20/02/2012 16:00 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Theo luật sư Hoàng Kim Thoa, Thanh Trung có quyền thương thảo ký tiếp hợp đồng hoặc không ký tiếp hợp đồng với CLB bóng đá Hà Nội đều không sai quy định của Bộ luật Lao động.
* Thưa luật sư, một cầu thủ đang có nhiều hợp đồng khác nhau như Thanh Trung thì khi đưa tranh cãi ra VFF hoặc Tòa án sẽ xét theo bản hợp đồng có hiệu lực gần nhất hay tất cả các bản hợp đồng?
- Ở đây ta chưa nói đến tại sao có nhiều bản hợp đồng tồn tại cùng lúc, mà ta chỉ nói đến hợp đồng lao động giữa cầu thủ Thanh Trung với CLB Hòa Phát cũ được chuyển giao sang chủ thể pháp nhân mới là CLB bóng đá Hà Nội. Kể từ khi HP.HN sáp nhập với HN.ACB để trở thành CLB bóng đá Hà Nội như bây giờ và xuất hiện những hậu quả pháp lý tiêu cực của hậu chuyển đổi không chặt chẽ, gây ra nhiều tranh cãi cũng là điều dễ hiểu.
Quyền từ chối gia hạn hợp đồng hay tiếp tục ký tiếp với CLB BĐ Hà Nội
hoàn toàn thuộc về Thanh Trung (phải). Ảnh: VSI
Thông thường, khi thay đổi hoặc sáp nhập thì tên của doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng cần được thay đổi và phải có ý kiến đồng ý của các bên. Theo đó, các bên cam kết ký hợp đồng cũng phải được sửa đổi những sự thay đổi này. Vì vậy, khi đã có sự đồng thuận của các bên thì sẽ không có sự ảnh hưởng đến hiệu lực và tính kế thừa của hợp đồng. Theo đó bên nhận kế thừa cần kế thừa tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm từ bên chuyển giao.
Hợp đồng có xác định thời hạn (3 năm) của Thành Trung với CLB cũ HP.HN giờ là CLB bóng đá Hà Nội đã hết thời hạn hôm 21/1/2012, và trong phụ lục hợp đồng sau đó của Thanh Trung với HP.HN trước đây có ghi thêm 2 năm cống hiến. Như vậy, với phụ lục này, hợp đồng lao động có xác định thời hạn của Thanh Trung trở thành một hợp đồng không xác định thời hạn nếu không đạt được thỏa thuận, và theo quy định của Bộ luật Lao động, bất cứ bản hợp đồng xác định thời hạn nào sau 30 ngày mà chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng mới hoặc không gia hạn hợp đồng thì hợp đồng đó đương nhiên trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động có quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Người lao động làm theo hợp đồng không xác định thời hạn, cụ thể: “Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày."
Như vậy, ở thời điểm hiện nay Thanh Trung có quyền thương thảo ký tiếp hợp đồng hoặc không ký tiếp hợp đồng với CLB bóng đá Hà Nội đều không sai quy định của Bộ luật Lao động.
* Những cam kết của Thanh Trung với Hòa Phát Hà Nội còn nguyên giá trị thực hiện không nếu cầu thủ này không muốn tiếp tục gắn bó với CLB BĐ Hà Nội?
- Tất nhiên là không có vấn đề gì thay đổi nếu cầu thủ này chấp nhận tất cả đàm phán của CLB bóng đá Hà Nội hiện nay. Và nếu khi cầu thủ muốn trở lại làm việc mà CLB bóng đá Hà Nội cương quyết không nhận cầu thủ trở lại vị trí cũ thì theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLLĐ - Quyền lợi của người lao động khi bị người sử dụng đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau:
- Nếu NLĐ muốn trở lại làm việc, thì NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
- Trường hợp NLĐ không muốn trở lại làm việc, thì ngoài quyền lợi như trên, NLĐ còn được trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 BLLĐ, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có).
Ngoài ra nếu người lao động chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được trả lương những ngày chưa nghỉ theo theo quy định của khoản 3 Điều 76 BLLĐ.
Việc tiếp tục gia hạn hợp đồng hay ký hợp đồng mới trước hết phải là một thỏa thuận có nghĩa là hợp đồng phải chứa đựng yếu tố tự nguyện khi giao kết nó phải có sự trùng hợp ý chí của các bên. Việc giao kết hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng, tự do giao kết hợp đồng, nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Các chủ thể khi giao kết, thực hiện hợp đồng đều phải có tư cách chủ thể tức là phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với một chủ thể của quan hệ dân sự, cụ thể trường hợp này theo quy định của Luật lao động là cần phải ký lại hợp đồng xác định thời hạn, đây là hợp đồng chính thức vì nó có thời hạn 3 năm.
* Việc CLB BĐ Hà Nội đăng ký thi đấu cho một cầu thủ (Thanh Trung) mà hợp đồng thi đấu đã hết hạn vào ngày 21/1/2012, trong khi giải VĐQG kéo dài tới tận cuối tháng 8/2012, có thể xem là một hồ sơ không hợp lệ? Ở nước ngoài từng có tiền lệ đội bóng nào lại có cầu thủ hết hạn hợp đồng đúng vào lúc mùa giải mới bắt đầu như thế không?
- Giải VĐQG chuyên nghiệp 2012 đến cuối tháng 8 năm nay mới kết thúc, trong khi hợp đồng giữa Thanh Trung và CLB bóng đá Hà Nội lại hết hiệu lực vào cuối tháng 1 cùng năm.
Hồ sơ của Thanh Trung ở VFF đang lưu giữ bản hợp đồng lao động dành cho cầu thủ chuyên nghiệp có thời hạn từ 2007-2013 của Thanh Trung với HP.Hà Nội. Về sự việc này chỉ có bản thân CLB bóng đá Hà Nội và VFF mới có thể giải thích thấu đáo.
Với cách làm việc chưa chuyên nghiệp chỉ để phục vụ việc hoàn rất thủ tục đăng ký cầu thủ trước mùa giải của các CLB, đây là việc làm không chỉ của CLB bóng đá Hà Nội và nó còn xảy ra ở nhiều CLB bóng đá khác của Việt Nam. Còn ở các CLB bóng đá nước ngoài họ làm việc rất chuyên nghiệp, việc hy hữu như thế này rất khó xảy ra.
* Để có thể tự do rời khỏi CLB BĐ Hà Nội, Thanh Trung cần phải làm những gì? Nếu CLB BĐ Hà Nội nhất quyết cho rằng Thanh Trung vẫn còn ràng buộc với đội bóng này thì theo quan điểm của luật sư nên làm như thế nào?
- Người lao động (cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp) nếu muốn được tự do rời CLB bóng đá Hà Nội cần phải làm đơn xin thôi việc tới CLB bóng đá Hà Nội trước 45 ngày (tính từ ngày hợp đồng 3 năm hết hạn mà không đạt được thỏa thuận), cầu thủ này cũng cần phải có cuộc gặp trao đổi cụ thể với người có thẩm quyền giải quyết của CLB bóng đá Hà Nội và cũng cần phải tôn trọng các nội quy, quy chế nội bộ của CLB bóng đá Hà Nội trong khi chờ đợi giải quyết. Ngược lại, ở thời điểm hiện tại CLB bóng đá Hà Nội cũng không thể ép buộc cầu thủ này trái luật trong khi hợp đồng xác định thời hạn đã hết hiệu lực và chưa đạt được thỏa thuận tiếp theo.
Nếu 2 bên vẫn không thể đi đến thương thảo hợp đồng với với những cam kết mới thì việc nhờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết là điều không tránh khỏi.
* BTC giải hiện dưới quyền điều hành của VPF, nếu hồ sơ vụ việc tranh chấp của Thanh Trung được gửi lên VPF, mà lãnh đạo VPF lại cũng là người đứng đầu CLB BĐ Hà Nội, thì như thế có bảo đảm tính công bằng và khách quan?
- VPF chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, và cho dù thế nào thì quyền lợi chính đáng của người lao động sẽ luôn được pháp luật bảo vệ, vì thế điều này không đáng lo ngại.
* Thanh Trung có quyền đề nghị cơ quan nào đứng ra phân xử cho mình, hay phải phụ thuộc vào BTC giải hoặc Cty VPF? Trong trường hợp xấu nhất, luật sư có tính tới khả năng phải đưa vụ việc này lên AFC, FIFA hoặc thậm chí là CAS và khi ấy liệu bóng đá VN có bị liên lụy gì không?
- Vụ việc này chỉ đơn thuần là một vụ tranh chấp lao động, vì thế không nên nhìn nhận vụ việc quá nghiêm trọng như thế, vì tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng lao động thường xuyên xảy ra trong đời sống xã hội hiện nay. Trường hợp này, cầu thủ trước tiên phải thực hiện đúng các điều kiện hợp pháp nếu muốn thôi việc hoặc đàm phán lại với CLB bóng đá Hà Nội nếu muốn tiếp tục công việc. Trường hợp mọi thỏa thuận không đạt, cầu thủ có thể khiếu nại lên VFF hoặc các cơ quan liên quan, thậm chí Tòa án để yêu cầu được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đây là việc hoàn toàn có thể theo quy định của pháp luật hiện hành.
* Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này
Hoàng Huy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất