Việt Nam kém Thái Lan, chuyện bình thường

28/05/2015 16:39 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khách mời của ông chủ quán cà phê tuần này là một nhà báo thể thao, chuyên theo dõi đội tuyển, và đặt lên bàn cà phê một loạt những vấn đề liên quan tới đội tuyển và cả nền bóng đá.

+ Ông chủ quán: Anh đã bao giờ viết bài về việc so sánh giữa hai nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan chưa?

-Nhà báo thể thao: Tôi chưa. Tôi cũng có để ý báo chí quốc tế, người Anh chưa bao giờ nói rằng đội tuyển của họ thua Uruguaytức là nền bóng đá của họ kém nền bóng đá của quốc gia Nam Mĩ này. Brazil thua đội tuyển Đức tới 7 bàn nhưng họ cũng không nói là nền bóng đá của họ ở một bậc hay hai thấp hơn.

Rồi Italy bị Tây Ban Nha "vặt" tới bốn quả ở trận chung kết EURO 2012 thì người ta cũng không coi đó là bằng chứng của sự thua thiệt giữa hai nền bóng đá dù cho thực tế hiện nay có thể nói như vậy.


Trận thua Thái Lan 0-1 tại vòng loại World Cup 2018 cho thấy khoảng cách trình độ giữa hai nền bóng đá. Ảnh: Phạm Tuân

+ Tại sao họ không viết như thế?

- Vì trước tiên nó phải là vấn đề của HLV và cầu thủ, những người trực tiếp can dự vào trận đấu. HLV trước hết là người lựa chọn cầu thủ, và các cầu thủ là người vào sân thi đấu. HLV có quyền lựa chọn con người phục vụ mục đích ý đồ chiến thuật của ông ấy, và cả khi thực hiện quyền thay người thì đó cũng là quyền của ông ta.

Chiến thắng hay thất bại vì thế trước tiên là vấn đề của HLV, rồi sau đó là tới cầu thủ. Tôi tin là nếu ở Anh mà có một bài báo nói rằng Anh bị Uruguay loại là vì nền bóng đá Anh thua Uruguay, là thiếu tầm nhìn chiến lược, người ta sẽ cho là vấn đề.  

+ Tức là chúng ta không thể nói rằng ĐTVN thua Thái Lan 0-1 ở Bangkok là vì nền bóng đá của chúng ta chỉ có đến thế?

-Không thể nói như vậy được. Vì hơn ai hết, chúng ta biết rằng ở V-League và hạng Nhất còn có những cầu thủ khác, họ có những phẩm chất khác, có thể không phải là những người to khỏe nhất, nhưng họ có tố chất kỹ thuật và tư duy chiến thuật. Tôi chỉ ra thực tế này không phải để nói rằng nền bóng đá Việt Nam hơn Thái Lan.

Vì bản thân tôi cũng nghĩ là nền bóng đá cũng chỉ là một phần của xã hội, kinh tế Thái Lan hiện đã có những tiến bộ và ưu việt hơn hẳn chúng ta.

+ Vậy thì điều gì trận thua đó nói lên điều gì?

-Nó không phải là một thảm họa. Chúng ta cần phải nhìn nhận như vậy về góc độ tỉ số. Bất cứ đội tuyển nào ở Đông Nam Á hiện nay cũng đều có thể thua với tỉ số 0-1 hoặc đậm hơn khi chơi trên sân của Thái Lan.

Tôi đồng ý với mọi người khi cho rằng lối chơi, cách chơi quá thiên về sức mạnh, thậm chí vào bóng nguy hiểm và phòng ngự phá bóng nhiều hơn phòng ngự phản công mà ông Miura xây dựng thực sự là vấn đề.

+ Có vẻ anh muốn cho rằng trách nhiệm là của ông Miura?

-Tôi không giấu giếm quan điểm đó. Vì ở trên tôi đã nói là kết quả của mọi trận đấu trước tiên phải được nhìn nhận từ vai trò của HLV trưởng. Một HLV giỏi là người giúp được đội bóng yếu hơn đánh bại đội bóng mạnh hơn. Một HLV không giỏi là người cùng với đội bóng không được đánh giá cao hơn chịu thất bại trước đội bóng mạnh hơn và nói rằng kết quả như thế là tất yếu.

+ Khi Việt Nam thắng Thái Lan 2-1 ở lượt đi chung kết, tạo tiền đề lớn cho chức vô địch AFF Cup 2008, đó có phải là trận đấu mà HLV Calisto đã giúp một đội bóng yếu hơn thắng một đội mạnh hơn?

-Ít nhất thì trước khi trận đấu diễn ra, ai cũng tin là Việt Nam yếu hơn Thái Lan, rồi đến khi diễn ra trận lượt về, Việt Nam chỉ tìm được bàn gỡ hòa 1-1 ở Mỹ Đình để lên ngôi ở phút cuối cũng đã cho thấy tương quan sức mạnh của hai đội tuyển.

+ Vậy thì tại sao chúng ta lại hay so sánh hai nền bóng đá từ kết quả của một trận đấu?

-Ngay một HLV như Alfred Riedl dù chưa bao giờ được coi là dũng cảm cũng từng nói rằng ở Việt Nam có chuyện rất kỳ lạ, là nếu một CLB nào đó vô địch hay xuống hạng thì người ta nghĩ rằng đó là vì ông bầu. Đây chính là vấn đề thói quen. Vấn đề thứ hai cũng có tính truyền thống, nếu không muốn nói là thói quen. 


Bóng đá Việt Nam cần phải học hỏi Thái Lan ở cách làm bóng đá

Mười hay hai mươi năm trước, người ta thường cố lái kết một trận/giải đấu vào vấn đề của nền bóng đá để gây sức ép lên Liên đoàn bóng đá hay một vài cá nhân nào đó ở đây. Nó dần dà trở thành một cách đặt vấn đề chung dù cho có không ít người hoàn toàn không có một "âm mưu" nào đó.

+ Nhưng nếu cần phải nói về nền bóng đá, thì vấn đề anh nhìn thấy là gì?

-Trước hết là Thái Lan cũng không hơn gì Việt Nam trong việc xây dựng đội tuyển cả. Kiatisak cũng một mình gánh hai đội tuyển rồi gần cuối mới tuyên bố buông U23. Họ cũng phải giằng xé giữa con người cho đội U23 và con người cho đội tuyển. Các nền bóng đá hiện đại, phát triển không làm như vậy.

Việc họ thắng Việt Nam cũng không chứng tỏ cách làm của họ đúng, vì cả hai cùng xây dựng đội tuyển theo một cách theo kiểu góp quân và chia sẻ HLV trưởng. Tôi thực sự băn khoăn cho khối lượng công việc mà ông Miura phải gánh vác và trải qua trong thời gian qua. Ông chạy giữa hai đội tuyển khi tập trung ở Hà Nội.

Ông gần như phải lên danh sách thi đấu cho hai đội tuyển đồng thời (gửi danh sách thi đấu cho U23 từ Thái Lan). Ông vừa trải qua với một đội có một trận đấu có thể làm tổn thưởng chính bản thân ông thì ngày hôm sau, ông lại ra sân tập luyện với những cầu thủ khác đã có mặt ở một nước thứ ba. Và khi mà vị trí HLV còn khó về tài chính, khó về tìm người như thế thì mong gì một ông Giám đốc Kỹ thuật.

+ Xin cảm ơn nhà báo!

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm