Đã đến lúc 'tận diệt' sư tử đá Trung Quốc

23/08/2014 16:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Bộ VH,TT&DL, đại diện là thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã gửi công văn Số: 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tới các cơ quan, ban ngành. Văn bản khuyến cáo này được giới học thuật, cũng như một số cơ quan chức năng mong chờ là tiếng “pháo hiệu” cho một cuộc “tận diệt” quy mô lớn các hình tượng văn hóa ngoại lai khỏi di tích cha ông.

Để làm rõ hơn về những thực trạng, những khó khăn và những giải pháp cho cuộc “đại phẫu” này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Không chỉ có sư tử đá, đèn lồng đỏ

* Theo ông, ngoài sư tử đá, đèn lồng Trung Quốc mà ta vẫn biết và lên án còn những biểu tượng, vật phẩm, linh vật ngoại lai nào khác đang lan tràn trong di tích Việt?

- Long bệ thạch cũng có thể gọi nôm na là bệ rồng trên các lối lên của cung điện, chùa miếu trong khoảng 5 năm lại đây phát triển khá mạnh. Điển hình là chùa Bái Đính. Theo quan niệm của Hoa Hạ, người ta chỉ có thể chầu rồng chứ rồng thì không cần chầu ai, vì rồng là biểu tượng đế vương. Việc các cung điện Trung Hoa khắc những đồ án như lưỡng long tranh châu hay long vân là có liên hệ với cách xưng hô của các hoàng đế thiên triều là “bệ hạ”.

Bệ rồng kiểu thức Trung Hoa mà ta cũng thấy ở đền thờ Chu Văn An, xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương đạt kỷ lục hoành tráng ở Việt Nam.


Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế

* Trong lịch sử mỹ thuật, đã bao giờ người Việt có một cuộc “tận diệt” (hoặc nỗ lực tận diệt) một hình tượng văn hóa ngoại lai như đợt này chưa, thưa ông?

- Sang đến kỷ nguyên độc lập kể từ nhà Đinh, Tiền Lê về sau, lịch sử không nhắc đến việc làm sư tử ở các cung điện nữa. Nhưng tại sao những con sư tử Trung Quốc ở thành lũy ta trước đó tồn tại trong sử sách mà giờ không còn thấy? Chúng có bị người xưa đập bỏ hay không thì sử sách không ghi nhưng chắc chắn với cái điệu bộ hằm hè như thế, nó không phải là con vật được hoan nghênh.

Trong lịch sử của người Việt, có thể chắc chắn rằng, chưa bao giờ các vật phẩm tín ngưỡng (chữ của Toan Ánh là tế khí) du nhập ào ạt như bây giờ. Đây là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa đối với các nước không đủ bản lĩnh văn hóa. Cho nên có thể đinh ninh rằng trong lịch sử chưa từng có một cuộc “tận diệt” (hoặc nỗ lực tận diệt) một hình tượng văn hóa ngoại lai như đợt này.

Đơn giản vì các triều đại phong kiến xưa kia coi trọng các giá trị cổ truyền hơn bây giờ; chắc chắn họ không để cho các cá thể ngoại lai trong các di tích bùng phát thành đại dịch. Nếu xem lại sách sử thấy từng có những sắc lệnh cấm nói tiếng Chăm, không cho phép người Hoa chạy trốn khỏi người Mãn Thanh sống tập trung với số lượng lớn…


Sư tử Việt trong di tích chùa Phật Tích. Ảnh: Trần Hậu Yên Thế

“Nên lập công viên sư tử đá Trung Quốc”

* Ngoài việc tháo dỡ các sản phẩm ngoại lai, phản văn hóa, khả thi không phương án tạc lại sư tử đá Trung Quốc thành sư tử đá hoặc một linh vật của Việt Nam? Hoặc một phương án khác?

- Sư tử Trung Quốc có những đặc điểm rất khác với sư tử Việt. Sự khác biệt này rất lớn. Cải tạo sư tử Trung Quốc thành phách khuyển Koma-inu của Nhật Bản đã khó, thì cải tạo thành sư tử Việt hay  nghê và chó đá lại còn khó hơn rất nhiều. Sư tử Việt và sư tử Trung Quốc khác nhau ở tư thế, một đằng là ngửa mặt, đằng kia là cúi đầu. Chưa kể sư tử Việt không có điệu bộ đùa giỡn với con cái, sư tử biểu tượng cho đức Phật và các vị bồ tát nên phải trang nghiêm, hùng tráng, không tí tởn được. Anh em chúng tôi đã ngồi bàn việc cải tạo nhưng sau một hổi thảo luận thì có người đề xuất phương án nung vôi đem bán là kinh tế nhất. Ý tưởng của cá nhân tôi là lập một công viên gom tất cả các sư tử đá to nhỏ các kiểu. Công viên này ghi dấu một giai đoạn văn hóa chúng ta mất phương hướng.

* Vậy theo ông, để thay thế sư tử đá Trung Quốc, các hình tượng mỹ thuật Việt có gì đặc sắc, bề thế, oai phong để đặt ở cửa đình, chùa, công sở?

- Chắc chắn đó là nghê. Tác giả cuốn Ancient Vietnam History, Art And Archaeology, bà An-Valerie Schweyer (2011) đã coi hình tượng nghê là một sáng tạo độc đáo của người Việt. Trong Bảo tàng Mỹ thuật có một con nghê chân trước nắm cái thẻ ghi bốn chữ Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh. Ngần ấy chữ thì đủ ước mong một đời.

Sau nghê tôi nghĩ đến con voi. Bệnh viện Thu Cúc trên đường Thụy Khuê có đôi voi đá rất đẹp đặt trước cửa. Nghê và voi là hai con vật có thể đặt ở cơ quan công sở và đình chùa. Với Hà Nội, nhất thiết phải là rồng. Thời Pháp biểu tượng thành phố là song long dâng bảo kiếm chứ không phải Khuê Văn các như bây giờ.

* Xin cảm ơn ông.

Văn bản khuyến cáo của Bộ VH,TT&DL

Trước thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật  phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.


Bệ rồng Trung Quốc trong di tích thờ Chu Văn An. Ảnh: Trần Hậu Yên Thế

Để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ VH,TT&DL đề nghị và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân: Không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng; Sở VH,TT&DL các tỉnh/thành tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.

(Công văn số: 2662/BVHTTDL-MTNATL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký ngày 8/8/2014)

Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm