(Thethaovanhoa.vn) - Không ai có thể biết chính xác ý định của Valdes là gì, bởi anh hành động một cách đơn phương và không cho phép Barca kịp phản ứng.
Con người Valdes là một sự phức tạp của tính cách: đầy đam mê và cuồng nhiệt trên sân, luôn bộc trực và thẳng thắn trước báo giới, nhưng rắc rối trong các mối quan hệ ngoài bóng đá. Trong 4 thủ quân của Barca thì Valdes táo bạo nhất. Đôi lúc, anh không ngần ngại bày tỏ cảm giác bản thân anh là nạn nhân của sự xa lìa yêu thương và thiếu trân trọng. “Mọi người lúc nào cũng không tin tưởng tôi”, Valdes đã từng nói thẳng như thế cũng trong cuộc họp báo đầu năm 2013.
Valdes quyết chia tay Camp Nou - Ảnh: Getty
Đằng sau quyết định chia tayCó lẽ đúng như những gì Chủ tịch Rosell của Barca từng chia sẻ, trên đời này có 3 thứ khó làm nhất, đó là làm Đức Giáo Hoàng, làm Tổng thống Mỹ và làm thủ môn của Barca. Ở một tập thể thành công và giàu vinh quang như Barca, nơi mà người ta bị lóa mắt bởi sự hoa mỹ và lối đá tấn công, những gì Valdes đạt được, dù đó có là 4 danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất La Liga Zamora liên tiếp với chỉ số để lọt lưới thấp nhất giải thì rốt cục cũng bị người hâm mộ đánh giá thấp và bị quy đó cho thành quả tất yếu của lối đá kiểm soát bóng thượng thặng. Valdes chỉ cần có mặt trên sân, như một sự điểm danh đơn thuần.
Để lý giải về vai trò của Valdes tại Barca không phải là chuyện dễ dàng. Ngay cả một cầu thủ vẫn thường bị đánh giá thấp trong các cuộc bầu chọn danh hiệu như Busquets thì ít nhất vẫn có rất nhiều những đoạn phim phân tích về tầm quan trọng của anh trong đội hình. Song với Valdes, điều đó là không hề. Dẫn chứng những pha cứu thua ngoạn mục của Valdes thì cũng sẽ chỉ ra được không ít những pha bóng ngớ ngẩn, mắc sai lầm khác của anh. Tuy vậy, ở Valdes tồn tại một thứ mà rất khó để tìm thấy ở những thủ môn khác, dù họ có là những người xuất sắc nhất. Đó không gì khác ngoài sự ám ảnh đã ăn vào máu của tư duy xử lý bóng bằng chân đặc thù La Masia. Một thủ môn với tư tưởng của một tiền vệ, tiền đạo, Valdes có điều đó. Ai đó vẫn có thể dẫn giải pha xử lý bóng thừa thải của Valdes khiến Di Maria ghi bàn trong trận lượt đi Siêu cúp TBN 2012, nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng “Điều ngoại lệ khẳng định nguyên tắc”. Đã là một thủ môn thì phải có chất điên, nhưng đã làm một thủ môn Barca thì sẽ phải điên gấp bội.
Đến đây, ở tuổi 31, không thể cứ sống mãi trong cái gọi là “sự bao bọc chắc chắn” của Barca, Valdes quyết định tìm đến một nền văn hóa bóng đá khác để thử sức – như anh cũng đã từng bộc bạch trong cuộc họp báo đầu năm, để chứng minh giá trị bản thân. Thể hiện giá trị bản thân (self-actualization) là bậc cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow, con người, những ai chí cao cũng tồn tại nhu cầu ấy, và Valdes không là ngoại lệ.
Gấp quá! Gây họaCó một chi tiết rất đáng chú ý trong cuộc gặp mặt mở màn cho “quả bom nổ chậm” diễn ra ở Camp Nou giữa người đại diện Gines Carvajal và ông bố Jose Manuel Valdes của Victor Valdes với ban lãnh đạo Barca là ngay khi ngồi vào bàn nói chuyện, Gines cùng Jose đã lập tức thông báo thân chủ của họ sẽ không gia hạn hợp đồng dù bất cứ giá gì. Nghĩa là người đại diện của Valdes chẳng cần biết những yêu sách từ bản hợp đồng mới mà Barca định đưa ra là ra sao, dù nó có hấp dẫn Valdes đến mức nào (mục tiêu của Barca là gia hạn với Valdes đến 2018, mức lương của anh cũng sẽ được tăng lên khoảng 8 - 10 triệu euro/mùa) thì quyết định cũng sẽ không thể thay đổi. Cộng với đó là dù CLB bằng mọi cách đề nghị được giữ kín thông tin đến một thời điểm thích hợp hãy công khai trước dư luận, song đại diện của Valdes sau cuộc gặp đã lập tức tiết lộ với hãng thông tấn EFE mọi chuyện.
Vì sao mọi thứ lại “gấp” đến thế? Có phải đằng sau sự vội vã kia là một bản hợp đồng bom tấn của một CLB nào đó đã được gửi đến Valdes? Hay cảm giác bất mãn và phẫn uất của suốt những năm tháng sống trong sự công nhận không thỏa đáng đã lên đến cùng cực và cần được bộc phát dữ dội nhất? Ngay cả câu hỏi cũng là một giả thiết thì nói gì đến câu trả lời.
Gấp rút quá đã cho thấy sự thiếu tinh tế (nhiều người gọi đó là thiếu chuyên nghiệp) của Valdes trong cách hành xử, ở đây là về việc chọn thời điểm công khai quyết định. Với Tito, ông tin rằng một thủ môn như Valdes - hội tụ của bản tính và hoàn cảnh, thì không thời điểm nào được cho là lý tưởng để công khai quyết định từ chối gia hạn. Thậm chí, Valdes quyết định vào lúc này, khi hợp đồng vẫn còn 1 năm rưỡi nữa mới hết hạn, lại là đang giúp ích cho Barca: CLB sẽ có thêm nhiều thời gian để tìm kiếm những sự thay thế. Nhưng, trong bối cảnh chung của đội bóng hiện tại, đó chẳng khác nào làn gió làm lung lay mô hình tòa tháp được dựng nên bởi những lá bài vô cùng công phu.
Barca đang không chỉ cho cả thế giới thấy sự thành công trên sân cỏ, mà còn cả trong cách xây dựng và điều hành hoạt động của toàn hệ thống thể thao. Bộ máy đang hoạt động rất mạch lạc và đã cho thấy sức chịu đựng khi vượt qua nhiều thử thách, đơn cử là những vụ gia hạn cùng các trụ cột, sự trở lại của Abidal, sức mạnh chống chọi bệnh tật của Tito hay những cầu thủ biểu tượng thì tiếp tục tỏ rõ vai trò định hướng cho đàn em. Trong bối cảnh ấy, Valdes, với tư cách là một trong ba đội phó của đội, hành động của anh chẳng khác nào sự “chống đối”, tạo tiền lệ không tốt cho về sau. Một mắt xích quan trọng bỗng chốc đòi ly khai, các đồng đội buồn rầu, ban lãnh đạo bất an và người hâm mộ thì phẫn nộ. Thời điểm này thực chất không phải là thích hợp để Valdes đưa ra quyết định quan trọng trên. Đến cuối mùa giải, khi Barca đã hoàn thành xong những mục tiêu chinh phục thì có vẻ lúc ấy Valdes công bố quyết định vẫn chưa muộn. Có nhiều cách để lừa dối công chúng đến cuối mùa, chỉ là Valdes không biết cách làm điều đó. Rõ ràng anh đã không nghĩ cho lợi ích chung của tập thể (các đồng đội cũng đã khuyên Valdes nên thu lại quyết định nhằm tránh sự chỉ trích từ người hâm mộ).
Quyết định không gia hạn hợp đồng của Valdes khiến người hâm mộ Barca hoài niệm về sự kiện tương tự diễn ra giữa Guardiola và Barca một năm về trước. Tuy nhiên, nếu như trường hợp Guardiola như ngọn lửa cháy âm ỉ và ăn mòn theo thời gian mà đặc trưng là việc ông chỉ gia hạn hợp đồng theo dạng thức 1 năm – 1 mùa, thì với Valdes, mọi thứ bùng phát tốc hành. Cũng với Guardiola, người hâm mộ dễ dàng bỏ qua và thậm chí khóc vì ông. Còn với Valdes, kể từ khi anh mắc sai lầm khiến Barca mất chức vô địch Siêu cúp TBN, cảm giác dè chừng và hoài nghi trở nên thường trực hơn, do đó thái độ gay gắt hiện tại là điều dễ hiểu. Ít ai so sánh giữa tình huống Messi sút hỏng quả penalty trong trận bán kết Champions League trước Chelsea với tình huống của Valdes để có cái nhìn cảm thông hơn.
Ra đi, nhưng đi đâu, và để làm gì?Sau khi sự việc vở lở, báo chí thân Real Madrid thừa nước đục thả câu. Nhà báo Josep Pedrerol, GĐ của chương trình thể thao trò chuyện bàn tròn Punto Pelota đã tuyên bố “bố mẹ của Valdes có thể tự hào về người con của mình.” Trước đây, chính nhà báo này đã từng nhiều lần chỉ trích, chê bai Valdes.
Tự hào về điều gì? Tự hào rằng sau Ibra thì cuối cùng cũng đã có một cầu thủ, thậm chí là người mang dòng máu La Masia không muốn tiếp tục làm những cậu học trò ngoan ngoãn tại Camp Nou? Hay tự hào vì cuối cùng Valdes đã có quyết định khôn ngoan là rời Barca để tìm đến chân trời mới, nơi anh sẽ nhận được sự công nhận xứng đáng?
Vậy thì, câu hỏi cuối cùng sau tất cả những gì đã xảy ra là mùa hè 2013 này, hay đến mùa hè 2014 – sau khi hợp đồng hết hạn, Valdes sẽ đi đâu? Nếu anh ra đi vì tiền, sẽ không có câu hỏi này. Nhưng nếu anh ra đi để chứng minh bản thân, để được công nhận, thì việc trả lời câu hỏi trên rất quan trọng. Bởi lẽ, ngay cả ở Camp Nou, nơi cái điên của anh, phong cách của anh là để dành cho Barca, có người vẫn cảm thấy nghi ngờ về anh thì liệu ở những nơi xa lạ khác, họ sẽ chấp nhận anh chăng, bênh vực anh, ủng hộ anh? Có thể Valdes sẽ dễ tìm được việc, đâu đó ở Brazil, nơi mà anh từng bày tỏ mơ ước được đến, nhưng chắc anh sẽ khó có cơ hội chứng minh bản thân.
Khi mất đi điều gì đó vốn quan trọng, chúng ta mới nhận ra giá trị thực của nó. Người hâm mộ Barca và Valdes ắt đã biết đến câu này.
Cự Giải