19/09/2008 18:25 GMT+7 | Thế giới
Với những bạn trẻ cố bán trụ lại thành phố mà không có tài năng và bản lĩnh thì công cuộc tìm việc xem ra không hề đơn giản.
Gian nan tìm việc
Bạn Lê Thị Mỹ Dung - tốt nghiệp loại giỏi khoa Quản trị kinh doanh, từng được học bổng của ngân hàng Misubishi (Nhật) sau gần 2 tháng đi “rải” hồ sơ khắp nơi, kinh qua nhiều lần phỏng vấn mới được nhận vào một công ty liên doanh ở khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) với mức lương 2,2 triệu. Tuy nhiên, khi ngỏ ý được đi xe ô tô đưa đón cán bộ công nhân viên của công ty thì công ty buộc phải nộp 280 nghìn tiền xe. Đang dự tính học cao học, mức thu nhập lại không quá hấp dẫn nên sau ba ngày làm việc, Dung quyết định nghỉ việc để tìm cơ hội mới. Hiện giờ, Dung vẫn phải hàng ngày vào mạng tìm kiếm thông tin tuyển dụng để nộp hồ sơ.
Cùng lớp với Dung là Hà Giang. Sau 2 tháng nộp hơn chục hồ sơ khắp nơi, Giang cũng nhận được lời mời phỏng vấn của một số công ty. Nhưng mỗi lần đi phỏng vấn về là một lần cô cảm thấy thất vọng. Hầu hết các công ty đều yêu cầu “kinh nghiệm” trong khi cô chỉ có một chút vốn là 4 tháng làm bán thời gian ở FPT Telecom. Có một công ty gọi cô đi làm thì đó là một công ty còn trong giai đoạn “chưa thành lập, đang nghiên cứu thị trường”, đi làm bốn ngày, cô nhận ra mình và một số người khác đã trở thành những người nghiên cứu thị trường không công cho công ty đó.
Khối kinh tế đã vậy, khối xã hội còn ảm đạm hơn. Cơ hội ít, nhân lực nhiều, không ít bạn trẻ đã phải đầu hàng dù trước đó hạ quyết tâm bám trụ ở đất Hà thành. Suốt 2 tháng gửi hồ sơ khắp các trường cấp ba dân lập, Thanh Huyền - cử nhân Ngữ Văn - quê Phú Thọ luôn nhận được những cái lắc đầu. Cử nhân Văn khoa ra trường nhiều, nhu cầu tìm việc cao mà “đất” ở các trường thì có hạn nên không ít bạn đã phải chuyển hướng sang ngành khác như làm báo, làm biên tập, nhân viên văn phòng thậm chí là làm lễ tân, nhân viên thu ngân ở siêu thị…
Như Nguyễn Thu Hiền - sinh viên khoa Xã hội học của Học viện Báo chí tuyên truyền đã phải chấp nhận làm PR và phụ trách Nội san của một công ty nhỏ vì không thể tìm được công việc như ý. Minh Quỳnh - tốt nghiệp khoa Hóa Sinh - Đại học Bách khoa Hà Nội - được đánh giá khá giỏi trong học tập, tiếng Anh giao tiếp tốt nhưng hiện giờ cũng phải đi tìm những việc liên quan tới tiếng Anh mà không hề liên quan tới những gì mình đã học 5 năm trong trường đại học.
Lệch pha
Rất nhiều công ty phát biểu rằng, họ không quan trọng việc ứng viên có kinh nghiệm hay không, mà quan trọng là họ có khả năng và có gắn bó lâu dài với công ty hay không. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Xem qua các thông tin tuyển dụng thì hầu như các công ty đều có chung cụm từ “Ưu tiên những người có kinh nghiệm” hay “Yêu cầu: 1-3 năm kinh nghiệm”…
Chính những yêu cầu này khiến rất nhiều tân cử nhân cảm thấy hoang mang. Mỹ Dung tâm sự: “Hồi đi học thì chăm chỉ để có được tấm bằng tốt, nếu có đi làm thêm thì thành tích học tập sẽ bị ảnh hưởng. Vậy nhưng ra trường, dường như cái bằng giỏi đối với dân kinh tế cũng không có ý nghĩa bằng kinh nghiệm, đi đâu người ta cũng hỏi em làm ở đâu chưa, việc em làm như thế nào. Giờ em cũng không biết nên đi làm lấy kinh nghiệm hay học tiếp lấy bằng thạc sĩ nữa. Chú tâm cái này thì mất cái kia”.
Một bạn gái trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng bức xúc: “Mới ra trường lấy đâu kinh nghiệm để “úp vừa vung” của nhà tuyển dụng cơ chứ. Hơn nữa, thà họ mất công đào tạo bọn mình vài tháng, bọn mình làm việc lâu dài cho họ còn hơn là tuyển những người kinh nghiệm nhưng họ luôn đứng núi này trông núi nọ, luôn tìm những nơi tốt hơn để làm”.
Sự thực, không hẳn công việc nào cũng cần tới nhiều kinh nghiệm như các cơ quan, doanh nghiệp đăng tin. Nhiều bạn trẻ đi phỏng vấn về thắc mắc: “Đọc trên báo, trên mạng thấy họ yêu cầu tuyển người có kinh nghiệm nhưng khi mình gọi điện tới hoặc đi phỏng vấn về thì họ bảo cũng không cần người có kinh nghiệm, chỉ cần có khả năng. Vậy tại sao, nhiều doanh nghiệp đôi khi cứ tự làm khó mình bởi những yêu cầu mà các ứng viên như bọn em cảm thấy quá “khớp” như vậy nhỉ?”
Thu nhập cũng là mối quan tâm của nhiều bạn trẻ. Một sinh viên Học viện Tài chính sau khi đi phỏng vấn từ một tập đoàn tài chính lớn trở về than thở: “Em thấy họ đăng tuyển với mức lương trên 300USD, vậy mà khi phỏng vấn, biết em vừa ra trường, họ áp cho em mức lương 2,5 triệu đồng trong khi một người khác đi làm 2 năm rồi cùng được tuyển thì mức lương lại cao hơn nhiều”.
Dường như với một số nhà tuyển dụng, việc hạ thấp mức lương đối với các ứng viên mới ra trường là chuyện rất bình thường. Cùng một vị trí, cùng một công việc, nhưng giữa người có kinh nghiệm và người mới ra trường, mức lương khác hẳn nhau. Điều này vô tình đã gây nên tâm lý chán nản vì bị “phân biệt, đối xử” đối với các tân cử nhân.
Chị Hà Thị Thảo - phòng nhân sự Công ty cổ phần Đông Thiên Phú cho biết: “Việc đăng tuyển trên các trang điện tử, các báo cũng là một hình thức quảng cáo cho công ty nên nhiều khi nhà tuyển dụng cũng đưa ra những yêu cầu hơi cao siêu. Quan trọng nhất là ứng viên phải sáng suốt đọc yêu cầu và tìm được vị trí phù hợp với bản thân, nếu không sẽ vừa tốn công sức vừa rất mất thời gian. Nhiều vị trí và nhiều công ty vẫn tuyển sinh viên mới ra trường nhưng có lẽ nhiều bạn chưa “may mắn” tới được những địa chỉ này chăng? Còn vấn đề lương, nếu cùng được tuyển, cùng ở một vị trí thì không nên có quá nhiều sự khác biệt gây tâm lý bức xúc cho nhân viên trong khi làm việc”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất