Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010: Thời của Tiqui-taca

14/07/2010 11:54 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) -  Không thể đặt câu hỏi "Picasso hay Van Gogh giỏi hơn?", vì mỗi người tiêu biểu cho một trường phái riêng biệt. Tương tự, không thể nói "Tiqui-taca" hơn "Total Football" bởi lịch sử cần được soi xét bằng con mắt đồng đại. Nhưng có thể khẳng định, giờ là thời của tiqui-taca, khi mà nhờ vào lối chơi ấy, Tây Ban Nha đã đăng quang từ Euro 2008 cho đến World Cup 2010. Bài viết dưới đây không đi sâu vào phân tích chiến thuật, mà chỉ muốn xác nhận một điều rằng, "Tiqui-taca" đã được nâng lên thành một trường phái có chỗ đứng trang trọng trong lịch sử bóng đá thế giới.

Hơn 60 năm kể từ sau khi chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ 2, chiến thuật trong bóng đá đã có những bước tiến vượt bậc, gắn liền với những dấu mốc lịch sử nhất định, mà cụ thể là các kỳ World Cup. Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh chính là nơi xác lập và định hình những sơ đồ chiến thuật có tính chất nền tảng của bóng đá hiện đại. Từ MW của Sir Herbert Chapman ở Arsenal những năm 1930, đội tuyển Đức của Sepp Herberger và ngôi sao Fritz Walter đã nâng nó lên một tầm cao mới để làm nên "điều kỳ diệu ở Berne" năm 1954 tại Thụy Sĩ.


Tây Ban Nha đăng quang World Cup 2010 bằng sức mạnh của Tiqui-taca, Ảnh Getty

Nhưng thực ra, MW khi ấy cũng đã lỗi thời trước sơ đồ 4-2-4 của "Mighty Mayar" (tức đội tuyển Hungary), mà ví dụ điển hình nhất là chiến thắng 6-3 của Hung trước ĐT Anh ngay tại Thánh địa Wembley ngày 26/11/1953. Cũng chính tại World Cup'54, Hung đã đè bẹp Đức tới 8-3 ở vòng bảng, và thất bại của họ trong trận chung kết chủ yếu là do các trụ cột đều đã bị chấn thương. Những năm 1950 chính là thời kỳ đỉnh cao của 4-2-4, bởi sơ đồ ấy đã được các nghệ sĩ bóng đá Brazil, với Pele, Garrincha, áp dụng và làm mưa làm gió ở Thụy Điển năm 1958.

Sự thống trị của người Brazil và sơ đồ 4-2-4 thậm chí còn kéo dài tới tận năm 1962, và chỉ tắt dần ánh sáng ở Anh năm 1966, nhường chỗ cho sơ đồ 4-4-2 của đội tuyển nước chủ nhà do Sir Alf Ramsey dẫn dắt. Sơ đồ này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, với những biến thể trên hàng tiền vệ (hình giẻ quạt, hình thoi, hình kim cương...). Italia năm 1982, rồi cả Brazil năm 1994 đều dùng sơ đồ đó để đi tới chiến thắng, dĩ nhiên là với cách sắp xếp hàng tiền vệ khác nhau (như với Brazil năm 1994 là sử dụng 2 cặp tiền vệ phòng ngự). Sơ đồ 4-3-3 được một số đội tuyển áp dụng sau đó, như Brazil năm 1970, Đức năm 1974 (có thể đổi thành 3-5-2), hay Argentina 1978 cũng được phát triển từ 4-4-2 mà ra, cũng chỉ khác nhau cách sắp xếp hàng tiền vệ. Nếu Brazil sử dụng số 10 điển hình thì Đức ưu tiên một trung vệ quét hay phát triển hơn nữa là một libero.

Đến những năm 1970, một luồng gió mới (đúng ra là lốc) đã thổi đến, thực sự làm chấn động làng túc cầu, đánh bạt mọi trường phái khác. Ấy là thứ bóng đá Tổng lực của người Hà Lan. Chỉ có điều, sự lãng mạn ấy đượm chút màu buồn khi Cruyff và Rensenbrink không thể với tới ngôi cao nhất. Nhưng dù vậy, một trường phái mới cũng được xác lập.

Thế nhưng, Total Football khó có thể được nhân rộng bởi những yêu cầu khắt khe về mặt con người. Vì thế, những năm 1990 là thời thịnh hành của 3-5-2 (biến thể là 3-4-1-2, 3-5-1-1), nhất là khi cả Argentina lẫn Đức đều sử dụng sơ đồ ấy trong trận chung kết Mexico'86. Năm 1990, lại vẫn là Đức và Argentina với 3-5-2, chỉ khác là kẻ thắng - người bại bị đảo ngược. Nhưng ngày nay, 3-5-2 gần như đã tuyệt chủng (TT&VH từng có bài viết về vấn đề này), bởi 4-2-3-1 đã lên ngôi.

Quả thực, không phải tới kỳ World Cup 2010 ở Nam Phi, 4-2-3-1 mới trở nên thịnh hành, mà nó đã được đội tuyển Pháp của Aime Jacquet áp dụng thành công ở France'98, rồi Italia nối tiếp ở World Cup 2006. Sơ đồ đó cũng sản sinh ra những mẫu cầu thủ được gọi là số "9 rưỡi", chơi ngay sau lưng trung phong cắm duy nhất. Những số 9 rưỡi tiêu biểu là Baggio, Djorkaeff hay Totti.

12 năm sau kỳ World Cup ở đất Pháp, chiếc Cúp thế giới lại được khắc thêm một cái tên mới toanh là Tây Ban Nha. Cũng vẫn với sơ đồ 4-2-3-1, nhưng cách vận hành thì lại hoàn toàn khác. Trọng tâm không được đặt vào số 9 rưỡi, mà là số 8, với những mẫu cầu thủ nhỏ con, khéo léo với tôn chỉ "tôi kiểm soát bóng là tôi tồn tại". Với lối chơi đó, TBN đã lên ngôi ở Euro 2008, Barcelona đã thống trị mọi giải đấu ở cấp CLB trong năm 2009, và giờ là chiến thắng thuyết phục của La Furia ở World Cup 2010.

Ngần ấy danh hiệu đủ để khẳng định rằng Tiqui-taca đã phát huy được tính ưu việt của mình. Một lối chơi, một phong cách, một tư duy chơi bóng muốn được nâng lên thành một trường phái thì nó cần được kiểm nghiệm bằng những danh hiệu cụ thể, ở tầm thế giới. Mà Tiqui-taca thì giờ đã có đủ, nếu không muốn nói là thừa đủ.

Thùy Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm