25/02/2015 08:01 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 3.500 người phải nhập viện vì chấn thương trong mấy ngày đầu nghỉ Tết, nhưng không phải vì tai nạn giao thông mà vì... nện nhau. Chỉ riêng trong dịp Giao thừa đã có 800 người “choảng” nhau đến mức phải đón năm mới trong bệnh viện, và trong đó ít nhất có 9 người phải ăn nốt cái Tết ngoài... nghĩa địa. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, từ 27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết, có hơn 6.200 người phải nhập viện vì “choảng” nhau, trong đó có 15 người phải giã từ cõi thế.
Các con số trên có vẻ phi lý. Vì với tâm lý người Việt Nam, năm mới là hết sức kiêng kị cãi vã, xung đột. Ai cũng vui vẻ, niềm nở, gặp nhau dù là người dưng nước lã cũng chúc nhau những điều tốt lành, nào là an khang thịnh vượng, rồi hạnh phúc, may mắn, tài lộc đầy nhà...
Nhiều nơi ngày Tết cứ khách đến là nhất thiết phải bày mâm ra, khách có no ứ đến tận cổ thì cũng phải cố nhấp chén rượu, bỏ mồm củ dưa hành mới được sang bàn uống nước... Ai không ăn, gia chủ làm mặt giận dỗi, trách khách "khinh" nhà mình nghèo, không ăn là "mất dông" cả năm. Vân vân, nói tóm lại, sự vồn vã, tử tế được nâng lên một cấp khác hẳn ngày thường.
Ngày Tết vì thế giống như một cuộc phô diễn lớn. Cái gì cũng thái quá, cho dù bản chất bên trong thì vẫn thế thôi. Ngày Tết, vào thăm nhà ai, bạn cũng có thể gặp vài thanh niên choai choai rất lễ phép, rất vồn vã chào mời, chúc tụng bạn hết lời. Nhưng trong những ngày Tết, có thể bạn cũng sẽ gặp lại chính những thanh niên đó, đang lượn xe máy vè vè, kẹp đôi kẹp ba ngoài đường với bộ dạng khác hẳn. Chúng thường không nhận ra bạn và sẵn sàng quây lại gây gổ nếu bạn trót bóp còi hơi to, hoặc để đèn pha chiếu vào mặt chúng.
Ngày Tết là dịp đám trai làng hay tụ tập rượu chè, ăn uống, rồi đi lông nhông thành từng tốp, nên thói hung đồ cũng dễ nổi lên, phần lớn do rượu, nhưng không chỉ tại rượu. Vì thế, nếu số vụ choảng nhau có tăng lên trong ngày Tết cũng là chuyện rất logic.
***
Nhân nói chuyện đánh nhau, lại nhớ Thanh Hóa có một phong tục kỳ lạ, ấy là phiên chợ... choảng nhau đầu năm mới. Người dân quanh vùng này và du khách tới chợ Chuộng, thay vì dùng lời chúc nhau như thông thường thì lại dùng trứng gà vịt, cà chua… để choảng nhau với hy vọng năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Nhưng dù gì thì ta cũng phải công nhận, lễ lạt, phong tục của chúng ta có nhiều thứ thái quá. Chém lợn năm nay, các cụ ở làng Ném Thượng tuyên bố vẫn phải chém ở giữa sân đình, cho dù dư luận cả nước sôi sục suốt tháng qua vì chuyện chém hay không chém, chém “hở” hay chém “kín”.
Mà cũng bỗng dưng, người ta tín tâm đến kỳ lạ. Ngày thường nén hương chả mất, nhưng Tết đến thì nhất định phải đi chùa nọ, đền kia, chen vai thích cánh, vãi tiền lẻ như vãi trấu vào các ban thờ thần Phật.
***
Tết đến cũng là dịp cho thấy sức tiêu tiền của dân ta là vô hạn. Sắm sửa, ăn uống linh đình đã đành, ngay cái bao lì xì cũng phân phát vô tội vạ. Trị giá lì xì năm nay, thấp nhất là 10 ngàn đồng, phổ biến là 50 ngàn, sang là 100 ngàn đồng, còn cao hơn nữa là tùy vào các mối quan hệ. Trước đây, lì xì chỉ phân phát hạn chế cho con cháu trong nhà, giờ thì đi đến nhà ai, thấy trẻ con cũng khó lòng mà không phải mở ví, một tờ 500 ngàn đồng, "phá" ra để làm tiền lì xì chỉ một lúc là hết.
Thế nên, Tết là sự thái quá về mọi thứ, cả cái tốt lẫn cái xấu. Trong những sự thái quá mà cái Tết gây ra, lo nhất là thói quen ăn tiêu thái quá, mà ai cũng biết là ra Giêng, sau mùa lễ lội là mùa... giáp hạt.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất