(TT&VH) - Sau ngày vui khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, các nhà khảo cổ học thuộc Dự án HTTL, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) vẫn tiếp tục bận rộn với công việc âm thầm: nghiên cứu, quảng bá hình ảnh khu di tích.
TS khảo cổ học Bùi Minh Trí, Phó Chủ nhiệm dự án Nghiên cứu HTTL cho biết:- Ngay sau khi khu trung tâm HTTL nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, việc tuyên truyền quảng bá khu di tích này được giao cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS). Việc tuyên truyền này gồm 4 nội dung chính. Thứ nhất, tu bổ khu di tích 18 Hoàng Diệu để đón khách du lịch. Kèm theo đó là dựng phim về HTTL để chiếu cho khách du lịch. Đây là một phiên bản mới với kỹ thuật 3D, dựa trên nội dung bộ phim 45 phút về HTTL trong hồ sơ di sản.
Thứ hai, trưng bày tại Nhà Cục tác chiến trong thành cổ Hà Nội với 234 hiện vật tìm thấy tại 18 Hoàng Diệu. Trưng bày sẽ tái hiện HTTL qua 8 thời kỳ lịch sử qua 39 panô trưng bày với sự giúp đỡ của nhóm chuyên gia Pháp. Thứ ba, một catalogue giới thiệu Thăng Long Hà Nội và một bộ sách lớn 800 trang có tên Hoàng thành Thăng Long - Dấu ấn ngàn năm. Bộ sách này sẽ có hai phiên bản, tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra VASS còn hỗ trợ UBND Thành phố Hà Nội 709 hiện vật và tất cả nội dung trưng bày tại hai bên điện Kính Thiên trong trung tâm thành cổ. Một về vật liệu xây dựng cung điện trong hoàng cung, một về đồ dùng hàng ngày trong hoàng cung. * Tại sao lại phải làm một bộ phim khác về HTTL mà không sử dụng ngay bộ phim cũ đã dùng trong hồ sơ đề cử di sản, thưa ông? - GS-TS Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam chính là người đưa ra ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện bộ phim 25 phút này. Ý kiến của GS-TS Đỗ Hoài Nam dựa trên mục đích làm thế nào để đại chúng hóa được kiến thức, giúp khách tham quan có thể hình dung tốt nhất về khu di sản. Muốn như vậy, thông tin khoa học chuyên sâu trong bộ phim không cần quá dày đặc như trong hồ sơ. Trong khi đó, phần hình dung không gian cần rõ hơn. Do đó trong bộ phim chỉ ngắn 25 phút, nhóm thực hiện đã sử dụng kỹ thuật tạo hình ảnh 3D để tái tạo lại không gian. Một nhóm làm phim tài liệu của VTV1 đang dựng bộ phim này. Kịch bản phim phác dựng lịch sử kinh đô Thăng Long hoa lệ, trung tâm quyền lực quan trọng của nước Đại Việt tồn tại lâu dài, liên tục qua 3 triều đại lớn Lý - Trần - Lê với những thành tựu rực rỡ trong quy hoạch đô thị, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng công trình, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, tạo dựng nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc... Những thành tựu này được công bố dựa trên những khám phá quan trọng của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu vực 18 Hoàng Diệu. * Các nhà khảo cổ học thuộc dự án HTTL có bị “ép tiến độ” để kịp mở cửa di sản cho khách tham quan không? - Tôi hiểu câu hỏi của các bạn là từ khi di sản được công nhận đến lúc mở cửa chỉ có 2 tháng, liệu bây giờ mới chuẩn bị thì có bị chậm không. Điều đó thì công chúng có thể yên tâm. Bởi những công việc chuẩn bị “ra mắt” di sản đã được chuẩn bị từ rất lâu, cụ thể là từ tháng 7/2009. * Xin cảm ơn ông!
Kiều Trinh (thực hiện)