25/12/2024 10:33 GMT+7 | HighTech
Vừa qua, HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ: Low Emission Zone). Theo nghị quyết, từ năm 2025 đến 2030, thành phố sẽ thí điểm lập vùng LEZ ở một số khu vực của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; đồng thời khuyến khích các quận huyện khác lập vùng này. Giai đoạn từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết sẽ thực hiện vùng LEZ.
Như vậy nhiều khả năng Hà Nội trong tương lai sẽ gia nhập "mạng lưới các thành phố LEZ" trên thế giới, hiện tập trung ở châu Âu.
LEZ thế giới ra sao?
Châu Âu là nơi đi đầu và khá phổ biến với Vùng phát thải thấp (LEZ), thậm chí là siêu thấp (ULEZ).
Đầu bảng phải kể tới London, thủ đô nước Anh, với những khu vực LEZ áp dụng 24/7 (một số thành phố khác áp dụng theo ngày hoặc giờ, như Paris các khu vực LEZ chỉ hoạt động từ 8h sáng đến 20h các ngày trong tuần). Các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải không bị cấm lưu thông, nhưng chủ xe sẽ nhận được hóa đơn phạt.
Mức phạt cao nhất dành cho xe tải nặng (từ 3,5 tấn trở lên) lên tới 1.000 bảng Anh (gần 30 triệu VND), các loại xe khác 160 bảng. Các loại xe quân đội, xe cấp cứu, xe của người khuyết tật và xe cổ được miễn trừ. Tại Paris, các xe đi vào khu vực LEZ phải nhãn dán chất lượng không khí (Crit'Air) được quy định màu sắc khác nhau, tùy theo năm sản xuất, hiệu suất khí thải. Xe nào vi phạm có thể bị phạt từ 68 đến 375 Euro.
Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên áp dụng luật LEZ từ năm 2003 cho 4 thành phố ở khu vực Tokyo mở rộng, gồm Tokyo, Saitama, Kanagawa, và Chiba.
Tuy nhiên Nhật chỉ cấm các loại xe tải và xe bus chạy bằng động cơ diesel không có các công nghệ lọc bụi khí thải. Còn Bắc Kinh cấm hoàn toàn một số xe tải nặng vào thành phố và một số loại khác cấm lưu thông vào giờ nhất định. Đến cuối năm 2021, hơn 92% thành phố cấp tỉnh ở Trung Quốc đã áp dụng các quy định về LEZ.
Sau LEZ, một số thành phố đang thí điểm hoặc có kế hoạch triển khai Vùng không phát thải (ZEZ: Zero Emission Zone), nơi chỉ cho phép các phương tiện không phát thải (xe điện, xe chạy pin, nhiên liệu hydro, hoặc xe đạp) được đi vào. Đây là bước tiếp theo của vùng phát thải thấp (LEZ) nhằm giảm triệt để khí thải từ giao thông. Cụ thể thành phố đại học Oxford, Anh đã triển khai ZEZ thử nghiệm từ năm 2022 tại trung tâm thành phố, các xe sử dụng động cơ đốt trong phải trả phí rất cao để đi vào khu vực này.
Thủ đô Hà Lan Amsterdam đã công bố kế hoạch chuyển toàn bộ thành phố thành vùng không phát thải vào năm 2030. Từ năm 2025, chỉ có xe không phát thải mới được phép đi vào trung tâm thành phố. Paris dự kiến cấm toàn bộ xe chạy xăng và dầu diesel vào năm 2030, biến thành phố thành một ZEZ lớn. Tương tự một số thành phố ở Trung Quốc như Thâm Quyến và Hàng Châu, đã áp dụng quy định khắt khe về khí thải, trong đó các khu vực cụ thể chỉ cho phép xe điện hoạt động.
Quyết tâm của Hà Nội
Theo nghị quyết của UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 thành phố thực hiện thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.
Tới nay chưa có thông báo chính thức từ thành phố về mốc thời gian thực hiện và quy định cụ thể về những loại xe nào được phép lưu thông trong khu vực LEZ, hoặc mức phí/phạt với những xe không đủ tiêu chuẩn. Dự kiến, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các xe tải hạng nặng (xe tải, xe siêu trường, siêu trọng, xe buýt…) chạy bằng dầu diesel sẽ bị cấm lưu thông trong vùng phát thải thấp. Với xe cá nhân sẽ hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4), xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 (Euro 2) lưu thông vào vùng phát thải thấp; thời gian cấm có thể theo khung giờ/ thời điểm hoặc khu vực.
Từ 1/1/2025, các xe ô tô đăng ký mới cũng sẽ được dán tem kiểm định theo màu tương ứng với loại năng lượng sử dụng: xanh lá cây (sử dụng năng lượng xanh), vàng (các loại khác), tím (xe chuyên dụng), được xem là bước chuẩn bị cho việc kiểm soát phương tiện lưu thông vào khu vực LEZ.
Tuy nhiên còn rất nhiều quy định cần rõ ràng, ví như việc phân loại năng lượng xanh đối với xe thuần điện và các loại xe hybrid, xe hydro như thế nào, cũng như nhiều quy trình cần hoàn thiện từ hạ tầng kiểm soát, mức xử phạt... cho tới các chính sách xã hội liên quan tới sinh hoạt của người dân sinh sống trong khu vực LEZ…
Hạ tầng giao thông công cộng chưa đủ mạnh, người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của LEZ và việc giảm phát thải và còn thiếu các quy định và tiêu chuẩn cụ thể để triển khai LEZ hiệu quả là thách thức cho việc triển khai LEZ ở nhiều thành phố Đông Nam Á. Nếu thực hiện thành công, Hà Nội có thể sẽ là thành phố LEZ đầu tiên trong khu vực này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất