10/08/2014 08:32 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Người ta bảo người chết trong nửa đầu tháng Bảy là sướng nhất! Sao, đã chết lại còn sướng với khổ? Vì đến Rằm là ngày mở ngục, vong linh sẽ thoát kiếp đọa đầy… Chuyện Bồ tát Mục Kiều Liên người tu hành xuất chúng đã xin Đức phật đánh đổi tất cả công quả chỉ nhằm cứu vớt mẹ là Thanh Đề khỏi ngục tối vì bà mắc nhiều tội nặng. Và ngày mở của ngục đó là ngày rằm tháng Bảy.
Người Tày cho câu: “Bươn chiêng vằn ết/ bươn chất, vằn ship hả”, có nghĩa là: Tháng Giêng ngày mùng Một, tháng Bảy ngày 15 là hai ngày Tết to nhất trong năm. Tháng Giêng là Tết cho người sống, tháng Bảy giữa năm là tết cho người âm. Xét về thế giới tâm linh thì đó là âm -dương hòa hợp. Chả nhẽ sống chỉ biết cho người sống mà quên ngọn nguồn của mình từ đâu mà ra.
Thế mà có thời chỉ ca tụng phần dương, định bỏ đi phần âm. Có khác gì chỉ cần ngày mà không cần đêm…
Tết Rằm tháng Bảy của người Kinh, đó là câu chuyện của đạo Phật.
Hôm qua tôi nghe một cô bạn người Thái quê Phù Yên, nói cuối tuần về quê ngoại tết Rằm. Tưởng là tết Vu lan như người Kinh, nhưng hóa ra không phải. Cô bạn bảo người Thái chúng em thì ngày tết “shíp shí” ngày 14, đó là dành cho trẻ con. Ngày Tết 14 tháng Bảy làm to, tạ lễ tổ tiên, giống lễ kì yên giải hạn, trẻ con được chiều chuộng, được sắm áo mới. Tết ấy có cúng vịt. Cô bảo may quá, năm nay “vằn shíp shí” rơi vào thứ Bảy nên về được. Trong tâm khảm những con người xa quên thì đó là những ngày lễ trọng không thể quên được.Cũng quên chưa hỏi hết cái lý cúng vịt là do đâu.
Người Tày tuy nói “vằn ship hả” ngày 15 nhưng vẫn cúng vào ngày 14. Cũng có cúng cháo trên lá cây như người kinh. Nhưng vào ngày 14, họ cấm trẻ con trèo cây hái quả trước giờ Ngọ. Những quả cây bị ong châm chim rỉa được coi là “phji Pjài” (ma trẻ con ăn). Có gì đó giống với người kinh về quan niệm cúng cô hồn…
Người Nùng cháo ngày rằm tháng Bảy cũng làm to. Ngoài cỗ lớn ở bàn thờ chính thì có cúng vịt ở bàn thờ nhỏ dưới gầm bàn thờ gia tiên. Con vịt được coi là ân nhân của người Nùng cháo. Khi bị bọn giặc cướp đuổi theo thì có đàn vịt chạy ngang xóa đi dấu vết, nên trốn thoát khỏi tay giặc. Ơn ấy còn ghi nhớ mãi bằng thờ vịt và cúng vịt vào ngày này.
(Hay thật, người Thái thì biết ơn chim cuốc rau dăm cứu mình thoát tay giặc, còn người Nùng biết ơn con vịt cũng nội dung trên. Người Tày trong lễ Kì yên cho cha mẹ cúng vịt để hồn về trời đi đường thuận lợi, dù sông ngàn cách trở thì cưỡi vịt vẫn qua. Người Giáy cúng đuổi ma quỉ cũng có vịt. Họ quan niệm con vịt đi trên bộ dưới nước đều được. Cúng vịt để ma quỉ khỏi lấy cớ nghẽn sông nước quay lại quấy phá)
Cùng là ngày Rằm, là cái Tết “to” thứ hai trong năm, đều là để bày tỏ ân nghĩa với tổ tiên nhưng mỗi dân tộc do tín ngưỡng khác nhau nên có những giải thích khác nhau về ngày tết Rằm tháng Bảy của mình. Người Kinh thì rõ là ảnh hưởng bao trùm của đạo Phật, còn các dân tộc khác thì dân dã hơn, nhưng tất cả đều có cái chung là hướng về cội nguồn…
Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất