Khánh Hòa có HLV Lê Cảnh Thân

24/05/2014 15:08 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Tìm hiểu về lịch sử quần vợt Khánh Hòa mà không tìm gặp HLV Lê Cảnh Thân thực sự là một thiếu sót lớn. 30 năm trên cương vị HLV môn quần vợt Khánh Hòa, ông Thân chính là người đã trực tiếp nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc cùng quần vợt thành phố biển.

Ấn tượng ban đầu về người thầy môn quần vợt tỉnh Khánh Hòa đó là phong thái trầm mặc, cùng câu nói cửa miệng: “Âu cũng là do thời cuộc”. Cũng chính vì cái thời cuộc, mà phải chăng quần vợt Khánh Hòa đã có một thời vinh quang rực rỡ? Được chúng tôi gợi mở lại quá khứ vàng son của quần vợt Khánh Hòa, HLV Lê Cảnh Thân như bắt được sóng.

“Quần vợt Khánh Hòa một thời hào hung với 17 năm liên tục (1985-2002) thống trị làng quần vợt trong nước. Trong 17 năm đó, thầy trò chúng tôi luôn giữ thế “độc cô cầu bại” ở môn quần vợt tại nội dung dành cho nữ là đơn nữ, đồng đội nữ. Những tên tuổi như Kim Trang, Kim Lợi, Phương Hạnh,… ngày ấy là những tượng đài của làng quần vợt Việt Nam.

Thầy trò chúng tôi đánh đâu thắng đó, đến nỗi  ông Vũ Như Ý (nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn quần vợt Việt Nam), mỗi lần thấy tôi dẫn đội quần vợt nữ Khánh Hòa tham gia thi đấu giải quần vợt quốc gia lại hỏi vui: “Ông đi thu thuế bọn tôi à”, tức là ý ông ấy muốn nói, đội quần vợt nữ Khánh Hòa chưa đánh cũng đã biết là sẽ vô địch, nhận hết giải thưởng cao nhất”, cựu HLV Lê Cảnh Thân say sưa kể cho chúng tôi nghe.

Ông Thân cho biết, quần vợt Khánh Hòa có 17 năm xưng hùng xưng bá cũng là do thời cuộc tạo thành. “Cái thời “gạo châu củi quế” ấy mà lại hay. Kinh tế chưa phát triển, thể thao còn bao cấp, những em được phát hiện có tài năng được mời vào trung tâm để đào tạo là như “bắt được vàng”. Gia đình tạo điều kiện hết sức, còn các em cũng xem đó là cơ hội để cải thiện cuộc sống, dù mực đầu tư cũng như chế độ đãi ngộ khi đó rất hạn chế.

Thế nên sự nỗ lực, quyết tâm của các tài năng được chọn lựa để đòa tạo là khỏi phải bàn. Các em tập luyện với cường độ cao, liên tục ngày 2 buổi, và chính cái miệt mài, nghiêm túc trong tập luyện của cả thầy lẫn trò đã làm nên chuyện”, ông Thân giọng sang sảng tự hào.

17 năm ấy, biết bao ân tình, HLV Lê Cảnh Thân đổ bao tâm huyết, công sức cho quần vợt Khánh Hòa. Nhưng, vàng son rồi cũng đã phôi pha, từ năm 2002, quần vợt xứ trầm hương bắt đầu xuống dốc, để nay chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Đến đây, giọng người thầy mái tóc hoa râm bỗng trầm xuống: “30 năm làm HLV quần vợt Khánh Hòa, tôi luôn nỗ lực để làm sao giúp môn thể thao này giữ vững chỗ đứng. Nhưng rồi thời cuộc xoay chuyển khiến tôi không còn đủ sức để cứu vãn tình hình. Quần vợt Khánh Hòa dường như đã bị xóa sổ, đó là một thực tế khiến tôi rất buồn.

Nguyên nhân thì có nhiều lắm, nhưng chủ yếu do kinh tế phát triển, những tài em có tài năng không còn mặn mà theo đuổi sự nghiệp VĐV thể thao. Đa phần gia đình hướng các em theo con đường học hành, thời gian tập luyện chuyên môn rất ít (vì dành phần lớn thời gian để học văn hóa).

Đã vậy giữa ngành giáo dục và môn quần vợt cũng không có sự liên kết với nhau. Vì quần vợt là môn không nằm trong chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng, nên các em đạt thành tích cao (kể cả cấp QG) trong môn quần vợt không được cộng điểm ưu tiên trong học tập, thi cử. Điều này khiến các em nhiều lúc thấy bất công, nhất là khi những bạn chơi môn thể thao khác chỉ đạt thành tích cấp tỉnh là đã được ưu tiên rồi.

Cuối cùng, dù có đam mê theo tập luyện môn quần vợt, gia đình các em cũng ái ngại, bởi khoản kinh phí đầu tư là rất lớn. Thế nên, nhiều em chỉ tập đến lúc thi vào Đại học là nghỉ khiến chúng tôi rất khó khăn trong việc phát triển tài năng quần vợt”, ông Thân cho biết.

Đau đáu với quần vợt Khánh Hòa chính là lí do mà sau khi nghỉ hưu (4/2014), HLV Lê Cảnh Thân quyết định thành lập CLB đào tạo quần vợt có cổ phần của mình. CLB quần vợt 20/8 tọa lạc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ở TP.Nha Trang (gồm 5 sân ngoài trời) sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

“Tôi chỉ mong sao quần vợt Khánh Hòa sẽ khởi sắc trở lại, phong trào quần vợt ở Nha Trang sẽ mạnh lên. Điều này đòi hỏi niềm đam mê, tâm huyết cũng như sự đỡ đầu của các doanh nghiệp. Khi môn quần vợt được xã hội hóa, tôi tin rằng quần vợt xứ trầm hương sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa”, ông Thân khẳng định.

Ôi, những lời tâm sự của một HLV hơn nửa đời người cống hiến cho quần vợt xứ trầm hương vừa nghỉ hưu sao mà tái tê!

Thanh Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm