01/07/2012 07:55 GMT+7
(TT&VH Online) - Tây Ban Nha đang trong thời kì hưng thịnh nhất khi họ là đương kim vô địch Châu Âu và Thế giới. Họ cũng đã làm được như Tây Đức khi vào chung kết 3 giải đấu lớn liên tiếp nhưng nếu muốn thực sự vĩ đại và được sử sách lưu danh, La Roja phải chinh phục “đỉnh núi” mang tên Italia trong trận chung kết EURO 2012, đội bóng mà đã 92 năm, Tây Ban Nha không thể khuất phục họ trong thời gian thi đấu chính thức ở một giải đấu lớn. Với Azzurri, chiến thắng trước Đức trong trận bán kết như tiếp thêm sức mạnh cho hành trình chinh phục đỉnh cao Châu Âu của họ lần này.
Cả Italia và Tây Ban Nha đều là những đại kình địch của nhau trong quá khứ. 30 lần đụng độ ở tất cả những trận đấu lớn nhỏ đã nói lên điều đó. Những hận thù, mâu thuẫn sâu sắc vẫn còn đó, như tô vẽ những nét thi vị lẫn xấu xí trong suốt chiều dài lịch sử đối đầu của hai nền bóng đá. EURO 2012 lần này, số phận lại trêu ngươi Italia khi lá thăm may rủi đã đưa họ nằm cùng bảng đấu với người Tây Ban Nha. Và cũng như bao lần trước, trong đêm Gdansk, Italia lại khiến đội bóng xứ đấu bò phải ngậm ngùi khi không thể giành lấy trọn vẹn chiến thắng. Cái vòng luẩn quẩn lại xuất hiện và sau gần 3 tuần kể từ ngày gặp nhau ở Gdansk ấy, Italia và Tây Ban Nha lại chạm trán nhau trong trận cầu mà mức độ còn khốc liệt hơn nhiều: Chung kết EURO 2012.
Đây là thời điểm thích hợp để Italia xưng vương - Ảnh: Getty
Sau trận gặp Tây Ban Nha , cũng là trận ra quân ở EURO 2012, Italia giờ đây có được những gì? Chiến thắng không thể thuyết phục hơn trước Đức ở bán kết cho thấy Italia hoàn toàn có thể đánh bại bất kì đối thủ nào và họ cũng đã sẵn sàng để chinh phục những đỉnh cao. Qua từng trận đấu, người ta nhận thấy một Azzurri mới mẻ, phóng khoáng, cởi mở hơn và trên hết, họ vẫn tồn tại những năng lực tiềm tàng và chỉ đợi dịp thích hợp để phát tiết. Người ta còn thấy ở Italia sự đa dạng trong lối chơi khi chuyển từ sơ đồ phòng ngự cổ điển 3-5-2 ở những trận đầu tiên sang sơ đồ 4-3-1-2. Sự thay đổi ấy cho thấy tầm nhìn và sự thức thời của Prandelli, và tùy từng đối thủ mà Italia có cách tiếp cận trận đấu khác nhau. Như trận gặp Đức, họ có thể bị đối phương dồn ép trong những phút đầu trận nhưng dần lấy lại ưu thế và kết liễu đối thủ.
Cesare Prandelli mới đây đã phát biểu: "Chúng tôi đã tiến bộ nhiều qua từng trận đấu và bây giờ chúng tôi đang đạt trạng thái tâm lí tốt nhất trước trận chung kết”. Điều này thật sự đã được chứng minh qua từng trận đấu của Italia ở EURO lần này. Italia đã chật vật vượt qua vòng bảng nhưng lại nhanh chóng chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc ở tứ kết và bán kết. Đội hình ngày một gắn kết, lối chơi dần hoàn thiện khi tất cả đều nhìn về cùng một hướng. Italia đang trên đường chinh phục chức vô địch Châu Âu lần thứ 2 bằng những con người muôn năm cũ kết hợp cùng những người trẻ trung, giàu nhiệt huyết chiến đấu. Ở họ, dường như lúc nào cũng bùng lên ngọn lửa bất diệt, nơi ý chí và lòng khát khao khẳng định luôn được đề cao.
Del Bosque đã nghiên cứu kĩ lối chơi của Italia và ông cũng đang cố gắng tìm ra những điểm yếu và kẽ hở nơi đội bóng ấy. Nhưng thật sự đó không phải là điều dễ dàng với vị chiến lược gia kì cựu này. Hàng thủ “Juve hóa” của Italia vẫn cho thấy sự chắc chắn đáng kinh ngạc với những Buffon, Bonucci, Barzagli…Ở EURO lần này, Italia có thể không có một hậu vệ nào thực sự đẳng cấp như Nesta hay Cannavaro ngày trước, nhưng những tinh hoa phòng ngự mang thương hiệu catenaccio vẫn được họ thấm nhuần. Bất kể khi đá 3 hay 4 hậu vệ, Italia vẫn cho thấy sự chắc chắn và kín kẽ trong khâu bọc lót, kèm người và kể cả những tình huống phạm lỗi khi cần thiết. Điều đó cho thấy, nét truyền thống của Italia không hề mai một như suy nghĩ của nhiều người. Hơn thế nữa, Italia còn làm mới mình bằng phong cách chơi khoáng đạt và mềm mại hơn ở nhiều thời điểm, điều này ít khi tồn tại ở Italia trong những năm trước. Andrea Pirlo vẫn thể hiện vai trò thủ lĩnh của mình bằng phong độ chói sáng và chính anh là chất xúc tác trong lối chơi của Azzurri. Trên hàng công, một Cassano dày dạn kinh nghiệm cùng một Balotelli ngày một trưởng thành chính là điểm tựa cho người Italia kì vọng.
Ở Gdansk cách đây 3 tuần, Del Bosque cho Tây Ban Nha xuất phát với sơ đồ không tiền đạo trong trận đấu với Italia, đến hiệp 2, Torres mới được tung vào sân và Tây Ban Nha cũng dần nguy hiểm hơn. Ở trận bán kết với Bồ Đào Nha, Del Bosque lại tin dùng Alvaro Negredo mà chẳng thèm đoái hoài những ngôi sao khác. Điều ấy cho thấy Tây Ban Nha luôn khiến các đối thủ rất khó đoán định những quân bài mà họ đưa ra sân cũng như định hình lối chơi của La Roja. Điều này cũng không khiến Cesare Prandelli phải lo lắng. Ông phát biểu: "Tây Ban Nha luôn áp dụng lối chơi bóng ngắn kĩ thuật và vấn đề không nằm ở chỗ họ có xuất phát với tiền đạo nào hay không”. Tất nhiên, cựu chiến lược gia của Fiorentina cũng đã tìm ra cho mình một sơ đồ cùng đấu pháp hợp lí cho trận chung kết hứa hẹn nhiều kịch tính và căng thẳng này.
44 năm trước, Italia đã lên ngôi khi EURO tổ chức ở quê nhà. Năm đó, Italia của Valcareggi đã đứng trên đỉnh Châu Âu với những Dino Zoff, Giacinto Facchetti, Luigi Riva…trong đội hình, kết hợp cùng lối đá catenaccio đã khuất phục mọi đối thủ. Cái thời đáng sống và đầy đam mê ấy đã xa nhưng người Italia vẫn nhớ về nó như tạo động lực và sự tự tin trước trận chung kết với người Tây Ban Nha. Cơn bão tiêu cực lại đi ngang qua Calcio, làm bào mòn niềm tin của người Italia về bóng đá nước này và về đội tuyển ở EURO năm nay. Nhưng khi ấy, cũng giống như sau Totonero 1980 và Calciopoli 2006, Italia lại cho thấy sức mạnh đáng gờm và không bao giờ gục ngã. Đêm Kiev, không biết nụ cười Địa Trung Hải có còn hé nở trên môi hay không nhưng với màn trình diễn xuất sắc cho đến trước trận chung kết, Azzurri xứng đáng được biểu dương và nhận được những sự tôn trọng từ mọi đối thủ.
Tuấn Kiệt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất