20/12/2016 11:58 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Làng Xuân La, xã Phượng Dực,huyện Phú Xuyên, Hà Nội được mệnh danh là làng tò he độc nhất ở Việt Nam, một làng nghề truyền thống đến nay vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân trong làng.
Tò he Phượng Dực
Chúng tôi được nghệ nhân Đặng Văn Tiên giới thiệu chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển nghề làm to he truyền thống của người dân Xuân La từ xưa đến nay.
Cụ thể, từ cách đây hàng trăm năm, những người khéo tay trong làng bắt đầu nặn những con giống gắn liền với cuộc sống lao động sản xuất như: con gà, con cò, con trâu… Một thời gian sau, khi những hình nặn được gắn vào một chiếc kèn ống – phần đầu kèn được quét mạch nha, người ta có thể thổi kèn để tạo ra âm thanh “tò te”. Từ đó, món đồ chơi nhỏ trở thành một nét văn hóa đặc sắc độc nhất của người dân Xuân La.
“Tò te” trở nên nổi tiếng vì món đồ chơi này xuất hiện ở khắp các lễ hội lớn nhỏ ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Hải Dương… Chính vì vậy, người dân nói trại đi tên gọi ban đầu, dẫn đến việc món đồ chơi có tên mới và được lưu truyền đến ngày nay là “tò he”. Dần dần, những con giống gắn với hình ảnh đồng quê Việt Nam mất đi vị trí độc tôn, phải nhường chỗ cho những nhân vật trong phim hoạt hình từ nước ngoài: siêu nhân, rô-bốt, tôn ngộ không, pokemon….Đó là kết quả của quá trình hội nhập văn hóa thế giới vào Việt Nam, theo đó, những nghề thủ công như nghề làm tò he đang dần bị mai một theo thời gian.
Trong làng Xuân La hiện nay chỉ còn những người già đã ngoài 60 – 70 tuổi như cụ Nguyễn Văn Phiên, hoặc những người đã 30-40 như các anh Tiên, anh Hậu là còn tiếp tục theo nghề “nặn con giống” từ hồi còn thanh niên mười tám đôi mươi.
Bác Nguyễn Văn Phiên (trái) và nghệ nhân Đặng Văn Tiên (phải)
Nghề truyền thống vất vả là thế, nhưng thế hệ nghệ nhân “tò he” vẫn nhất định gìn giữ vì đây là nét văn hóa tạo nên bản sắc riêng cho làng Xuân La so với các địa phương khác, và tạo bản sắc riêng cho văn hóa Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Giờ đây, không chỉ “tò he” mà còn là những trò chơi dân gian Việt Nam như kéo co, chơi ô ăn quan… được tổ chức rộng rãi trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm, Hà Nội những ngày cuối tuần.
Đây là cơ hội cho nhiều thế hệ người dân Việt Nam được trải nghiệm, biết tới trò chơi truyền thống của dân tộc, đồng thời, là cơ hội quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam với khách du lịch quốc tế.
Nét văn hoá tò he trên phố đi bộ
Theo dòng chảy của thời gian , tò he vẫn hoà vào những nét dung dị đời thường của cuộc sống.
Ngày nay, khi đến với làng Xuân La hay phố đi bộ Hà Nội, chúng ta không chỉ bắt gặp hình ảnh những nghệ nhân già nặn tò he mà còn thấy cả một thế hệ thợ nặn nhí đang cho ra đời những tác phẩm đầu tiên với niềm say mê đặc biệt.
Đó chính là cách để sự kế thừa những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được tiếp nối từ đời này qua đời khác. Đó cũng là biểu hiện của sự thành công trong việc giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam trở thành những người có tri thức, có trách nhiệm trở thành người có ích cho xã hội.
Nguyễn Hồng Vân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất