Teqball môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam

22/03/2023 05:35 GMT+7 | Thể thao

Teqball là môn thể thao được chơi trên một bàn cong, phân cách bởi một tấm lưới nhựa ở giữa và sử dụng trái bóng trong môn bóng đá để đưa qua lại giữa 2 bên sân. Môn thể thao này được ra đời vào năm 2014 tại Hungary bởi hai con người rất đam mê bóng đá là Gábor Borsányi - một cựu cầu thủ chuyên nghiệp và Viktor Huszár - một chuyên gia máy tính.

 Gábor Borsányi thường xuyên chơi bóng đá trên bàn của môn bóng bàn. Tới năm 2012, ông muốn chiếc bàn này phải cong để dễ chơi hơn. Nhà khoa học máy tính Viktor Huszár giúp sáng tạo ra bàn cong vào năm 2014. Tới năm 2016, môn này được giới thiệu với toàn thế giới bởi siêu sao bóng đá người Brazil Ronaldinho.

 Về luật chơi, Teqball được chơi giống bóng bàn và người chơi dùng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể để chơi bóng, trừ tay hai để giao bóng rồi đánh trả và bên nào đạt tới điểm thứ 20 trước là thắng. Mục tiêu của trò chơi là ghi điểm và làm sao để quả bóng không chạm đất. Nghe có vẻ dễ vậy thôi nhưng môn này có rất nhiều luật kết hợp giữa bóng đá và bóng bàn, cả bóng chuyền, cầu mây khiến cho nó trở nên khó hơn và cũng thú vị hơn.

 Đối với bộ môn này, bạn có thể chơi đơn (1 đấu 1) hoặc chơi đôi (2 đấu 2) và đấu 3. Ngoài ra, môn này còn có thể biến tấu thành môn bóng chuyền hoặc bóng ném tùy theo luật của các bạn tự đặt ra. Đặc biệt, Teqball không phân biệt nam, nữ trong các trận đấu, bởi vì tính ra môn này không yêu cầu thể lực nhiều như đá banh hay kỹ thuật cao như bóng bàn mà yếu tố quan trọng nhất của Teqball là sự khéo léo. Do đó, nam hay nữ đều có thể thi đấu để tranh tài cao thấp với nhau. Có lẽ, chính vì sự mới lạ và độc đáo này, nên các siêu thủ trên khắp thế giới như Ronaldinho, Messi hay Neymar tham gia chơi và thậm chí, Ban huấn luyện của CLB Chelsea của giải Ngoại hạng Anh đã có lúc phải cấm trò này vì các cầu thủ ghiền chơi.

Các tuyển thủ Việt Nam như Quang Hải, Tiến Linh, Tuấn Anh, Bùi Tiến Dũng, Tuấn Tài, Hồng Duy, thủ môn Nguyên Mạnh cũng chơi Teqball đầy hào hứng trước buổi tập ở AFF Cup 2020 tại Singapore hồi cuối năm 2021 dù không am hiểu luật chơi cho lắm.

Teqball môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam - Ảnh 1.

Ronaldinho - Siêu sao bóng đá người Brazil, người có công quảng bá môn Teqball ra thế giới

Thú vị hơn, để có thể chơi được Teqball, bạn chỉ cần mua một chiếc bàn Teqball là đủ. Đây là sản phẩm được phân phối độc quyền trên trang web: https://Teqball.com và hiện tại một chiếc bàn này đang được bán với giá khoảng 2.500 euro, tương đương khoảng 65 triệu VND. Môn này đang rất phổ biến ở các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Phi nhưng châu Á nói chung và cả Việt Nam còn rất mới mẻ.

Ra đời tại Hungary, nhưng Teqball thực sự phát triển tại Mỹ và theo thống kê vào năm 2021, có tổng cộng 52 giải đấu của môn thể thao này đã được tổ chức tại đây.  Sự phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu cũng thúc đẩy sự ra đời của FITEQ – Liên đoàn Teqball quốc tế với 122 liên đoàn quốc gia, hơn 2.000 CLB trên khắp thế giới và hơn 1.800 trọng tài được FITEQ đào tạo.

 Teqball đã tổ chức được 3 kỳ World Cup 2017, 2018, 2019. Môn thể thao này cũng được sự công nhận của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), Hội đồng Olympic châu Đại Dương (ONOC), Hội đồng Olympic châu Phi (ANOCA) và dự kiến cũng sẽ được đưa vào nội dung thi đấu tại Olympic 2028.

Ngoài bóng đá, chiếc bàn cong dùng để chơi teqball còn được dùng cho những môn thể thao khác. Đó là teqis (đánh tennis trên bàn cong), teqpong (đánh bóng bàn), qatch (bóng ném) và teqvoly (bóng chuyền)...

 Nằm trong sự phát triển chung của dòng chảy thể thao quốc tế, vào tháng 3/2022, Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH tư vấn truyền thông Phạm Ý tại Trung tâm thể dục thể thao Thống Nhất nhằm phát triển Teqball.

 Theo chia sẻ của HFF, hai bàn Ueqball đã được Ủy ban Olympic Việt Nam trao tặng từ năm 2020 để tập và làm quen với môn thể thao mới này. HFF cũng đã cho các cầu thủ trẻ thuộc chương trình hợp tác với CLB Lyon (Pháp) tập luyện.

 Mặc dù giá 1 bàn teqball không hề rẻ, nhưng mục tiêu của HFF là đẩy mạnh phong trào luyện tập phát triển thể chất, xây dựng lối sống khỏe mạnh, năng động trong cộng đồng và thành lập đội tuyển teqball Việt Nam tham dự Olympic năm 2028 nếu như được đưa vào chương trình thi đấu.

 Ông Đoàn Minh Xương - Trưởng phòng bóng đá học đường HFF - chia sẻ: "Chúng tôi đã liên hệ thêm với các trường đại học ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu để phát triển phong trào và đã có 20 trường đồng ý tham gia. Sắp tới chúng tôi cùng với đối tác sẽ hỗ trợ trang thiết bị cho các trường để có thể tập luyện. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nhờ các CLB chuyên nghiệp hỗ trợ, đưa Teqball vào tập luyện bổ trợ nhằm phát triển thêm phong trào".

Gần nhất, vào ngày 17/3 vừa qua, Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp với Trường Đại học TDTT Bắc Ninh tổ chức lễ bàn giao trang thiết bị và bộ bàn Teqball tới một số đơn vị gồm Bộ Công an, Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ bàn giao, ông Trần Văn Mạnh – Tổng thư kí Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết: thời gian qua, Liên đoàn Teqball quốc tế đã đồng hành cùng Phong trào Olympic Việt Nam nhằm phát triển môn thể thao này ở một số địa phương, đơn vị của Việt Nam. 

Đại diện của Liên đoàn Teqball quốc tế cũng đã tới thăm và làm việc tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Đây là lần thứ hai, Liên đoàn Teqball quốc tế tiếp tục gửi trang thiết bị Teqball cho Việt Nam. 

Không chỉ dừng lại ở đây, các tài liệu và video liên quan cũng sẽ được Liên đoàn Teqball quốc tế gửi cho Việt Nam. Liên đoàn Teqball quốc tế cũng sẽ đồng hành cùng Việt Nam bằng cách cử chuyên gia giúp mở lớp đào tạo huấn luyện viên, hướng dẫn viên cho môn thể thao này.

Teqball môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam - Ảnh 2.

Với sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới, Teqball có cơ hội góp mặt tại chương trình thi đấu Olympic

Việc trao tặng trang thiết bị cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển môn thể thao hướng tới các mục tiêu tham dự những sự kiện thể thao quốc tế trong tương lai như SEA Games, Asian Games. Lạc quan về khả năng phát triển của môn thể thao này, ông Trần Văn Mạnh cho biết, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh, Bắc Giang, Sở VH-TT TP.HCM triển khai tập luyện môn Teqball từ năm 2020 và nhận được phản hồi tích cực, người tham gia tập luyện môn thể thao này ngày càng đông.

Đây cũng là động thái tích cực để phát triển hơn nữa mô hình môn Teqball tại 7 đơn vị, địa phương là Bộ Công an, Trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Thái Bính.

Về phần mình, Đại sứ Baloghdi Tibor bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được của môn Teqball tại Việt Nam và cho biết, đây là môn thể thao kết hợp giữa bóng đá, bóng bàn, và thi đấu đối kháng gián tiếp, phù hợp với thể trạng và tố chất của người Việt Nam. 

Vì vậy, Đại sứ Baloghdi Tibor kì vọng môn Teqball sẽ được giới trẻ đón nhận và tập luyện; qua đó có thể giúp họ được tận hưởng một cuộc sống vui, khỏe thông qua Teqball và xa hơn là trở thành VĐV chuyên nghiệp của môn này. 

Luật chơi cơ bản của Teqball

- Teqball dùng bóng trong môn bóng đá, khuyến nghị dùng size 5.

- Mục đích của Teqball là đưa bóng sang phần sân đối phương và sẽ thắng nếu đối phương không thể đáp trả (giống cầu lông, tennis, bóng bàn).

- Teqball có thể chơi đơn đấu đơn hoặc chơi đôi đấu đôi.

- Teqball thường thi đấu chạm 3, mỗi set chạm 12 điểm.

- Mội VĐV có 2 lần thử trong 1 lượt giao bóng (giống tennis). Sau 4 điểm, phải đổi lượt giao bóng.

- Không được chạm vào bóng 2 lần liên tiếp bằng cùng 1 bộ phận cơ thể

- Không được dùng tay chơi bóng.

- Các VĐV có 3 lần chạm bóng để đưa bóng sang bên đối phương.

- Ở đấu đôi, 2 VĐV phải chuyền cho nhau ít nhất mỗi người 1 lần mới được đẩy bóng sang bên đối phương.

- Các VĐV không được chạm vào bàn và vào đối thủ.


V.M

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm