16/03/2016 06:59 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Cũng vào những ngày này 24 năm trước (8/3), nhóm “Những người bạn” gồm những nhạc sĩ nổi tiếng đã ra mắt với khuynh hướng sáng tác và trình bày những sáng tác mới. Họ cùng nhau mang đến những điều mới mẻ cho âm nhạc.
Cô đơn nhưng không cô độc
Trong nhóm những người bạn, có lẽ nhạc sĩ Thanh Tùng là người đa diện nhất, vừa là một nhạc sĩ, doanh nhân, có lúc cực đỉnh, có lúc thăng trầm. Và như ông tự nhận, ở bất cứ mặt nào, ông cũng là một "ngôi sao cô đơn", kể cả khi vây quanh ông là những bóng hồng kiều diễm.
Cô đơn nhưng không cô độc, âm nhạc của ông thời kỳ nào cũng ánh lên sự lãng mạn, bình yên, tràn đầy niềm tin vào tình yêu và cuộc sống. Điều tưởng mâu thuẫn ấy thật ra lại hoàn toàn logic.
Nhạc sĩ Quốc Bảo nói rằng “Thanh Tùng lãng mạn bẩm sinh nên cô đơn bẩm sinh”. Thanh Tùng cũng tự nhận “tôi có sao cô thần, tôi là người cô đơn bẩm sinh”.
Sự cô đơn trong các ca khúc của ông mang đến năng lượng cho người khác với khuynh hướng ngôn ngữ giàu chất cổ điển Âu châu dù vào thời kỳ ấy, trong những tháng ngày khó khăn nhất, ông vẫn lãng mạn.
Cuối năm 1983, nhạc sĩ Thanh Tùng nhận được lời mời về phụ trách âm nhạc cho đoàn Hải Đăng (Khánh Hòa). Trước đó, ông từng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II, sau đó xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP HCM. Và kế tiếp, là những bất trắc cuộc đời đã khiến nhiều nơi, dù rất mến mộ tài năng của một vị chỉ huy dàn nhạc học từ Triều Tiên về, cũng không dám mời ông cộng tác.
Ông Nguyễn Thế Khoa, nguyên Trưởng đoàn, Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng nhớ lại rằng ông đã vào TP HCM mời Thanh Tùng ra Nha Trang và sau đó tất cả leo lên chiếc xe tải nhỏ hiệu Dasu và tiến về miền Trung: “Lúc ấy khó khăn lắm, cả nhà anh Tùng trông vào chị Minh, vợ anh ấy, một quay phim có tiếng ở Hà Nội, đã hy sinh hết cuộc đời để làm bệ đỡ sự nghiệp cho anh”.
Về đoàn Hải Đăng, nhạc sĩ Thanh Tùng đã giúp nâng cấp đoàn ca múa nhạc này thành một đoàn bề thế bằng việc xây dựng một dàn nhạc semi-classic rất bài bản. Hải Đăng đoạt giải Nhất hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985 tại Hà Nội.
Đoàn gần như từ bóng tối bước ra ánh sáng và trở thành đoàn ca nhạc hàng đầu cả nước trong 10 năm 1985-1995. Thanh Tùng còn có công xây dựng và đào tạo các ca sĩ như Ánh Tuyết, Ngọc Thúy, Thanh Trúc, Ngọc Liên, Mỹ Hạnh…
Phần lớn những bài hát hay nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Thanh Tùng đều sáng tác ở giai đoạn này như: Cây đàn guitar của Lorca (dựa theo bài guitar cổ điển của Hình Phước Liên, phổ thơ Thanh Thảo), Lời tỏ tình của mùa xuân, Chuyện tình của biển, Giọt nắng bên thềm, Một thoáng quê hương (viết chung với Từ Huy), Hát với chú ve con…
Và hiệu ứng của nó là rất lớn khi đi đến đâu đoàn Hải Đăng cũng phải trú thêm nhiều ngày. “Bọn tôi phải diễn liên tục gần nửa tháng tại Hà Nội hay Hải Phòng, Phan Rang, Bình Định… Mỗi lần diễn là có cả 5.000 người xem mà không còn một chỗ đứng”, ông Khoa nói. Nhạc sĩ Trần Tiến bảo đó là một thứ âm nhạc “rất Thanh Tùng”. Âm nhạc Thanh Tùng khi ấy thịnh hành ở khắp nơi, từ trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp đến các quán café và lan sang cả những vũ trường.
"Khi thấy buồn em cứ tới chơi"
Nhạc Thanh Tùng thường buồn bã nhưng không bi lụy. Như câu hát của ông “Khi thấy buồn em cứ tới chơi”, sự thật lúc nào âm nhạc của ông cũng có những bóng hồng, mỹ nhân ghé vào. Nhưng không ở chơi lâu.
Họ không ở lâu nhưng âm nhạc của ông là dành cho họ, ra đời vì họ. Sinh thời ông nói rằng “con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu. Nhân vật trong ca khúc của tôi bao giờ cũng là người phụ nữ và đúng là có nhiều nhân vật lắm”.
Như bài Chuyện tình của biển, Phố biển, Giọt nắng bên thềm là viết riêng cho Ngọc Thúy, một nàng thơ ở đoàn Hải Đăng. Đây là một câu chuyện mà cả hai phía sau này không muốn nhắc đến. Ngọc Thúy một thời được xem là giọng ca vàng nhạc Thanh Tùng. Sau này, Ngọc Thúy ra Hà Nội, lấy chồng người nước ngoài, vài lần tổ chức show nhạc sĩ Thanh Tùng đã mời cô hát nhưng Ngọc Thúy đã từ chối.
Hay bài Hoa tím ngoài sân với những lời ca rất hay như “Cuộc đời lạ lùng, cuộc đời ước mơ những điều viễn vông. Lòng người lạ lùng, thường hay mong nhớ những điều hư không”. Bài hát này được sáng tác trên nguyên mẫu là Tôn Nữ Minh Tâm, Á hậu Áo dài đầu tiên của TP HCM vào năm 1989, người khi ấy đang là hàng xóm của ông.
Nhưng đỉnh cao nhất trong những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng là bài hát tặng người vợ đã mất, Một mình. Một bài hát mà ca sĩ Cẩm Vân nhận xét rằng “những ai không còn chồng hay vợ cạnh bên, tôi tin họ sẽ khóc vì xúc động”. Bài hát này Thanh Tùng đã viết bằng tất cả cảm xúc vào một thời điểm ngắn ngủi và Hồng Nhung đã đưa nó trở thành bài hit.
Cả cuộc đời ông tràn ngập bóng hồng nhưng ông không yêu ai bằng vợ mình. Nhạc sĩ Thanh Tùng chung thủy ngay cả khi ông được xếp vào danh sách người đào hoa nhất. Vì với ông, không ai thay được người vợ đã mất của mình, người một tay lo lắng kinh tế cho cả gia đình để chồng toại nguyện với âm nhạc.
Ông Nguyễn Thế Khoa, nguyên Trưởng đoàn, Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng tâm sự: “Một mình là bài hay nhất của Thanh Tùng. Toàn bộ kinh tế gia đình ông đều do một người vợ lo hết. Chị Minh mất vì bị ung thư, để lại 3 con nhỏ.
Khi nghe lại bài hát này, tôi xúc động và khi ấy tôi mới hiểu được phẩm chất của Thanh Tùng. Nổi tiếng là một người cao ngạo nhưng tình cảm của ông lại rất chân thật và khi đó tôi mới hiểu, thật ra, đấy là một con người rất chung thủy. Một mình đã vẽ nên một chân dung Thanh Tùng rất đáng được chúng ta yêu mến”.
Giờ thì giọt nắng bên thềm cũng đã tắt với con người tài hoa, nhạc sĩ Thanh Tùng. Sự cô đơn, xét cho cùng, đến từ những tận hiến tình cảm của trái tim. Nhạc sĩ Thanh Tùng đã trao hết tình yêu của mình trong âm nhạc và ông đã nhận về những đồng cảm của công chúng.
Và khi thấy buồn, những người mộ điệu sẽ vẫn ghé thăm ông, bằng âm nhạc.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất