Tết ở Sài Gòn là… khó 'đụng hàng'

26/12/2016 08:22 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong một bộ phim của Trần Anh Hùng, có một trường đoạn về ngày Tết Nguyên đán, với đường phố Sài Gòn vắng lặng như thinh không, nhiều người rất khâm phục, vì không biết quay phim sao hay vậy.

Tại sao Trần Anh Hùng muốn quay cảnh này? Theo chia sẻ của vài anh chị trong ê-kíp đoàn phim thì đạo diễn muốn diễn tả một thời khắc rất đặc biệt, “không đụng hàng” của thành phố này.

Sài Gòn - TP.HCM là thành phố đông dân nhất Việt Nam, có khảo sát cho thấy hiện nay dân số đã chiếm gần 1/6 cả nước, nên ngày nào cũng đông đúc. Đặc biệt, từ khi đêm ông Táo về trời (23 tháng Chạp) đến đêm Giao thừa, thành phố này chật ních người với người, đa số trong tâm thế chuẩn bị đón Tết, hoặc chuẩn bị về quê ăn Tết. Thế nhưng khó có nơi nào tại Việt Nam mà sáng mùng Một lại vắng vẻ như nơi đây.

Vào dịp Tết, người dân ở Hà Nội, Đà Nẵng… thường ít đi chơi xa, trong khi người Sài Gòn lại khác, đây là khoảng nghỉ dài nhất trong năm, nên họ thường du Xuân. Chưa có một thống kê nào cho biết số người rời thành phố về quê ăn Tết, riêng năm nay, Ga Sài Gòn đã bán gần 400 ngàn vé tàu, còn Vietnam Airlines bán 1,5 triệu vé trên cả nước, trong đó bay đi từ Tân Sơn Nhất là nhiều nhất. Cho nên, từ việc kiêng cữ đạp đất đầu năm, cộng với những cuộc rời đi này, làm cho sáng mùng Một ở Sài Gòn - TP.HCM trở nên kỳ lạ, đặc biệt.


"Đặc sản" kẹt xe ở TP.HCM hiện nay. Ảnh: TTXVN

Ngoài sáng mùng Một vắng vẻ, Tết ở Sài Gòn có gì và còn gì đáng nhớ?

Nếu để ý, ngay đêm Giáng sinh, đêm Tết Dương lịch và đêm Giao thừa, việc người dân cùng túa ra đường, tập trung đông nghịt tại một số nơi như Nhà thờ Đức Bà, Phố đi bộ Nguyễn Huệ… cũng là nét đặc sắc, đáng nhớ của thành phố.

Dịp cuối năm, nếu đến khu Chợ Lớn thì sẽ thấy ít nơi nào Tết đậm đặc như ở đây, cả khu rộng lớn nhuộm một màu đỏ của câu đối, bao lì xì, thiệp mừng, rồi thư pháp, rồi bập bùng không khí lân sư rồng, thi võ cổ truyền. Chưa nói, cũng hiếm nơi nào ăn Tết kỹ như khu này, nhiều cửa hàng, công ty hết tháng Giêng mới khai trương trở lại, còn phần lớn phải qua Rằm tháng Giêng.   

Với dân mới nhập cư một, hai chục năm, khi ông bà cha mẹ còn ở quê, thì Tết thường về quê để sum vầy, còn với dân ở Sài Gòn lâu đời thì Tết về đêm mới đáng nhớ. Khu người Hoa, khu người Bắc di cư, khu Quảng Nam, khu người Hàn… đều có những hoạt động thâu đêm dành cho cộng đồng. Đây là chưa nói đến khía cạnh ăn nhậu, dịp Tết, nhậu đêm ở Sài Gòn thật thú vị, vui vẻ mà không quá đông đúc, nhiều khi ngồi vỉa hè cũng chẳng bị ai làm phiền. Đây cũng là thành phố có nhiều khu thức khuya và thức sáng đêm.

Nhìn về tổng thể, Tết ở Sài Gòn có vẻ ít không khí rộn ràng, vì ở đây đa sắc dân, đa phong tục, đa tôn giáo, nên không dễ tìm ra những nét chung. Thế nhưng, nếu đi vào từng cộng đồng, từng trụ sở công ty, từng con hẻm, đôi khi ta nhận ra sự “đậm đặc Tết” đến bất ngờ. Chợ Bà Hoa (khu Bảy Hiền, quận Tân Bình) chỉ là một trong vô vàn ví dụ về đặc sản Tết của xứ Quảng, nhiều món bán ở đây tìm “nhức mắt” ở Quảng Nam chưa chắc có…

Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm