Hơn nửa triệu thanh niên Nhật mắc hội chứng 'tự kỷ'

29/10/2016 08:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - 541.000 thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 39 mắc hội chứng hikikomori, tức sống tách biệt, không giao tiếp với thế giới bên ngoài trong khoảng thời gian dài. Vấn nạn này buộc Nhật Bản phải áp dụng hàng loạt biện pháp để giúp những người này hòa nhập lại với xã hội.

Dù thuật ngữ hikikomori xuất hiện từ đầu những năm 1980, nhưng đến nay vẫn còn nhiều điều chưa rõ về căn bệnh này. Theo bác sĩ tâm thần Takahiro Kato của trường Đại học Kyushu, hikikomori là một loại tâm bệnh bắt nguồn từ trầm cảm và lo âu. Bên cạnh đó, yếu tố xã hội và văn hóa cũng là nguyên nhân gây ra hikikomori.

Kết hợp với trung tâm hỗ trợ Yokayoka ở thành phố Fukuoka, bác sĩ Kato hiện đang điều trị cho các bệnh nhân hikikomori nhằm giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Ông Kato nhấn mạnh gia đình cần quan tâm và trò chuyện với người bệnh nhiều hơn bởi họ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi hành vi của người bệnh.


Bác sĩ Takahiro Kato tiến hành các bài kiểm tra trong khi hỏi han bệnh nhân hikikomori.

Chủ tịch trung tâm hỗ trợ Yokayoka, ông Michiko Asami thì luôn chào đón bệnh nhân hikikomori với nụ cười thân thiện. Để giúp các bệnh nhân vượt qua nỗi sợ giao tiếp, ông lắng nghe họ chia sẻ, không phán xét hay nhìn thẳng vào mắt họ.

Mỗi tuần một lần, nhân viên của trung tâm cùng bệnh nhân đi uống cà phê để giao lưu hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Kết quả khả quan bước đầu cho thấy, khi đã làm quen với môi trường, bệnh nhân bắt đầu tâm sự nhiều hơn và kể lại những hoạt động ưa thích khi trở về trung tâm hỗ trợ.

Cô Kimura (34 tuổi) là một trong những bệnh nhân điều trị tại Yokayoka. Gia đình Kimura chuyển tới Tokyo khi cô còn là học sinh trung học. Vì nhớ bạn học cũ, Kimura không còn hứng thú với sách vở và giam mình trong phòng, không nói chuyện với ai trong suốt 1 năm.

Ban đầu, ý nghĩ đến trung tâm hỗ trợ khiến Kimura vô cùng sợ hãi, nhưng rồi cô cũng nhận ra đây là quyết định đúng đắn. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các bác sĩ, cô dần có động lực để làm việc và giao tiếp với xã hội. Hiện tại, cô làm việc ở trung tâm giới thiệu việc làm Fukuoka, địa chỉ từng hỗ trợ trung tâm Yokayoka tìm kiếm nhân lực.

Căn bệnh 'hikikomori' ở Nhật Bản: Những thanh niên tự giam mình trong nhà

Căn bệnh 'hikikomori' ở Nhật Bản: Những thanh niên tự giam mình trong nhà

Có tới cả triệu thanh niên ở Nhật Bản được cho là đang sống khép kín tại căn phòng của họ, một số người "trốn" trong đó lâu tới cả thập kỷ. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại người ta lại sống như vậy?


Một nỗ lực khác để đẩy lùi hikikomori đến từ các công ty Nhật Bản phát triển trường học trực tuyến trên mạng Internet, cho phép người mắc hikikomori học tập và phát triển bản thân ngay tại chính phòng riêng. Năm 2000, trường THPT dân lập Meisei thuộc vùng Chiba là đơn vị triển khai chương trình trường học trực tuyến đầu tiên ở Nhật Bản. Theo chương trình học này, giáo viên và học sinh tương tác với nhau qua các nhân vật ảo và giao diện trò chuyện. Học phí rơi vào khoảng 1.500 USD/năm (khoảng 33 triệu đồng).

Học sinh bắt buộc phải tham gia đều đặn các lớp học và làm bài kiểm tra trên phần mềm được cài đặt trong máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc điện thoại di dộng. Hệ thống các bài giảng được thể hiện qua những đoạn video dài khoảng 20 phút. Khi có thắc mắc, học viên có thể gửi nhờ giáo viên giải đáp hoặc mượn tài liệu tham khảo trong thư viện sách điện tử.

Có thể gọi chương trình giảng dạy này là một trò chơi thực tế ảo, bởi các nhân vật ảo sẽ “về nhà” sau giờ học để làm bài tập và tham gia các hoạt động ưa thích như làm vườn, câu cá... Học viên còn có thể thay đổi hoặc thêm đặc điểm mới cho nhân vật ảo của mình bằng cách mua quần áo và phụ kiện từ điểm tích lũy trong quá trình học tập. Sau 3 năm, những học viên hoàn thành xuất sắc chương trình học sẽ nhận được bằng tốt nghiệp. Trường học trực tuyến này cũng không giới hạn độ tuổi của học viên.

Nhờ có trường học trực tuyến Meisei và các trung tâm hỗ trợ như Yokayoka, số lượng người mắc chứng “ẩn cư” đã giảm xuống còn 151.000 từ năm 2010. Dù người mắc hikikomori vẫn giữ liên lạc với bạn bè qua trường học trực tuyến, song để tái hòa nhập hoàn toàn, họ cần tiến thêm một bước để giao tiếp trực diện với những người xung quanh.

Theo Phương Anh - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm