Sở VH-TT&DL Hà Nội nói gì về vụ tháo dỡ chùa Trăm Gian?

30/08/2012 07:12 GMT+7 | Văn hoá

Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, ông Phạm Quang Long cho biết, nhà Tổ, gác Khánh chùa Trăm Giam đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sập nên cuối năm 2011, liên sở và huyện Chương Mỹ trình thành phố cho phép hạ giải ngay các hạng mục này để tu bổ, tôn tạo.

Ngày 28/8, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Phạm Quang Long có văn bản gửi ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND thành phố giải thích rõ những vi phạm trong tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian (xã Tiền Phương, Chương Mỹ).

Thủ tục đầu tư đang hoàn thiện…

Ông Long cho biết, trải qua thời gian, các hạng mục kiến trúc của chùa Trăm Gian đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Những năm trước đây, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã đầu tư kinh phí để tu bổ một số hạng mục trong chùa như Tiền đường, hành lang, gác chuông, giá ngự, tả - hữu vu. Tuy nhiên, do di tích lớn, nhiều hạng mục của di tích đã xuống cấp nghiêm trọng nên UBND huyện Chương Mỹ không có đủ nguồn lực để đầu tư tu bổ di tích.


Khu vực chùa Trăm Gian được làm mới

Đến tháng 4/2010, Sở KH&ĐT Hà Nội đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian và giao cho Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư dự án. Các thủ tục chuẩn bị đầu tư đã được Sở VH-TT&DL hoàn thành như hồ sơ thiết kế thi công, tổng dự toán đã được thỏa thuận.

Tháng 9/2011, Sở VH-TT&DL cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra hiện trạng di tích và thống nhất đánh giá thực trạng nhiều hạng mục kiến trúc như: ống muồng, Thượng điện, nhà Tổ, gác Khánh… đang bị xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sập đổ, dù đã được nhà chùa và địa phương chống đỡ tạm thời trong mùa mưa bão 2011, nhưng vẫn không đảm bảo an toàn cho hệ thống di vật và khách thập phương vào lễ Phật.

Chính vì vậy, Sở VH-TT&DL và các đơn vị liên quan đã đề xuất với UBND thành phố Hà Nội cho phép chủ đầu tư hạ giải ngay các hạng mục (trong đó có hạng mục nhà Tổ) xuống cấp trong tình trạng nguy hiểm và triển khai thi công, đồng thời giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện dự án trong năm 2011. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên thành phố chưa bố trí nguồn kinh phí đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian vào năm 2011.

“Vì vậy, Sở VH-TT&DL (chủ đầu tư) chưa có điều kiện triển khai dự án. Trong khi đó, các hạng mục vẫn tiếp tục xuống cấp, nhất là điều kiện tự nhiên có nhiều bất thường như hiện nay”, ông Long giải thích.

Đầu tháng 8/2012, Trưởng phòng Quản lý di sản - bà Phạm Thị Lan Anh - đã có báo cáo về tình hình hư hỏng của nhà Tổ và đã đề nghị Ban Giám đốc Sở yêu cầu Ban Quản lý dự án với tư cách là chủ đầu tư khẩn trương tu bổ sau khi đã có quyết định của thành phố. Trước đó ngày 29/6/2012, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định giao nhiệm vụ và kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và một số mục tiêu thành phố năm 2012 (chưa giao vốn để thực hiện dự án). Di tích chùa Trăm Gian được UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí đầu tư là 5 tỷ đồng. Vì vậy, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án hoàn chỉnh thủ tục theo quy định, trong đó có điều chỉnh tổng dự toán kinh phí theo quy định giá hiện nay.

… nhà chùa tự ý tháo dỡ, thi công nhà Tổ, gác Khánh

Ngày 24/8, sau nhận được thông tin phản ánh về những sự việc đang diễn ra ở chùa Trăm Gian, Sở VH-TT&DL cùng Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hóa… đi kiểm tra và nhận thấy, di tích chùa Trăm Gian có hai hạng mục bị hạ giải là gác Khánh và nhà Tổ. “Hai hạng mục này đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sập đổ. Cuối năm 2011, liên Sở VH-TT&DL, KH&ĐT… và huyện Chương Mỹ đã có văn bản trình thành phố cho phép hạ giải ngay các hạng mục trên và đề nghị thành phố đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo”, ông Long cho hay.

Theo ông Long, trong khi các thủ tục đầu tư của UBND thành phố Hà Nội và Sở VH-TT&DL đang hoàn thiện để thực hiện dự án, đợt mưa bão vừa qua, hạng mục nhà Tổ đã bị sập một góc mái (theo giải trình của sư trụ trì Thích Đàm Khoa). Quá lo lắng, sợ sập toàn bộ công trình gây hư hại hệ thống tượng Phật và mất an toàn cho khách thập phương vào hành lễ, nhà chùa đã tự ý tháo dỡ và thi công nhà Tổ, gác Khánh. Việc thi công nhà Tổ và gác Khánh được thực hiện trên nền móng cũ, hình thức kiến trúc theo kiểu cổ - truyền thống và chất liệu gỗ cũng được nhà chùa sử dụng nằm trong nhóm tứ thiết (gỗ lim).

Tuy nhiên, theo ông Long việc nhà chùa tự ý hạ giải, thi công hai hạng mục nói trên của di tích là sai nguyên tắc, không báo cáo chính quyền để làm thủ tục theo đúng quy trình là đã vi phạm Luật Di sản văn hóa cùng các quy định hiện hành.

Theo Dân trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm