Tò he - vẫn vững vàng một sức sống

27/08/2008 22:49 GMT+7 | Bạn đọc viết

(TT&VH Online) - Tò he, cái tên gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Đó là một đồ chơi rất dân dã, thô sơ, mộc mạc làm bằng thủ công nhưng lại rất sinh động, bắt mắt bởi hình dáng và màu sắc.


Tò he được sinh ra trong một làng nghề truyền thống lâu đời và chỉ có duy nhất ở nước ta. Đó là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, theo lời một cụ già trong làng, nghề nặn tò he có lịch sử hơn 300 năm. Nhưng đến nay, không phải ai cũng biết rõ về cái nghề đã được không ít bạn bè quốc tế biết đến này.


Làm tò he đòi hỏi phải khéo léo, nhẹ nhàng, tỉ mỉ, phải có tư duy quan sát, khiếu thẩm mỹ đến từng chi tiết, sáng tạo để chọn màu sắc, kết hợp hài hòa và làm nổi bật lên những nét đặc trưng.


Ðể nặn ra tò he chỉ cần những nguyên liệu rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống nông dân, do chính bàn tay họ làm ra: bột gạo, phẩm mầu, que tre.

Làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ. Nhào bột với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, vê thành cục. Cho cục bột vào nồi nước đang sôi để một giờ đồng hồ đến khi bột nổi thì vớt ra, để nguội bột, và nhuộm màu cho bột.


Nếu như trước đây tò he thường là những voi, ngựa, chim, gà, lợn... đến những con vật chỉ có trong trí tưởng tượng của con người như rồng, phượng, hạc...những nhân vật cổ tích, thần thoại như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Bồ Tát nghìn tay...

Ðồ vật thì có mâm xôi, mâm ngũ quả, phẩm oản, nải chuối, buồng cau, thủ lợn...thì ngày nay để đáp ứng nhu cầu người mua, người làm tò he có thể làm ra cả máy bay, ô tô, siêu nhân hay thậm chí cả "Cô gái xấu xí"

Rồng, gà...

Hoa hồng với trái tim "I love you"

Trong làng cụ Đặng Văn Tố là người được phong nghệ nhân dân gian, cụ đã được mời đi nhiều nước để biểu diễn và triển lãm. Nhưng giờ cụ Tố không còn, người con rể của cụ là Chu Văn Chiến đã tiếp bước cụ rất xứng đáng.


Ông Chu văn Chiến kể lại những kỉ niệm về nghề tò he của mình, cả những lần cùng cụ Tố tham gia triển lãm và biểu diễn.

Theo như lời ông Chiến kể lại thì có những lần đi xa đến những tỉnh khác hàng tháng trời để làm tò he với mong muốn giữ nghề của cha ông.


Chu văn Đạt – con trai út của ông Chiến cũng biết làm tò he từ nhỏ.


Cháu nội Gia Bảo cũng rất ham thích tò he.


Giờ đây, vào những ngày lễ hội hay những ngày cuối tuần, người trong làng những ai biết làm thường lên những công viên, khu vui chơi ở Hà Nội để bán.


Những con tò he luôn là những sự lựa chọn của những em nhỏ.


Và tò he vẫn tồn tại với một sức sống mãnh liệt!

Trung Kiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm