Tennis: Đã tới lúc sáp nhập ATP và WTA

24/04/2020 06:17 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Roger Federer mới đưa ra một gợi ý gây bất ngờ. Qua đó, theo tay vợt người Thụy Sĩ thì đã tới lúc sáp nhập ATP và WTA làm một, đặc biệt sau ảnh hưởng sức khỏe toàn cầu từ đại dịch Covid-19.

Vì Covid-19, Premier League sẽ phát sóng miễn phí?

Vì Covid-19, Premier League sẽ phát sóng miễn phí?

Premier League chắc chắn sẽ đá không khán giả nếu trở lại vào mùa hè năm nay. Ban tổ chức giải đấu đang tính đến phương án phát các trận đấu miễn phí, thay vì tập trung vào hai kênh trả tiền BT Sport và Sky Sports.

Gợi ý này của Federer đã dấy lên những cuộc tranh luận trên mạng xã hội bởi tầm ảnh hưởng lớn của anh đối với bộ môn thể thao này nói riêng và tính toàn cầu nói chung.

Không cần tách bạch ATP và WTA?

Lời nói của một nhà vô địch 20 lần Grand Slam hẳn có trọng lượng hơn những người khác. Hôm thứ Tư, Federer đã đăng tải suy nghĩ lên trang Twitter có 12,7 triệu người theo dõi của mình: “Tôi chỉ tự hỏi, có phải tôi là người duy nhất nghĩ rằng bây giờ là lúc để sáp nhập quần vợt nam nữ thành một hay không?”. Sau đó thì bà Judy Murray, mẹ của Andy Murray, cũng đăng tải lại kèm hashtag #strongtogether để hưởng ứng gợi ý của Federer. Tuy nhiên, Nick Kyrgios thì đáp trả: “Có ai đã hỏi số đông ở ATP xem họ nghĩ sao về việc sáp nhập với WTA và nó có tác dụng gì hay chưa?”

Federer thì viết thêm: “Tôi đang hình dung ra một sự hợp nhất giữa WTA và ATP. Tôi không nói về việc sáp nhập cạnh tranh trên sân cỏ, mà là hợp nhất hai cơ quan chủ quản (ATP và WTA) giám sát các giải đấu chuyên nghiệp nam và nữ. Có lẽ nó nên diễn ra từ lâu rồi nhưng bây giờ mới thực sự là thời điểm thích hợp. Đây là thời điểm khó khăn cho mọi môn thể thao và chúng ta có thể thoát ra khỏi điều này hoặc với hai ‘cơ thể’ yếu ớt hoặc chỉ một cơ thể nhưng khỏe mạnh”.

FedEx đã trả lời một người theo dõi đã phàn nàn rằng có hai cơ quan quản trị là khó hiểu và không cần thiết đối với quần vợt như sau: "Tôi đồng ý với bạn. Nó rất khó hiểu cho người hâm mộ khi có các hệ thống xếp hạng khác nhau, logo khác nhau, trang web khác nhau, các thể loại giải đấu khác nhau”.

Chú thích ảnh
Theo Federer, ATP và WTA nên sáp nhập làm một

Hiệp hội quần vợt được thành lập vào năm 1972 để đại diện cho lợi ích của các tay vợt nam sau biến động xảy ra sau kỷ nguyên mở rộng, có trụ sở toàn cầu tại London và đã trở thành một liên minh khó chịu của các giám đốc giải đấu và hội đồng tay vợt, dẫn đầu bởi Novak Djokovic. Hiệp hội quần vợt nữ, lấy cảm hứng từ sự tiên phong của Billie Jean King 8 tay vợt khác thì ra đời một năm sau đó, với trụ sở tại Florida. Nó chi phối một môn thể thao với số lượng vận động viên từ 100 quốc gia khác nhau và khoản tiền thưởng 146 triệu USD (tương đương 118 triệu euro) cũng như ngang bằng với các giải đấu nam ở các cuộc tranh tài lớn như Grand Slam.

Ý tưởng đáng để cân nhắc

Sáp nhập là một ý tưởng đã được đưa ra trước đây nhưng chưa được thảo luận nghiêm túc bởi bất kì bên cơ quan chủ quản nào. Cho đến khi cuộc khủng hoảng toàn cầu mà Covid-19 gây ra thì vấn đề này lại được quan tâm hơn, nhất là sau gợi ý công khai của Federer. Tuần trước, giám đốc điều hành mới của ATP, Andrea Gaudenzi, đã rút lại quyết định kết hợp hành chính của cả hai tổ chức, nhưng vẫn đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn cùng nhau. Ông nói: “Điều này là cực kỳ quan trọng, và là lợi thế của tất cả”.

Gaudenzi, người từng đứng hạng 18 thế giới khi cầm vợt chia sẻ rằng bộ môn thể thao này thường thu lại được nhiều lợi nhuận nhất khi có hai sự kiện nam, nữ trong cùng một giải đấu. “Một sự kiện kết hợp sẽ là tốt hơn cho tất cả, tôi tin tưởng như vậy. Sự đa dạng là rất tuyệt vời. Người hâm mộ của chúng tôi cũng yêu cả hai sự kiện nam, nữ”, ông nói thêm. Tuy nhiên để đưa ra một quyết định mang tính lịch sử khi sáp nhập 2 giải đấu không phải chuyện một sớm một chiều, và quá nhiều rắc rối chính trị có thể đi cùng nó.

Covid-19 làm đảo lộn cả thế giới, tuy nhiên trong lúc hỗn loạn này, đây cũng là thời điểm tốt để nhiều khía cạnh trong đời sống có thể tái cơ cấu, tổ chức cho phù hợp với tương lai hơn. Và thể thao không phải ngoại lệ.

Yến Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm