16/10/2023 11:23 GMT+7 | Văn hoá
Nhân Lễ hội trang phục áo bà ba, áo dài vừa xác lập kỷ lục cuối tuần qua tại TP Cần Thơ, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng trích giới thiệu bài nghiên cứu của Lê Ngọc Hân về lược sử chiếc áo bà ba ở Nam bộ.
Trong các tiểu thuyết sáng tác thời Pháp thuộc của Hồ Biểu Chánh, độc giả thường nhìn thấy hình ảnh áo bà ba qua các nhân vật, từ nam tới nữ. Qua sự miêu tả sinh động của nhà văn, áo bà ba là trang phục được sử dụng phổ biến từ những gia đình giàu có đến những người bình dân, chỉ khác chất liệu vải sang trọng hoặc vải thô sơ, rẻ tiền.
Ngoài ra, những bức hình tư liệu thời Pháp cũng cho thấy áo bà ba đã trở thành kiểu trang phục phổ biến ở miền Nam: từ học trò ở các trường tiểu học Vĩnh Long, học sinh trung học các trường phổ thông Sài Gòn, các lớp học vẽ mỹ thuật, các lớp học may thêu ở Phú Lâm, Chợ Lớn, các xưởng mộc…
Phù hợp với thời tiết và lối sinh hoạt
Về nguồn gốc áo bà ba, ta có thể tham khảo nhiều ghi chép khác nhau. Theo tư liệu, học giả Trương Vĩnh Ký đã chỉnh sửa từ kiểu áo của người Bà Ba (người Malaysia gốc Hoa) thành áo bà ba. Còn nhà văn Sơn Nam ghi chép rằng: "Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu, chính là kiểu áo của người Bà Ba".
Cách nay hai thế kỷ, làn sóng doanh nhân người Bà Ba (Baba, Nyonya, hoặc Peranakan) đã đến miền Nam. Họ là những thương gia tài giỏi kinh doanh mua bán lúa gạo, nông sản, xây dựng… góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, cũng như đã để lại các công trình dấu ấn kiến trúc đặc sắc.
Những dữ kiện này cho thấy sự ảnh hưởng và giao thoa trang phục giữa các dân tộc, cộng đồng, tùy theo truyền thống văn hóa, tập quán sinh hoạt, thời tiết địa phương, tín ngưỡng, thói quen… mà có sự chỉnh sửa thiết kế trang phục phù hợp với nhu cầu.
Trong biên khảo Văn minh miệt vườn, Sơn Nam ghi rằng: "Ở miệt vườn, ở miền Hậu Giang thời Pháp thuộc, cái áo dài đàn ông không được thông dụng cho lắm. Kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhứt, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu. […]. Ông điền chủ sang trọng cũng mặc đồ bà ba bằng lụa Lèo, lụa Hà Đông khi ra đường.
Tại trường tiểu học, sơ học và luôn cả trung học, học trò mặc áo bà ba lúc ngồi học. Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc".
Áo bà ba được cộng đồng lựa chọn là nét đặc trưng văn hóa trang phục phù hợp với thời tiết và lối sinh hoạt của người dân miền Nam, bởi sự tiện dụng, thoải mái, đơn giản.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết, người Việt xưa mặc quần áo cốt để che đậy thân thể kín đáo theo truyền thống Nho học. Áo bà ba thời Pháp thuộc kiểu dáng đơn giản, cổ tròn bo kín, phong dáng rộng rãi, kín đáo, có hai kiểu áo tay ngắn mặt lót bên trong và áo tay dài mặc khi đi ra ngoài. Dù vậy, cho đến gần đầu thập niên 1970, áo dài vẫn được xem là trang phục mang tính chất trang trọng, lịch thiệp, nghi lễ, sử dụng đa dạng hơn áo bà ba. Từ Bắc, Trung, Nam, phụ nữ ra khỏi nhà là khoác chiếc áo dài, từ các chị buôn gánh bán bưng, gánh hàng rong đến nữ sinh trung học, các bà các chị lễ chùa…
Hai lần cách tân áo dài vào năm 1934 (áo dài Lemur của hoạ sĩ Cát Tường) và năm 1962 (áo dài bà Nhu của bà Trần Lệ Xuân) đã làm thay đổi nhận thức thời trang của phụ nữ. Quần áo từ chức năng che thân đã có thêm chức năng "khoe thân", sự cải cách kiểu dáng của áo dài đã ảnh hưởng sang áo bà ba, cổ áo may rộng hơn, xẻ tà vạt áo hai bên hông, chít eo ôm sát, tôn dáng…
Nữ đạo diễn - nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng bồi hồi nhớ lại năm 1945, khi bà gia nhập đoàn học sinh cứu quốc của Trường Khải Định theo phong trào "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu", những học sinh tuổi mười sáu, mười bảy trốn gia đình theo cách mạng. Là con gái nhà quan, bà Xuân Phượng được cha mẹ may rất nhiều áo dài, bởi thời đó, đàn bà con gái Huế ra khỏi nhà là phải mặc áo dài, từ người già đến em nữ sinh và ngay cả những người buôn bán nhỏ, ai cũng phải khoác trên mình chiếc áo dài. Khi thoát ly gia đình theo 12 anh chị em vào Đoàn tuyên truyền kháng chiến chống Pháp tại mặt trận Huế (phó đoàn Trần Hoàn), từ tháng 10/1945, những bộ áo dài lụa vân màu ngà đã được bà Xuân Phượng âm thầm xếp lại vào rương, thay vào đó là chiếc quần đen và áo cánh màu nâu (kiểu áo bà ba của Huế).
Bà Xuân Phượng kể những ngày đầu thay đổi trang phục từ áo dài sang áo bà ba (áo cánh) có nhiều lạ lẫm, bỡ ngỡ, do vạt áo ngắn không che kín thân thể như áo dài. Tuy nhiên, bởi hoàn cảnh cần sự di chuyển đi lại nhanh nhẹn, leo trèo, băng rừng vượt suối, chiếc áo bà ba là trang phục thích hợp cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Thời điểm này, áo bà ba (áo cánh) đã có kiểu cách tân cổ viền, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình…
Những chiếc áo cánh màu sắc thanh nhã, kín đáo đã đồng hành cùng bà Xuân Phượng và các đồng đội trong suốt 9 năm kháng chiến và trên 30 năm đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn trong chiến tranh.
Sau ngày đất nước thống nhất, những lần về miền Tây, bà Xuân Phượng thường gặp hình ảnh chiếc áo bà ba thân thương khi lênh đênh trên các kênh lạch, các phiên chợ nổi Cái Răng, Ba Ngàn, Ngã Năm hoặc Năm Căn…
Hôm ở chợ nổi Ba Ngàn, một chàng trai đã cố tình tắp xuồng sát một chiếc thuyền bán dừa, nói có hai cô gái mạnh khỏe, tươi tắn trong những chiếc áo bà ba.
"Em mặc áo bà ba
Nước da em trắng
Đôi má ngấn đồng tiền
Đêm nằm anh thao thức, năm canh liền nhớ em"
Đáp lại là tiếng mái chèo đập nước tung tóe với những tiếng cười vang vang cả khúc sông.
Song hành cùng áo dài
Trong bộ tranh ký họa của sinh viên Trường Mỹ thuật Gia Định (thập niên 1930) đã cho thấy trẻ con, đàn ông, đàn bà mặc áo bà ba đội nón lá hoặc vấn khăn cạnh bên những người mặc áo dài xung quanh. Khung cảnh khu chợ trời cho thấy áo dài và áo bà ba được sử dụng song song, tùy theo lựa chọn của người dân, không có giới hạn của lễ nghi hoặc sang hèn.
Trong một tác phẩm hồi ký chiến trường, anh lính trẻ gần 5 năm ở chiến trường rừng núi, khi gặp phải bệnh sốt rét phải nằm điều trị ở trạm xá. Tình cờ, đoàn văn công đến phục vụ văn nghệ, anh nằm trên giường bệnh lướt nhìn thấy dáng cô văn công trong chiếc áo bà ba ngang qua, tà áo xẻ hở lộ chút da thịt mơn mởn, chỉ chừng ấy thôi mà bao nhiêu ký ức tươi đẹp tràn về trong tâm hồn người lính. Những ngày cùng người yêu thuở học trò dạo phố bên nhau, tay khẽ chạm tay mà tim rung lên bồi hồi. Vẻ đẹp của người phụ nữ ẩn hiện gợi thương gợi nhớ qua chiếc áo bà ba.
Nhà văn Trần Thị Ngọc Hồng ở Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang, cho biết, thông thường, các bà trên 70 tuổi mặc áo bà ba phom rộng phùng phình truyền thống, còn những chị em trẻ tuổi mặc áo cách tân cổ tim, xẻ tà, nhấn ben, ôm sát cơ thể, "khoe" nét đẹp đường cong. Do đó, áo bà ba được lựa chọn là trang phục cho thấy nét đẹp duyên dáng đặc trưng của miền quê sông nước Cửu Long. Về miền Tây, đi đâu cũng dễ bắt gặp hình ảnh các chị em mặc áo bà ba đi chợ, hoặc chèo ghe xuồng dọc ngang kênh rạch.
So với áo dài mang tính chất trang trọng, áo bà ba có vẻ bình dân, giản dị và nhận sự chấp nhận rộng rãi của xã hội. Những nhà may thường để bảng hiệu quảng cáo "may áo dài - áo bà ba" cũng cho thấy sự gắn kết giữa áo dài và áo bà ba như hai chị em. Hầu như trong tủ đồ của người Nam bộ, hễ có áo dài là thế nào cũng có áo bà ba kế bên.
Từ truyền thống mặc trang phục để che kín thân thể, sự thay đổi của xã hội dẫn đến thời trang là để tôn lên vẻ đẹp thân thể. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhắc nhở giới hạn của vẻ đẹp văn hóa có ranh giới mong manh, áo bà ba may với các loại vải nào, kiểu dáng nào cũng nhớ đến giới hạn, sự chừng mực, đoan trang.
Ở miền Tây Nam bộ ngày nay, áo bà ba vẫn là trang phục quen thuộc của các bà, các chị, còn các ông, các anh thì đã ít mặc hơn.
Áo bà ba trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh
- "Bác Ái nghe hỏi, ngó Xuân Hoa thấy mặc áo bà ba lụa trắng, cổ trịch, nên bày cái cổ trắng trong, mặt không dồi phấn mà nước da trắng, gò má ửng đỏ, lại đeo bông tai hột thủy xoàn chớp nhoáng nên gương mặt sáng rỡ như hoa sen trăng dọi, cườm tay tròn, ngón tay nhỏ lại dài, cầm đũa gắp đồ ăn coi thật đẹp đẽ" - trong Một chữ tình (1923).
- "Xe chạy qua gần khỏi cầu Khánh Hội, Thu Vân bỗng thấy ba người đàn ông với một người đàn bà đương ngồi tại đầu cầu...
Khi họ đi gần tới xe, thì thấy người đàn bà tuổi chừng 40, miệng rộng, da đen, đầu choàng một chiếc khăn vải rằn, mình mặc một cái áo bà ba vải đen và một cái quần vải đen cũ" - trong Chút phận linh đinh (1928).
- "Bước vô nhà thấy có một người đàn ông, tuổi chừng bốn mươi, bộ vạm vỡ, không có râu, mà tóc lại hớt cụt, mặc quần lãnh đen, lưng xanh buộc một sợi dây nịt da ngang qua bụng, choàng một cái áo bà ba vải trắng, cái ngực với bắp tay mặt lòi ra thì thấy có xâm hình xâm chữ rậm ri" - trong Cay đắng mùi đời (1923).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất