17/07/2014 09:00 GMT+7 | Di sản
Đó là những gì đang diễn ra ở công trình trùng tu di tích quốc gia chùa Sổ. Công trình trùng tu mới khởi công từ tuần trước.
Hạ giải như phá
Quang cảnh chùa chỉ là một đống đổ nát. Những mảnh ngói nát vụn trên nền chùa. Những bức tường của di tích cấp quốc gia cũng bị đục khắp nơi để tiện đường... di chuyển. Cấu kiện gỗ thì bị chất đống dưới sân chùa. Trong đó, nhiều mảng chạm với giá trị lịch sử mỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã bị sứt mẻ. Nhiều mảnh khác gãy đôi.
Cầm mảng chạm gãy vụn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) lắc đầu ngao ngán: Mất hết rồi! Sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể khôi phục nguyên trạng được những cấu kiện cổ bị vỡ nát.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Dương Văn Hoàng, Công ty Cổ phần Xây dựng số 10, đơn vị thi công dự án cho hay: Quá trình thi công, chúng tôi không thể che bạt được. Trong gói thầu này không có nhà bao che. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí.
Khi được hỏi việc thiếu nhà bao che vi phạm Luật Di sản, ông Hoàng nói: “Tôi có trao đổi với chủ đầu tư (BQL Dự án huyện Thanh Oai) nhưng không có phản hồi. Chúng tôi không sai”.
Tuy nhiên, khi hỏi tiếp về văn bản trao đổi, cũng như về chứng chỉ trùng tu di tích của đơn vị thi công, ông Hoàng ậm ừ và ngừng trả lời phỏng vấn.
Chứng kiến cuộc trao đổi, ông Nguyễn Minh Khang, chuyên viên Cục Di sản - Bộ VH,TT&DL liền nói: Việc hạ giải, tổ chức công trường như thế này là trái với nguyên tắc về di tích. Thứ nhất, trong văn bản đã nêu rõ, trước khi thỏa thuận dự án, chúng tôi yêu cầu có tất cả các phương án về bao che, bảo quản. Ở đây không có phương án bao che. (Chúng tôi được biết, đơn vị thi công phản ánh là sau khi có hồ sơ thiết kế nhà bao che và tất cả các hạng mục khác thì chủ đầu tư và ban quản lý dự án cắt bỏ phương án bao che trước khi phê duyệt).
Ông Khang nói tiếp: Thứ hai, trước khi hạ giải phải có biện pháp bảo vệ móng gạch, bó nền của hậu cung, không thể để gạch ngói rơi vỡ xuống sứt mẻ các cấu kiện gỗ. Tuy nhiên, tại thực địa, chúng tôi thấy mọi thứ không như yêu cầu của Cục.
Đại diện Cục Di sản cũng kết luận: Tất cả các hiện vật, hiện nay đã hạ giải, việc đánh dấu, phân loại phải khoa học. Đơn vị thi công không được chất đống, hạ giải vô tội vạ như thế này. Bằng không, những mảng đã mất, những viên gạch quý, ngói quý đã vỡ thì không thể khắc phục được.
Sai phạm hàng loạt
Bên cạnh đó, sau quá trình hạ giải, việc bảo vệ hoành phi, câu đối, tượng quý đều phải được thực hiện cẩn trọng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thể thao & Văn hóa, nhiều hoành phi câu đối vẫn bị treo trong gian hạ giải. Điều này đồng nghĩa với việc những cấu kiện này sẽ bị va đụng khi hạ giải mái chùa. Còn những bức tượng quý nổi tiếng của chùa Sổ được “cất” ở một căn phòng nhỏ, hớ hênh, đầy rủi ro.
Đặc biệt, dù đại diện Cục Di sản đã khẳng định công trình mới xây thuộc khu vực I bảo vệ của di tích cấp quốc gia, ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội) vẫn khẳng định hạng mục đập bỏ am cũ, xây tượng mới chồng lên “nằm ngoài di tích”.
Để độc giả hiểu nguyên nhân căn cơ của vụ việc, chúng tôi xin trích đăng cuộc trao đổi giữa PV với Chủ tịch UBND xã Tân Ước.
* Ông có thể nêu quan điểm của mình về hạng mục xây mới của di tích?
- Một hộ gia đình có tiền, họ về chùa làm công đức. Chính quyền thôn và UBND xã không được trình báo. Hôm qua chúng tôi xuống đây thấy hạng mục đổ xong cột và ghép cốt pha. Chúng tôi đã lập tức đình chỉ thi công ngay từ hôm qua.
* Nhưng chúng ta vẫn đang nhìn thấy những công nhân đang trèo lên hạng mục và thực hiện xây dựng?
- Tôi sẽ gọi công an đến lập biên bản và xử lý hành chính ngay với đội thợ.
* Vậy cái am cũ (bị hạng mục mới xây “đè lên”) giờ ra sao thưa ông?
- Trước đây, nó là cái am nhỏ, giờ được người khác làm công đức để xây hạng mục mới nên người ta dỡ đi. Nó không thuộc di tích.
* Thưa ông, bằng mắt thường chúng ta cũng thấy nó nằm trong vòng tường bao thuộc khu vực I bảo vệ của di tích?
- Cái am do nhân dân mới xây, nó không cùng thời kỳ với ngôi chùa cổ. Nó nằm ngoài di tích, không được công nhận di tích (?!)
* Hiện nay, đơn vị nào đang chịu trách nhiệm cất giữ các pho tượng cổ đang chịu rất nhiều sức ép từ nạn trộm cổ vật?
- Chúng tôi đã giao cho nhà chùa.
* Nhà chùa không phải đơn vị chuyên môn thưa ông!
- Nhưng nhà chùa người ta thờ cúng và hiểu biết về tượng.
* Vậy nếu mất tượng quý, nhà chùa hay nhà quản lý chịu trách nhiệm thưa ông?
- Đương nhiên thuộc về nhà quản lý. Và chúng tôi đảm bảo sẽ không để mất một pho nào!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất