Tết trong miền ký ức của thiếu gia tiệm vàng giàu nức tiếng phố cổ Hà Nội: "Tết là giấc mơ, mà mỗi năm chỉ được mơ một lần"

25/01/2023 10:42 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Trong tâm thức của người Việt từ bao đời nay, xuân là mùa của sự tái sinh, đoàn viên và khởi phát. Một năm mới bắt đầu bằng mùa xuân và Tết Nguyên đán chính là một dịp lễ đánh dấu thời khắc giao mùa, khép lại những bộn bề vất vả của một năm cũ; mở ra một chu kỳ thời gian mới, một sự khởi đầu mới với những ước vọng may mắn cùng niềm tin mãnh liệt về một tương lai tươi sáng, viên mãn và khởi sắc hơn những tháng ngày đã qua.

Tuy nhiên, những ngày Tết thời nay thường nhanh và đơn giản hơn ngày xưa bởi nhiều thứ đã đủ đầy và có sẵn mọi dịch vụ cần thiết, làm cho con người ta lười hơn và ít trân trọng hơn những nét truyền thống, nhất là lớp trẻ. Nhưng những người lớn tuổi thì lúc nào cũng hoài niệm về không khí Tết xưa. Tết là phải lo toan, phải bận rộn, phải làm nhiều thứ cho khác hẳn ngày thường, nhưng sự bận rộn ấy lại là niềm vui và hãnh diện của các bà, các mẹ, các chị hay thậm chí là của những người đàn ông trụ cột trong những gia đình neo người. 

Ngày Tết đến hôm nay, rất nhiều người Hà Nội ước mong "bao giờ cho đến ngày xưa". Ước thế bởi nếp sinh hoạt Tết xưa rất đẹp, rất đáng nhớ. Rất nhiều gia đình Hà Nội bây giờ cố gắng trang trí nhà cửa, tạo những món ăn, duy trì nếp sinh hoạt có từ thời xưa cũ để giáo dục và gìn giữ bầu không khí ngày Tết cổ truyền cho con cháu.

Trong hành trình tìm về ký ức Tết xưa, chỉ cách vài chục mét so với mặt đường, ngôi biệt thự cổ gần 100 năm tuổi với nét rêu phong cổ kính tại số 6, phố Đinh Liệt, Hoàn Kiếm khiến chúng tôi như đang bước chân vào một thế giới hoàn toàn khác, trở về những năm tháng đầy hoài niệm của Hà Nội 36 phố phường.

Video: Tết xưa ở Hà Nội trong ký ức của ông chủ tiệm vàng nổi tiếng nức tiếng một thời ở phố cổ.

FX6A0626

Khi Hà Nội đang chìm trong giá lạnh của gió mùa Đông Bắc thì ngoài đường phố lại bừng lên màu sắc của Tết Nguyên đán. Đó là màu xanh của cây cối, của lá dong, màu đỏ của đào bích, sắc hồng của đào phai, vàng tươi của quất, bưởi, phật thủ, cam đường... như báo hiệu một mùa xuân đang đến

FX6A0612

Rẽ vào một ngõ nhỏ trên phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm), đến cuối ngõ, bước qua cánh cổng đã nhuốm màu thời gian, là một không gian yên bình, tĩnh lặng của biệt thự hơn 70 năm tuổi, từng là hiệu nức tiếng giàu có, vang bóng một thời ở phố cổ Hà Nội.

Biểu tượng kiến trúc mang những nét chân thực của "Linh hồn Hà Nội" trong căn biệt thự cổ

Càng đi sâu vào con ngõ nhỏ tại phố Đinh Liệt, hình ảnh ngôi biệt thự cổ dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Một không khí trong lành đan xen với nét thật trầm mặc, thật hoài niệm trái ngược với chốn xô bồ, ồn ã của phố cổ Phố cổ phồn hoa, với hàng chục gốc cây cổ thụ xanh mướt bao bọc.

Ngắm nhìn ngôi nhà cổ đã cũ lọt thỏm trong bốn bề những ngôi nhà mới san sát, chúng tôi lại bồi hồi lên nhiều cảm xúc bâng khuâng khó tả. Được xây dựng từ năm 1945, ngôi biệt thự này đã cùng Hà Nội trải qua biết bao những biến động. Trở thành một phần chứng nhân lịch sử, một nét đẹp văn hóa của riêng Hà Nội.

FX6A0679

Ông Phạm Ngọc Giao là chủ nhân đời thứ 3 của căn biệt thự cổ nằm ở mặt tiền phố Hàng Bạc. Trước đó, năm 1944, nơi đây thuộc sở hữu của bà Phạm Thị Tốn - một thương gia trên phố Hàng Bồ. Về sau, căn nhà được cụ ông Phạm Văn Thanh (bố ông Giao) và cụ bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) - Là những thợ kim hoàn nức tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 mua lại.

FX6A0632

Cổng phụ bước vào ngôi nhà vẫn còn giữ được nét rêu phong cổ kính

FX6A0810

Bước vào cổng, hiện ngay trước mắt người nhìn là vườn cây xanh mát.

''Ngôi nhà này là một trong những công trình kiến trúc của kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ -  một trong những kiến trúc sư nổi tiếng ở Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên của trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, cũng là bạn thân của bố tôi thiết kế.

Dưới bàn tay nghệ thuật đầy tài hoa của kiến trúc sư, ngôi biệt thự đã được hoàn thành năm 1947, mang phong cách kiến trúc Pháp hòa lẫn với kiến trúc đình làng Việt, vừa hiện đại nhưng vẫn mang tính chất cổ xưa, tạo nên sự thanh thoát, hài hòa cho toàn bộ căn nhà, giúp cho kiến trúc này mang cái hồn của người Việt''. Ông Giao chia sẻ.

Theo lời ông Giao tiết lộ, điểm đặc biệt nhất của ngôi biệt thự cổ này được xây dựng theo lối "nhà xuyên phố". Trong đó, cổng trước nằm ở số 115 Hàng Bạc được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh, cổng sau nằm ở số 6 Đinh Liệt. 

FX6A0668

Căn biệt thự có kết cấu bên ngoài là nhà ống, bên trong là nhà vườn với hệ thống sân vườn 180m2 với nhiều loại cây: Tre, lộc vừng, cau, bơ, hồng xiêm… sau đó mới tới hệ thống nhà ở.

FX6A0820

Ở bất cứ đâu trong ngôi nhà, người ta cũng bắt gặp sự kết hợp tinh tế các chi tiết kiến trúc Đông–Tây

Nét đặc sắc nhất thể hiện phong cách Việt trong ngôi nhà trên đỉnh mái được chạm khắc hình rồng cách điệu rất độc đáo. Sau gần 80 năm, các họa tiết trên mái vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Ngoài ra, phải kể đến sự hài hòa giữa không gian xanh và kiến trúc sống, diện tích của vườn là ngang với lại mặt đứng của kiến trúc - đó là tỉ lệ 1:1 với căn biệt thự, một không gian lý tưởng mang thiên nhiên lại gần với con người. Giúp cho những thế hệ sống ở ngôi nhà này luôn có một sức khỏe dồi dào, tràn đầy năng lượng.

"Ở sân vườn chúng tôi không lát gạch hết mà để trống vài khoảng để có hơi thở của đất đến với lại con người của thành phố này. Nếu như ở các đình, đền chùa thường lát gạch hết nên sự tiếp cận của âm và dương bị hạn chế, thì chúng tôi dùng cây trồng ngay tại đất, không trồng ở chậu, đặc biệt là có rất nhiều cây to giúp cho không gian được thoáng đãng hơn, hấp dẫn các động vật hoang dã như sóc, các loài chim kéo đến đây làm tổ".

Nhiệt tình dẫn khách tham quan khu vườn, ông Giao chỉ từng cây và giới thiệu về lai lịch, tuổi đời của nó: 

"Cây hồng xiêm này mang về từ Xuân Đỉnh, giờ hơn 70 tuổi vẫn sai trĩu quả, cây cau hơn 70 tuổi đời, cây bơ thì hơn 60 năm, ngay cả cây khế cũng đã hơn 40 mùa đơm hoa kết trái".Vườn cây xanh mát, trái ngọt trĩu cành nên thỉnh thoảng ông Giao còn thấy đôi sóc có đuôi đỏ, đốm trắng đến nhảy nhót, ăn trái ngọt.

FX6A0663

Trong khu vườn hiện có rất nhiều cây được trồng từ 70 - 80 năm trước.

FX6A0651

Các gốc cổ thụ sừng sững giúp ngôi nhà trở nên mát mẻ, trong lành hơn rất nhiều.

Ngoài ra, trong vườn còn có một tiểu đảo và một chiếc giếng cổ. Bố mẹ ông Giao cũng không biết giếng cổ có tự bao giờ. Chỉ biết rằng khi gia đình ông chuyển đến đây, giếng đã có ở đó.

Giếng có miệng tròn, rộng 70-80cm. Nước rất mát, trong vắt và có mạch đứng. Nhiều năm về trước, mỗi khi khu phố bị mất nước, người dân xung quanh thường đến nhà ông Giao xin nước từ giếng cổ để ăn uống, tắm giặt. Sau này, vì trong nhà có nhiều trẻ con, người già, ông Giao lo ngại vấn đề an toàn nên đã đổ một tấm bê tông rồi đặt lên miệng giếng. Trên tấm bê tông ấy, ông Giao đục 9 lỗ và đổ than hoạt tính xuống với ý nghĩa phong thủy.

FX6A0644

Nằm sát bên cạnh giếng cổ có một bể nước đặt tiểu cảnh nhỏ.

"Nếu quan tâm đến phong thủy thì con người ta sẽ an tâm và khỏe mạnh hơn nhiều, còn nếu vô tình không quan tâm đến mà chỉ là một chỗ ở không thì quá thường! Từ cái thường đó mà mang cái hồn cho nó thì quá tuyệt vời, tội gì mà ta không làm cho ngôi nhà mình ở trở nên có hồn, có tinh thần". Ông Giao nói.

"Sống thế nào thì sống nhưng phải giữ được bản chất thật thà, khiêm tốn và nhường nhịn. Đó mới là phong cách sống của người Hà Nội"

Tiếp tục dẫn chúng tôi thăm quan ngôi nhà, điều ngạc nhiên là ở bất kỳ chỗ nào, dù là cầu thang, cửa sổ hay trên cánh cửa luôn xuất hiện của các biểu tượng và hình ảnh "con dơi". 

Ông lý giải: "Chữ 'Thọ' biểu tượng cho sức khỏe; 'Dơi' có cách đọc đồng âm với chữ 'Phúc' biểu hiện sự hạnh phúc, chữ 'Vạn' tượng trưng cho sự trường tồn trong cuộc sống, mong muốn được sống lâu dài và khỏe mạnh. Muốn trường tồn phải phát triển chứ sống lụi bại đi là không được! Nên ở cái tuổi bát thập rồi mà chúng tôi vẫn sống vui sống khỏe, vẫn cống hiến được cho xã hội".

1 (7)

Sống lại hương vị Tết xưa trong ký ức của thiếu gia tiệm vàng giàu nhất phố cổ Hà Nội: "Tết là giấc mơ, mà mỗi năm chỉ được mơ một lần" - Ảnh 14.

Cầu thang lên các phòng của ngôi nhà được chế tác bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chuyên xây dựng các biệt thự cổ.

Ở bất kỳ đâu dù là trên cánh cửa phòng, cửa sổ hay trên tường ngôi nhà luôn xuất hiện đan xen hình ảnh con dơi và chữ Thọ.

FX6A0714

Bức tường hình chữ 'Phúc' nằm trên tầng 3, khu điện thờ của gia đình.

FX6A0697

Ngày trước, toàn bộ lớp mái sử dụng ngói Marseille của Pháp. Sau do không có điều kiện mua, chủ nhân ngôi nhà đã sử dụng ngói Hưng Ký đầu thế kỷ 20, đặc biệt không bám rêu và lên màu theo thời gian

FX6A0737

Bên cạnh điện thờ, gia đình ông còn thiết kế khoang âm dương có 9 giếng trời. Ông Giao cho biết, 9 giếng này thể hiện âm dương hòa hợp.

FX6A0732

Bên ngoài ban công là giàn hoa sân thượng theo đúng phong cách kiến trúc Pháp tạo nên nét lạ lẫm cho một ngôi nhà vốn dĩ đã rất đặc biệt.

Ông Giao cho hay, hàng năm, có nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đến thăm quan và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ngôi nhà này.

Khu vực bên trong ngôi nhà cũng không kém phần xa hoa với nhiều đồ nội thất và trang trí đắt giá. Trong phòng đọc sách, ông Giao giới thiệu về bộ bàn ghế cổ có họa tiết mang phong cách của Louis XIV, bộ bàn ghế có từ những năm 1935 do nghệ nhân Pháp làm ra nay đã được gần 100 tuổi. Ngoài ra, gia đình ông còn giũ được 2 bộ câu đối từ hơn 80 năm trước.

FX6A0775

Giá trị bộ bàn ghế tương đương với 10 cây vàng thời đó.

FX6A0800

Trong gian phòng thờ trang trọng, gia đình ông đặt đôi câu đối quý.

"Từ khi bà cụ nhà tôi mất, căn phòng nơi cụ ở trở thành phòng thờ và mọi đồ đạc vẫn được giữ nguyên vẹn. Câu đối cổ thứ nhất này là của ông tôi, khi di chuyển từ làng Châu Khê, Hải Dương ra đây có mang theo cùng với gia đình. Ông nội tôi quan tâm nhất là mang được những kỷ niệm của các cụ tôi để lại. Câu đối cổ này là bằng chữ Hán, ra đây từ năm 1890 cuối đời nhà Lê.

Còn câu đối cổ thứ hai được một bạn thân của ông nội tôi là một nhà Nho tặng ông tôi năm 1926 bằng Hán Nôm". Ông Giao vừa nói vừa hướng mắt chỉ về hai câu đối và lý giải rõ ràng.

"Câu đối đầu tiên ở vế thứ nhất: “Vũ quá cầm thư nhuận” tức là bão táp qua đi, tiếng đàn sẽ dịu êm. Vế thứ 2 “Phong lai bút mặc hương”, ở đây “bút mặc” là bút mực”, “phong lai” là chờ gió lành đến cuộc đời lại sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Thể hiện sự động viên gia đình không nên bi quan, cứ lạc quan mà sống bằng nghề nghiệp của mình.

Còn câu đối thứ hai là câu đối tôi tâm đắc nhất! Tuy ngắn gọn, mộc mạc nhưng gần như đúc kết được tinh hoa của người Hà Nội. Ở đây vế thứ nhất: “Cư gia hữu hằng quy chính công trương nhẫn” tức là ở nhà có giá trị không đổi, coi trọng sự công bình, tôn vinh tính kiên nhẫn trong gia đình.

Vế thứ hai: “Xử thế vô biệt pháp liễu thứ lâu thiên” tức là với bên ngoài không gì bằng sự mềm mại, xanh tươi như cây liễu và đàng hoàng, bền vững như lâu đài. Thể hiện sống làm sao cho đàng hoàng, bền vững, cư xử làm sao cho cho mềm mại, xanh tươi, thư thái, nho nhã của người Hà Nội". 

FX6A0768

Bức tranh, ảnh của các thế hệ thành viên trong gia đình, dòng họ của ông Nguyễn Ngọc Giao.

Ông Giao cũng tâm sự đến nay gia đình ông vẫn sống theo nề nếp gia phong của ông cha để lại . Đặc biệt, trong tiềm thức của ông Giao, bố ông luôn là một người biết quan tâm, chăm sóc gia đình. Cụ Thanh không bao giờ to tiếng với vợ con hay người giúp việc trong nhà.

"Bố tôi đỗ tú tài, là một thợ lọc vàng đành phải sống bằng nghề thủ công. Tôi học được từ bố rất nhiều điều, ông không bao giờ to tiếng với ai cả. Lúc nào ông cũng căn dặn chúng tôi rằng phải luôn cần cù, chăm chỉ, sống làm sao cho bằng bàn tay, khối óc của mình, không ỷ lại. Sống thế nào thì sống nhưng phải giữ được bản chất thật thà, khiêm tốn và nhường nhịn. Đó mới là phong cách sống của người Hà Nội.

Mặc dù tuổi đã cao những tôi vẫn làm thuốc để chữa bệnh cứu người, sống để cho khỏe mạnh, giúp được mọi người, cống hiến càng nhiều cho xã hội thì tôi càng thấy vui vẻ. Con cháu nhìn vào mà tiếp tục sống làm sao cho phải phép". Ông tâm sự.

3 (7)

"Các thành viên dù ở xa đến đâu ngày Tết cũng phải về đoàn tụ, cùng làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, nhớ về nguồn cội"

Là “cậu ấm” trong một gia đình giàu có, ông Giao may mắn thừa hưởng nếp sống sinh hoạt quyền quý, thanh lịch của người Tràng An xưa. Hơn ai hết, ông hiểu rõ và nhớ mãi về một thời “chơi Tết” rạo rực của mảnh đất Kinh Kỳ, cái thời mà những đứa trẻ như ông được sống những ngày sung túc nhất.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông nói nhiều về từ "đoàn tụ" - có lẽ từ trong sâu thẳm tâm hồn, người đàn ông này luôn đau đáu một nỗi nhớ Tết xưa, hoài niệm về những ngày đã qua khi cả nhà quây quần bên mâm cơm sum họp, hít hà mùi thơm của lá mùi già hay bánh chưng...

Sự háo hức thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông Giao khi nhắc lại câu chuyện của gia đình. Ông kể, người Hà Thành xưa rất chú trọng thăm hỏi nên Tết đến là một dịp vô cùng quan trọng đối với gia đình ông Giao. Dù ai có đi đâu, làm gì thì Tết vẫn luôn phải cố gắng để có mặt ở nhà, sum vầy dịp Tết bên người thân, gia đình.

"Tết ngày xưa ngoài việc sum vầy, đoàn tụ là thiêng liêng nhất rồi. Đoàn tụ tất cả mọi người trong gia đình, họ tộc về đêm Trừ tịch là đêm 30. Đi đâu thì đi, ở đâu thì ở nhưng đến đêm 30 cũng phải cố gắng về nhà, thắp hương cho ông bà, tổ tiên cùng nhau sum vầy. Đó mới chính là giây phút thiêng liêng nhất!

Cả một năm trời chỉ có giây phút của một đêm giao thừa là mang đầy đủ tinh thần, tinh hoa, cũng là một phần để động viên người ta tiếp tục tạo dựng hạnh phúc của năm mới. Cùng ăn với nhau bữa cơm tất niên, cùng nói chuyện, tâm tình, rũ bỏ tất cả những gì còn tồn đọng, vướng víu trong năm cũ, truyền cho nhau động lực hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn". Ông Giao chia sẻ.

5 (5)

Đặc biệt, một trong những nét đẹp không thể thiếu trong dịp Tết là phong tục, tập quán của người Hà Nội xưa là chào hỏi. Theo ông trong cuộc sống đôi lúc không tránh được những va chạm, xích mích vụn vặt mà ta chưa giải quyết được trước Tết, trong năm thì nhân dịp Tết này là cơ hội mà ta cần tận dụng để vun đắp, hóa giải, làm cho tình cảm của mình trở nên gắn bó với nhau hơn, sự quan tâm lại được gấp bội lên, mang lại sức khỏe và sự thịnh vượng cho mình. 

Trong ký ức của một công tử nhà giàu Hà Nội thời xưa, điều đọng lại sâu nhất trong ông Giao là sự cầu kỳ của mâm cơm ngày Tết, với những món ăn ít xuất hiện trong những ngày thường. Vì vậy, ai ai cũng háo hức mong Tết đến xuân về.

Nhà ông từ trước mấy tháng đã lo kiếm củi gộc để nấu nồi bánh chưng, rồi nào là lá dong, gạo nếp, đỗ xanh làm sao cho cái bánh chưng được xanh ngon. Nồi bánh chưng ngày Tết thời đó chính là một phần thưởng lớn đối với trẻ nhỏ và cả người lớn. Người ta mặc định chỉ Tết đến mới có bánh chưng ăn. Ông Giao cũng háo hức trông bánh chưng và còn đánh dấu một chiếc bánh chưng nhỏ. Sau vài tiếng, chiếc bánh chưng nhỏ sẽ chín trước và những đứa trẻ có thể ăn sớm.

Tiếp theo là món canh bóng tôm bao. Từ đầu năm, mỗi khi mua thịt lợn các bà đã lóc miếng bì rồi dùng thanh tre căng như căng da trống rồi đem gác bếp. Da lợn hong khô bỏ vào lò nướng nở như miếng xốp. Trước khi nấu bóng phải ngâm, rửa thật kỹ bằng rượu gừng. Sau đó phải chọn loại tôm nõn, giã bằng tay, trộn với bột nếp, đúc vào khuôn để tạo thành các hình thù khác nhau rồi cho vào nấm, nước luộc gà nấu lên.

Miếng bóng nấu canh có vị ngọt lịm do hút hết vị ngọt của tôm, thịt nạc, nhai hơi giòn, cảm nhận rõ mùi thơm của nấm, vị mát của su hào, cà rốt được cắt tỉa cầu kỳ.

4 (7)

"Tôi còn nhớ Tết ngày xưa có những món cả năm không làm, như món thịt đông, dưa hành, cá trắm, cá chép kho, bún thang. Một món nữa là món măng tây nhập của Pháp. Món này nấu với cua bể, ăn ngon không tưởng và đã ăn một lần thì không thể nào quên được.

Nhưng sẽ là rất thiếu sót nếu như trong mâm cơm ngày Tết lại thiếu đi bát nước mắm cà cuống", ông Giao nói tiếp. Những năm 40 - 50, cứ gần Tết, người bán hàng lại đội trên đầu một thúng cà cuống đã hấp chín rồi rao bán khắp phố.

"Cậu mợ tôi thường mua vài trăm con rồi lấy từ cà cuống ra hai bọc tinh dầu. Sau đó, cậu mợ chiết tinh dầu vào một chiếc lọ để dùng dần. Mỗi bát nước mắm chỉ cần một vài giọt tinh dầu cà cuống là vị đã thơm, ngon vô cùng, có thể ăn hết được một bát cơm trắng", ông Giao nhớ lại.

Người Hà Nội không chỉ đón Tết bằng vật chất mà còn đón Tết về mặt tinh thần. Những ngày cuối năm, gia đình ông thường cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Người Việt lấy tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên làm gốc nên trong dịp Tết đến, bàn thờ gia tiên phải được bao sái. Các lễ vật như vàng hương, đồ mã, hoa và mâm ngũ quả… được trang trọng đặt trên bàn thờ. Ngoài ra, trên bàn thờ bao giờ cũng phải có một cành đào nhỏ hoặc một lọ hoa để thờ gia tiên.

FX6A0657

Ông giao cho biết thêm, năm nào mợ ông cũng sắm cho mỗi gia nhân 1 bộ quần áo mới vì họ ở lại ăn tết cùng gia đình.

"Tết đến, bọn trẻ chúng tôi được mặc áo lương ta, đi giày da, đeo khánh bạc. Chị em tôi có khánh bạc đeo là hãnh diện lắm, vì không phải nhà nào cũng có điều kiện sắm cho con cái để đeo đi chơi Tết", ông Giao nhớ lại.

Sáng mùng 1 cả đại gia đình cùng gia nhân đều mặc quần áo mới để đi chùa cầu may, du xuân và chụp ảnh kỷ niệm. Từ đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, đến chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, đền Quán Thánh, Phủ Tây Hồ..., lễ chùa đầu năm không chỉ đơn thuần là cầu tài cầu lộc, mà quan trọng hơn, đó là cách để mỗi người cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng mong chờ một năm mới an lành. 

Sau đó, vào khoảng mùng 3 Tết, cả gia đình sẽ đi xe ngựa về quê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương) để ăn Tết.

photo-1

Tết năm 1956 của đại gia đình ông Giao.

Trong ngày đầu xuân, những gia đình có điều kiện thường tặng nhau câu đối. Có thể là câu đối bằng giấy, lụa, gỗ, trang trọng hơn là bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tặng nhau câu đối với ước mong mang đến sự cân đối, hoàn chỉnh, may mắn và lễ nghĩa trong gia đình.

"Với người Hà Nội xưa, 'đi chơi Tết' có nghĩa là ra ngoài ngắm phố phường, thăm hỏi bạn bè, họ hàng. Hà Nội là đất kẻ chợ, từ xưa đã đông đúc thương lái từ khắp nơi đổ đến làm ăn, đến Tết mới trở về quê hương. Do đó, cứ đầu năm Âm lịch, Hà Nội lại trở nên vắng lặng, trong lành và trầm tịch. 

Buổi trưa đường phố mới bắt đầu lác đác người qua lại, cánh đàn ông thì mặc comple, các cô gái thì diện áo dài mới. Ngày xưa, mỗi khi chuẩn bị Tết, những cô gái ở phố cổ lại đi may một bộ áo dài mới để mặc trong dịp năm mới. Bây giờ, dịp năm mới, khi ra đường không thấy có nhiều người mặc như vậy" Ông Giao trầm ngâm nhớ lại.

Tết nay đã khác...

Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”. Bởi vậy, ông Giao luôn quan niệm những nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc có vai trò rất quan trọng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc đặc biệt cần thiết, đồng thời lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa quốc tế để phù hợp với nhịp sống hiện đại, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Sau bữa cơm đoàn tụ, nhiều năm liền, ông Giao chọn đi du lịch nhằm thư giãn, mở mang tầm mắt về thế giới và tiếp nhận những năng lượng tích cực để bắt đầu một năm mới hạnh phúc, bình an.

"Hơn 20 năm nay gia đình tôi thường duy trì việc thăm hỏi thông gia, người thân trước Tết, đúng đêm giao thừa gặp gỡ, đoàn tụ là tốt, không có thì để mùng 2 hoặc mùng 3 đến chúc Tết. Hoặc đi du lịch, du xuân rồi mùng 4 hoặc mùng 5 về chúc Tết, nó nhẹ nhàng, thoải mái chứ không câu nệ nhà này qua rồi nhà kia đáp lại, điều này sẽ trở thành cái nhàm chán và khiến nhiều người sợ, mà không đến được thì ái ngại. 

Tết bây giờ nhẹ nhiều lắm, cứ thoải mái, tự nhiên như thế này thì sẽ không mang lại cảm giác nặng nề thành vấn đề với nhau". Ông Giao nói.

Tết với ông bây giờ không còn là "giấc mơ" như trước. Nhưng đó lại là quãng thời gian giá trị nhắc nhở ông về cội nguồn. Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng. Kỉ niệm về Tết thời xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người đã đi qua thời gian.

Vẫn là hoa đào, hoa mai, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Và chắc hẳn, có những thứ ta chỉ có thể tìm lại trong ký ức, trong hình ảnh còn lưu lại về ngày hôm qua...

8 (3)

"Tết xưa là Tết tinh thần, nó gắn với một phần cuộc sống chờ đón sự no đủ nhưng bây giờ là yếu tố vui vẻ, hạnh phúc. Được yếu tố tinh thần và hạnh phúc cân bằng nhau thì cái Tết càng có giá trị. Mình phải tạo cho mình một cái Tết quanh năm, còn đến Tết chỉ là một dấu ấn để mình có một ý tưởng mới, sức sống mới để sau khi kết thúc Tết này là tạo đà cho cả năm mới và hi vọng rằng năm nay sẽ có nhiều cái may mắn, tốt đẹp đối với mình.

Với tôi, Tết và truyền thống gia đình khi ấy mãi là những điều trân quý để tôi mang theo suốt cuộc đời, để tôi trao lại cho con cháu về những giá trị truyền thống tốt đẹp". Ông Giao trải lòng.

Kết thúc cuộc trò chuyện, trời đã chập tối, ánh hoàng hôn dần buông xuống, trong không khí vẫn còn phảng phất mùi hương trầm. Quanh năm suốt tháng tất bật với những lo toan bộn bề của cuộc sống, chẳng mấy khi có thời giờ mà ngẫm ngợi, nhớ nhung. Cho nên những lời tâm sự của ông Giao khiến hồn chúng tôi lắng lại, đưa mỗi người về với cái Tết xưa, những cái Tết hồn nhiên vô tư của một thời trẻ thơ hạnh phúc. Bao nhiêu ưu tư, phiền muộn bỗng tan biến hết. Lòng trẻ lại, nhẹ nhõm, thanh thản.

Chào tạm biệt gia đình ông, tôi lắng nghe mùa xuân mới bình yên, hạnh phúc đang về. Chợt nghĩ cái rạo rực của một mùa Tết Kinh kỳ phồn thịnh dường như vẫn còn đó, vẹn nguyên trong ký ức của một công tử người Hà Nội gốc, một người yêu Hà Nội và một người yêu Tết cổ truyền.

 

 

Thảo Vân - Ảnh: Hùng Anh - Clip: Kinglive - Design: Hà Mĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm