17/05/2012 08:30 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Cách đây một năm, chính xác là ngày ngày 26/5/2011, PV TT&VH đã về Bắc Giang, tá túc tại chùa Vĩnh Nghiêm hòng chầu trực giây phút đăng quang của Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm trong buổi công bố những Di sản tư liệu mới nhất của nhân loại tại thành phố Manchester (Vương quốc Anh).
Kết quả, hồ sơ Mộc bản đã không qua được vòng bỏ phiếu này. Nhưng lạ thay, từ ông Ngô Văn Trụ, PGĐ Sở VH,TT&DL Bắc Giang cho đến Đại đức Thích Thanh Vịnh, trụ trì chùa không lấy đó làm buồn, thậm chí hai ông đều “chắc như đinh đóng cột” rằng, trước sau gì Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cũng được vinh danh.
Và đúng như hai ông tiên đoán, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vừa chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết, hệ thống mộc thư còn lưu giữ được ở chùa Vĩnh Nghiêm là 3.050 bản khắc gỗ, bao gồm 3 thể loại chính là Kinh, Luận và Luật. Ngoài ra là các trước tác nhà Phật, của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử thời nhà Trần như bộ Yên Tử Nhật Trình, Thiền tâm bản hạnh… Những bộ sách này là rất quý và chưa được nhiều người nghiên cứu và chưa thấy công bố rộng rãi.
Ông Ngô Văn Trụ, PGĐ Sở VH,TT&DL Bắc Giang cho biết: “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nói về giáo lý phật phái Trúc Lâm của Việt Nam nhưng khác với giáo lý từ Ấn Độ truyền sang, cụ thể là tu tại gia, tu tại tâm của phật hoàng Trần Nhân Tông. Đó là tư tưởng lớn của Phật hoàng, đồng thời mộc bản còn giới thiệu được về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và đặc biệt là về đạo lý của người Việt Nam. Đó theo tôi là giá trị nổi bật nhất của Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm”.
Từ năm 1994, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Giang) đã tiến hành tổng kiểm kê, đánh số và từ năm 2009 bắt đầu in dịch toàn bộ số ván kinh trên, song song với việc tiến hành lập hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu của thế giới, tỉnh đã có những nghiên cứu phối hợp với chùa Vĩnh Nghiêm về cách bảo quản mộc bản…
Ông Ngô Văn Trụ, Phó GĐ Sở VH,TT&DL Bắc Giang cho biết, Sở đã cử cán bộ đến chùa Vĩnh Nghiễm và cho in rập lại hết số mộc bản, mỗi bản gốc được in thành 4 bản sao. Sở cũng đã quay phim, chụp ảnh toàn bộ hệ thống ván khắc, bảo tồn bằng cách số hóa. Sau khi mộc bản in ấn xong chúng tôi sẽ tổ chức mời các chuyên gia về nghiên cứu, dịch ra tiếng Việt để quảng bá đến rộng rãi quần chúng nhân dân”.
Chắc chắn, sau khi được vinh danh, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm sẽ tự thân phát huy giá trị thực tiễn của mình trong thời đại mới. Nhưng để cộng đồng và bạn bè quốc tế hiểu biết nhiều hơn về một di sản văn hóa đã lặng lẽ tồn tại chốn thiền môn mấy thế kỷ qua tại vùng đất Kinh Bắc này, trách nhiệm của những người làm văn hóa hậu vinh danh không phải là nhỏ.
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất