Cup gần đây, vào năm 2005 và 2009.

4 Đây là lần thứ tư đội tuyển Nhật Bản dự Confed Cup, nhờ vô địch Asian Cup 2011.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm