Sharapova phủ nhận đã được cảnh báo về Meldonium

12/03/2016 23:23 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) – Maria Sharapova phủ nhận rằng cô đã được cảnh báo về việc chất meldonium được bổ sung vào danh sách những chất bị cấm sử dụng trước khi tiến hành kiểm tra doping tại giải Australian Open.

Cách đây không lâu, Maria Sharapova đã đăng tải lên trên trang Facebook cá nhân một bức thư chia sẻ về scandal doping của mình. Trong đó, tay vợt người Nga kịch liệt phủ nhận thông tin Liên đoàn quần vợt quốc tế và WTA đã cảnh báo cô về danh sách những chất bị cấm sử dụng trong năm 2016 vào tháng 12/2015. Maria Sharapova khẳng định đó là thông tin sai sự thật.

Trong buổi họp báo diễn ra vào hôm thứ Hai 7/3, tay vợt 28 tuổi này thừa nhận cô đã không kiểm tra email nội dung danh sách những chất bị cấm trong 2016 hôm 22/12/2015. Và cô khẳng định mình đã không được cảnh báo về những mất mát mà mình có thể gặp phải.

Trên Facebook, Maria Sharapova chia sẻ: “Tôi không có bất cứ lời bào chữa nào cho lệnh cấm này. Như đã nói, hôm 22/12/2015, tôi đã nhận được một email với tựa đề “Những thay đổi chính trong chương trình phòng chống doping trong Tennis năm 2016”. Nội dung email dài đến cả ngàn chữ. Trong đó có rất nhiều từ kỹ thuật. Tôi có nên nghiên cứu chúng không? Tôi nghĩ là tôi nên làm như vậy. Nhưng nếu bạn nhìn thấy nội dung đó, bạn sẽ biết tôi muốn nói gì. Đáng lẽ tôi nên chú ý nhiều hơn về điều này. Nhưng “truyền thông” đã làm gì? Trong các bản tin, các trang mạng thông tin hay những tờ rơi, đều không thông báo điều này”.


Sharapova chia sẻ trên Facebook

Bên cạnh đó, tay vợt người Nga cũng chia sẻ rằng ngày 18/12/2015, cô cũng nhận được một bức thư với tựa “Thông tin người chơi”. Tuy nhiên, bức thư này không phải là một trong 5 cảnh báo được trích dẫn bởi ITF và WTA.

Trong suốt 10 năm qua, Sharapova đã sử dụng thuốc mildronate. Nhưng cô cho biết cô đã không sử dụng thuốc đó thường xuyên mà sử dụng thuốc đúng theo sự chỉ định của bác sỹ. “Tôi đã không uống thuốc hàng ngày. Tôi sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ. Tôi đã sử dụng thuốc đó với liều lượng thấp nhất theo những gì được đề nghị”, Sharapova chia sẻ.

“Tôi tự hào về cách mà tôi đã thi đấu trong suốt thời gian qua. Tôi đã luôn trung thực và ngay thẳng. Tôi sẽ không giả vờ rằng mình bị chấn thương để có thể che giấu đi sự thật về buổi kiểm tra của mình. Tôi mong rằng ITF sẽ xem xét kỹ lượng hồ sơ y tế chi tiết của tôi. Tôi hy vọng mình sẽ lại được tiếp tục thi đấu. Và dù thế nào, tôi mong các bạn, những người hâm mộ của tôi, sẽ được biết sự thật”, Sharapova kết thúc bức thư của mình.


Sharapova chưa có ý định từ giã sự nghiệp dù dính scandal doping

Bức thư của Sharapova được cô chia sẻ trên Facebook trùng với ngày Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) xác nhận có 99 tay vợt có kết quả dương tính với chất meldonium kể từ khi chất này được thêm vào danh sách những chất bị cấm sử dụng.

Khi thông tin Sharapova có kết quả dương tính trong buổi kiểm tra doping, rất nhiều tay vợt đã chỉ trích “Búp bê Nga”. Thậm chí, một số hãng tài trợ như Nike hay Porsche đã chấm dứt hợp đồng với tay vợt này. Tuy nhiên, Chủ tịch và GĐĐH của hãng thể thao Head, Johan Eliasch, thì vẫn ủng hộ Sharapova và chỉ trích WADA về “danh sách đen” mà họ đưa ra. Ông cho rằng WADA nên tiếp tục cho phép các tay vợt sử dụng chất meldonium.

“Chúng tôi đã đặt câu hỏi cho WADA về quyết định bổ sung chất meldonium vào danh sách cấm. Nếu được, chúng tôi sẽ tài trợ để giúp WADA nghiên cứu rằng chất meldonium không phải là một chất cấm”, Johan Eliasch phát biểu hôm thứ Sáu 11/3.

Tuy nhiên, sau đó WADA cho biết những phát biểu của Johan Eliasch là “không phù hợp” vào thời điểm này. Trong bản thông báo, WADA cho biết: “Chúng tôi tin rằng bất cứ lời bình luận nào của bên thứ ba vào lúc này là không phù hợp. WADA sẽ xem xét kỹ mọi trường hợp, các lý do được đưa ra và sau đó sẽ quyết định sẽ gửi lên Tòa án Thể thao (CAS) hay không. Trong danh sách cấm được cập nhật hàng năm luôn có một khoảng thời gian tham vấn đầy đủ và kỹ lưỡng với các chuyên gia và các bên liên quan. Một chất hoặc phương pháp có thể được thêm vào danh sách cấm nếu điều đó vi phạm hai trong ba tiêu chuẩn sau: tăng cường hiệu suất; gây bất lợi cho sức khỏe của các vận động viên; trái với tinh thần của môn thể thao”.

Hiệp Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm