Em gái ra tranh cử và nước cờ của Thaksin

18/05/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Đảng đối lập Thái Lan hôm 16/5 đã đề cử em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra làm ứng cử viên ngồi vào ghế Thủ tướng, nếu đảng này thắng trong cuộc bầu cử sắp diễn ra. Quyết định trên được cho là sẽ gây thêm căng thẳng trong một nền chính trị vốn đã chia rẽ sâu sắc thành nhiều phe phái như ở Thái Lan.

“Tôi đã sẵn sàng và tự tin để chạy đua vào ghế Thủ tướng” - Yingluck Shinawatra, 43 tuổi, nói trong cuộc họp báo diễn ra hôm 16/5 - “Tôi muốn nhìn thấy sự hàn gắn ở đất nước chúng ta. Tôi sẽ dùng thế mạnh là phụ nữ của mình để làm được điều đó” - bà nói.

Non trẻ và ít kinh nghiệm chính trị

Cho tới trước ngày 16/5, Yingluck Shinawatra chưa từng tranh cử vào bất kỳ cấp chính quyền nào ở Thái Lan, cũng chẳng làm một công việc nào trong nhà nước. Nhưng chỉ riêng việc cô là em út của Thaksin, người được dân nghèo Thái Lan vô cùng yêu mến nhờ triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ dân nghèo được ưa chuộng, đã khiến cô có cơ hội lớn trở thành Thủ tướng mới của Thái Lan. Tại cuộc họp báo, khi có những ý kiến chất vấn về năng lực chính trị bản thân, Yingluck đã tuyên bố: “Cha tôi là một chính trị gia và các anh tôi cũng vậy. Vì thế tôi biết về chính trị khi còn nhỏ xíu. Người dân giờ vẫn còn lưu giữ những cảm giác ấm áp về gia đình tôi”.

Yingluck và Abhisit, ai sẽ giành chiến thắng sau bầu cử


Yingluck là con gái út trong 9 người con của ông Lert và bà Yindee Shinawatra. Cô tốt nghiệp với bằng cử nhân Khoa học chính trị và Quản trị công ở Đại học Chiang Mai hồi năm 1988 và tiếp tục theo học bằng Thạc sĩ Khoa học chính trị ở Đại học bang Kentucky (Mỹ) năm 1990.

Trở về nước, cô vào làm việc ở công ty của anh trai, trong vai trò một quản trị viên tập sự. Tiếp đó cô nắm nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, bao gồm ghế Chủ tịch Advanced Info, công ty kinh doanh dịch vụ điện thoại di động của tập đoàn Shin Corp, “gã khổng lồ” viễn thông được Thaksin một tay gây dựng nên.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nation hồi năm 2005, Yingluck nói rằng việc anh trai là Thủ tướng có nhiều tác động tích cực và tiêu cực với cô. “Rất nhiều người nghĩ rằng danh hiệu của tôi trong vai trò Chủ tịch Advanced Info không có được do năng lực bản thân. Tôi đã chấp nhận suy nghĩ đó. Nó khiến tôi phải lao động hăng say hơn để tạo ra kết quả tốt khiến ai cũng phải tâm phục khẩu phục” - cô tâm sự

Cô cũng nói rằng việc mình tham gia chính trường là mong muốn của bản thân. Nhưng giới phân tích tin rằng đã có bàn tay tác động của Thaksin. Việc Pheu Thai chọn Yingluck không khiến nhiều người ngạc nhiên bởi Thaksin, người sống lưu vong từ năm 2008, vẫn bí mật điều khiển hoạt động của đảng này. Pheu Thai hiện nắm 188 trong 500 ghế ở Quốc hội Thái Lan và dựa vào việc Thaksin rất được dân nghèo mến mộ, người ta tin rằng đảng này sẽ có cơ hội thắng lớn trong cuộc bầu cử tới.

Yingluck Shinawatra trong buổi họp báo đầu tiên sau khi Đảng Pheu Thai
chọn cô làm ứng viên ngồi vào ghế Thủ tướng


Nước cờ khôn ngoan hay quá mạo hiểm?

Thaksin có truyền thống sử dụng các thành viên gia đình trong chính trị. Khi là Thủ tướng hồi năm 2003, ông đã bổ nhiệm người anh họ Chaisit Shinawatra vào vị trí tư lệnh quân đội. Năm 2008, ông can thiệp để người em vợ Somchai Wongsawat trở thành Thủ tướng. Nhưng sau đó Somchai đã bị tòa án Thái Lan phế truất và bị thay thế bởi ông Abhisit.

Việc Yingluck được đưa vào cuộc, bất chấp việc cô còn trẻ và ít kinh nghiệm so với đối thủ Abhisit, có thể bắt nguồn từ chỗ cô rất thân cận với Thaksin. “Yingluck trông giống con gái cả của Thaksin hơn là em út của ông. Cô là người được ông tin tưởng thứ 2 trong gia đình, sau vợ cũ Pojaman” - tạp chí Matichon Weekly nhận xét hồi tháng 3 năm nay- “Yingluck thực sự là cánh tay phải của Thaksin và cô có thể tiếp xúc với ông bất kỳ lúc nào”.

Andrew Walker, một chuyên gia về nền chính trị Thái Lan ở Đại học Quốc gia Australia nói rằng việc Yingluck vào cuộc chơi là một quyết định sáng suốt. “Đây là hành động quá liều lĩnh, nhưng xét tới sức mạnh thương hiệu Shinawatra trong nền chính trị Thái Lan, đây lại là động thái khá hay” - ông nói - “Điều mà những người Dân chủ và các đồng minh của họ sợ nhất là một cuộc ganh đua phiếu bầu với Thaksin”.

Tuy nhiên, có ý kiến nói rằng kế hoạch của phe Thaksin sẽ vấp phải nhiều trở ngại. Họ chỉ ra rằng trong khi Yingluck có thể được chào đón bởi những người ủng hộ anh trai, cô sẽ gặp không ít khó khăn để lấy lá phiếu của những cử tri khác, ngoài các cộng đồng ở nông thôn và người nghèo. “Có thể có những người thành thị ở Bangkok thích đường lối dân chủ của Pheu Thai. Nhưng việc cô ấy mang cái họ Shinawatra sẽ khiến những cử tri này quay lưng với đảng. Chuyện sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực lãnh đạo của cô ấy, điều chúng ta vẫn chưa được biết cho tới khi chứng kiến cô ấy vào cuộc” - Pavin Chachavalpongpun, một chuyên gia chính trị Thái Lan ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nhận xét.

Cuộc tranh cử sắp tới được đánh giá là sẽ rất khốc liệt. Với Abhisit, người lên nắm quyền nhờ một cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội hồi năm 2008, đây sẽ là cơ hội để ông đường hoàng ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng nhờ lá phiếu của người dân. Với Thaksin và bộ sậu, đây là cơ hội để sửa lại những điều sai trái mà người ta đã làm với ông và người ủng hộ theo sau cuộc đảo chính hồi năm 2008.

Đã có ý kiến lo ngại rằng tình hình chính trị ở Thái Lan sẽ không thể ổn định sau các cuộc bầu cử tới. “Các cuộc bầu cử sẽ chỉ làm tăng thêm mức độ xung đột và chia rẽ” - Somjai Phagaphasvivat, giám sư chính trị và kinh tế tại Đại học Thammasat, Bangkok, nói với hãng tin Reuters - “Thaksin đã hứa rằng ông sẽ trở về và các kẻ thù của ông sợ ông sẽ trả đũa với họ. Họ sẽ tìm cách ngăn chặn ông và dù tình hình hiện đang được kiểm soát thì sau bầu cử các cuộc đối đầu mới sẽ xảy ra, như chuyện không thể tránh khỏi”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm