Thất bại của người Đức: Ngôi số một bị lung lay

04/07/2008 16:08 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Sau Pháp, đến lượt Tây Ban Nha có được chức vô địch châu Âu lần thứ hai trong lịch sử. Sự thăng tiến của các nền bóng đá này trong vòng hơn một thập kỷ qua đang trực tiếp đe dọa đến ngôi vị số một ở châu Âu của người Đức.

Bước vào giải với tư cách là ứng cử viên số một, đội tuyển Đức không hề giấu giếm tham vọng trở lại ngôi bá chủ của bóng đá châu Âu sau 12 năm xa cách kể từ lần đăng quang trên đất Anh vào năm 1996, đặc biệt là sau hai cú sốc liên tiếp, bị loại từ vòng bảng ở EURO 2000 tại Bỉ - Hà Lan cũng như EURO 2004 tại Bồ Đào Nha. Tuy khá vất vả với rất nhiều chướng ngại vật gặp phải trên đường đi nhưng cuối cùng, “Xe tăng” vẫn tiến vào chung kết, chơi trận đấu sống còn với Tây Ban Nha.
 
Dĩ nhiên, một đội bóng sống dựa nhiều vào tinh thần và truyền thống đã không thể trụ vững trước tài năng và sức trẻ của một nền bóng đá đang hồi sinh đến từ bán đảo Iberia. Khách quan, Tây Ban Nha đăng quang xứng đáng và người Đức cũng không có gì phải hổ thẹn hay quá đau đớn trước thất bại này. Từ World Cup 2006 đến EURO 2008, trong khi có sự sa sút về mặt chất lượng cầu thủ cũng như lối chơi, việc “Mannschaft” giữ được thành tích tương đối ổn định, thứ ba thế giới rồi thứ hai châu Âu, cũng là điều đáng mừng.
 
Nhưng với người Đức, từ điển của họ không có khái niệm “thất bại”. Thua trong trận chung kết cũng đồng nghĩa với việc sẽ bị lãng quên, bởi sau này người ta chỉ nhắc đến đội bóng từng chiến thắng chứ chẳng mấy anh nhớ đến kẻ chiến bại. Thất bại ở Vienna khiến ngôi vị số một châu Âu của người Đức bị thêm một đối thủ đe dọa, sau Pháp năm 2000 giờ đến lượt Tây Ban Nha. Đức giờ chỉ còn có nhiều hơn hai đối thủ này một chiếc Cúp Henri Delaunay và biết đâu, đến năm 2012, họ sẽ chính thức mất vị trí độc tôn ở lục địa già vốn đã tồn tại suốt từ năm 1980, khi nước Đức lần thứ hai vô địch châu Âu?
 
Ngôi bá chủ của Đức đang bị đe dọa

Khác với World Cup 2006, màn trình diễn của đội tuyển Đức tại EURO 2008 đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, cả về mặt con người lẫn lối chơi. Chính vì thế, những sự thay đổi lớn, mang tính bước ngoặt, gần như là điều cần thiết và bắt buộc đối với “Mannschaft” trong thời gian tới, để có thể nuôi hy vọng vươn lên đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới tại World Cup 2010 ở Nam Phi. Sau khi vô địch EURO 2008, HLV Luis Aragones đã không ngần ngại tuyên bố đội tuyển Tây Ban Nha có thể trở thành bá chủ thế giới lần đầu tiên sau 2 năm nữa với dàn cầu thủ hiện tại. Dường như “Nhà hiền triết” không hề nói chơi và đội tuyển Đức cần xem đó là một nguy cơ thực sự. Del Bosque được thừa hưởng một đội bóng gồm rất nhiều tài năng trẻ, đã gắn bó với nhau trong thời gian tương đối dài và đã cùng nhau đi đến chiến thắng.

Thất bại là điều chẳng ai muốn. Nhưng người ta hơn nhau ở chỗ, ai biết đứng dậy, biết rút ra bài học sau thất bại, người ấy sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn. Bản lĩnh của người Đức không chỉ được thể hiện trong từng trận đấu, từng giải đấu, qua từng thời khắc khó khăn, mà còn cần được dùng đến sau những cú vấp ngã. Thành công ở World Cup 2006 giúp người ta quên đi nỗi buồn của EURO 2004. Thành công ở World Cup 2010 cũng sẽ làm phai mờ nỗi đau ở Vienna. Nhưng trước hết, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ và hợp lý, để “Mannschaft” lại là một “Cỗ xe tăng” chiến thắng.

Cải tổ “Mannschaft”: Những người cần loại bỏ

Thủ môn Jens Lehmann: Đã hơn 38 tuổi, quá già để đứng trong khung thành đội tuyển Đức. Phản xạ chậm chạp, tâm lý thiếu vững vàng, Lehmann là biểu tượng cho những yếu kém còn sót lại của đội tuyển Đức sau những cuộc cách mạng liên tiếp mà Juergen Klinsmann rồi Joachim Loew đã tiến hành suốt 4 năm qua.

Trung vệ Christoph Metzelder: Tuy vẫn còn có thể thi đấu thêm nhiều năm nữa nhưng Metzelder lại sa sút phong độ một cách thảm hại, chủ yếu vì chấn thương. Nếu trong mùa giải tới, tình hình của Metzelder không được cải thiện thì cần phải mạnh dạn gạt anh ra khỏi đội hình chính thức, hay thậm chí ra khỏi đội tuyển để nhường chỗ cho những người khác.

Tiền vệ Bernd Schneider: Mặc dù không thể tham dự EURO 2008 vì chấn thương nhưng có lẽ đã đến lúc đội phó của “Mannschaft” nói lời chia tay, mở đường cho các đàn em tiến lên. Sắp bước sang tuổi 35, sức lực trở thành điểm yếu lớn nhất của Schneider, mặc dù kinh nghiệm của anh là điều không phải bàn cãi. Schweinsteiger đã thay thế rất tốt vai trò tiền vệ cánh phải của Schneider ở EURO 2008.

Tiền đạo Oliver Neuville: Đã 35 tuổi, EURO 2008 dường như là giải đấu lớn của cuối cùng Neuville trong màu áo đội tuyển Đức. Bóng đá Đức đang sở hữu nhiều chân sút giỏi nên việc tin dùng một “lão tướng” không còn ở phong độ đỉnh cao là điều không cần thiết.

Những người cần được trao cơ hội

Thủ môn Rene Adler: Vững vàng trong màu áo CLB Leverkusen, đã có ít nhiều kinh nghiệm chinh chiến tại Bundesliga cũng như Cúp UEFA, được trải nghiệm EURO 2008 dù chỉ trên băng ghế dự bị, Adler là gương mặt sáng nhất thay thế Jens Lehmann trong khung thành đội tuyển Đức.

Thủ môn Manuel Neuer: Thủ thành của Schalke đã chơi rất xuất sắc trong mùa giải trước và việc anh “lên tuyển” chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu tiếp tục bắt một cách thuyết phục, thậm chí Neuer còn có khả năng cạnh tranh vị trí số một tại “Mannschaft” với Rene Adler.

Trung vệ Heiko Westermann: Cầu thủ của Schalke có thể chơi tốt ở khu vực trung tâm cũng như cánh trái. Mùa vừa qua, Westermann đã trưởng thành vượt bậc khi được thử lửa tại Bundesliga cũng như Champions League và đã có mặt tại EURO 2008, dù không được vào sân. Đây có thể là sự thay thế hợp lý vị trí của Metzelder.

Vài cái tên khác: Hậu vệ cánh phải Gonzalo Casto (Leverkusen), Christian Lell (Bayern), trung vệ Marco Russ (Frankfurt), Robert Huth (Middlesbrough), Serdar Tasci (Stuttgart), hậu vệ cánh trái Christian Pander (Schalke), tiền vệ cánh phải Roberto Hilbert (Leverkusen), tiền vệ trung tâm Simon Rolfes (Leverkusen), Toni Kroos (Bayern), tiền vệ cánh trái Marko Marin (Gladbach), tiền đạo Patrick Helmes, Stefan Kiessling (Leverkusen)... đều là những tài năng rất triển vọng, xứng đáng có được cơ hội thử thách ở đội tuyển.

Đ.H

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm