Sư tử trong mỹ thuật Đại Việt khác gì với sư tử đá Trung Quốc?

13/08/2014 11:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam không phải là môi trường “sinh sống” của sư tử đá. So với các nước trong khu vực, đồ án sư tử Việt Nam xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình tương đối muộn. Sư tử Việt chủ yếu xuất hiện thời Lý-Trần và gần như vắng bóng trong các triều đại sau đó, ngay cả trong những giai đoạn văn hóa cung đình Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới mỹ thuật Việt Nam như thời Lê Sơ và thời Nguyễn.

Li Zhigang (Lý Chi Cương) là tác giả của công trình nghiên cứu công phu về sư tử đá từ cổ tới kim trong mỹ thuật Trung Hoa. Ông đúc rút những đặc điểm tiêu biểu về hình tượng sư tử đá trong nền mỹ thuật nước này như sau: “Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, tỷ lệ ước 1:3, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm. Sư tử đực đạp cầu, sư tử cái nô đùa với con”.

Sư tử Đại Việt chủ yếu trong không gian tín ngưỡng Phật giáo, thể hiện những triết lý nhà Phật. Có thể tóm tắt những đặc điểm của hình tượng sư tử Đại Việt khác với sư tử đá Trung Hoa như sau: Chân sư tử không đạp cầu mà chân đạp lên ngọc; Miệng sư tử răng không sắc nhọn, hàm răng có số lượng lớn, trong miệng thường ngậm viên ngọc lớn.

Sư tử Trung Hoa không kể lớn hay bé thường có hàm răng to và sắc nhọn, đặc biệt là răng nanh; Trán sư tử Đại Việt thường có chữ Vương, đặc điểm này gần như không phổ biến ở Trung Quốc, ngay cả những con sư tử ở các vương phủ, hoàng cung như Tử Cấm Thành, Bắc Kinh; Đầu sư tử thường ngẩng lên cao, trong tư thế gầm bờm lông có thể dựng hết ngược lên như có gió thổi.

Sư tử Trung Hoa thường cúi đầu xuống, miệng tuy há nhưng không phải là tư thế để sư tử có thể gầm vang; Mình sư tử Đại Việt thường phủ kín bằng những khoáy lông xoáy, đây là đặc điểm ảnh hưởng từ mỹ thuật Chăm Pa; Một đặc điểm khá lý thú là trong mỹ thuật Đại Việt chỉ có hình tượng sư tử đực chứ không có sư tử cái, không có hình ảnh sư tử nô đùa với con.

Đây cũng là điểm rất khác với Trung Hoa; Sư tử Việt không đặt trên những bệ cao, mà rất thấp, tỷ lệ các bệ không quá 1/5 chiều cao cả thân, trong khi đó tỷ lệ này ở tượng sư tử đá Trung Hoa thường là 1/3. Việc đặt sư tử lên các bệ cao cộng với dáng cúi xuống hăm dọa luôn tạo cho người ta cảm giác chột dạ, kinh hãi. Đặc điểm này hoàn toàn không có ở những hình tượng truyền thống của sư tử Việt.

Sư tử Việt - Sư tử đá chùa Phật Tích


Sư tử Càn Lăng / Trung Quốc
 
Như đã nói ở trên, sự khác biệt này có liên quan đến quan niệm Phật giáo về sư tử. Sư tử Trung Hoa chủ yếu dùng trấn yểm các lăng mộ, giương oai ở các đền đài, thành quách, không chịu chi phối bởi những ý niệm tôn giáo nào. Ngược lại, sư tử Đại Việt, liên quan đến đức Phật, đến văn hóa Ấn Độ. Kinh Phật nói rằng khi sư tử gầm thì ngọc Mani xuất hiện. Thuật ngữ Sư Tử Vương là nói đến Đức Phật và các vị Bồ Tát nên từ quan niệm này dẫn đến việc trên trán sư tử có chữ Vương. Vì cũng là biểu hiện có Đức Phật nên phải là sư tử đực để thể hiện sự uy dũng vô song của Phật pháp. Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa cũng chỉ có hình ảnh sư tử đực mà không có sư tử cái.

Tư thế oai phong của sư tử được coi là nguyên do của thuật ngữ Sư tử phấn tam muội. Thám huyền kí, q.18 viết: “ nói như sư tử khi hiên ngang chồm dậy móng vuốt răng sắc mở ra, lông bờm dựng ngược, hiện tướng gào thét dũng mãnh, khiến cho các loài thú khác sợ oai lẩn trốn, giúp cho sư tử con tăng thêm dũng mãnh, thân lớn nhanh chóng.

Chư Phật cũng như vậy. Một là phấn chấn thân đại bi pháp giới, hai là mở rạ căn môn đợi bi, ba là dựng ngược lông đại bi, bốn là hiện oai ứng cơ, hét pháp môn pháp giới, khiến cho bậc nhị thừa và các loài thú đều như điếc mù mà lẩn trốn cả, Bồ-tát và chư Phật tử thì tăng trưởng thêm ngàn vạn Tam-muội và Đà-la-ni nhiều như biển.”- Từ điển Phật giáo Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, tr.1081.

Sư tử Đại Việt hiện còn đến nay như ta thấy ở chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng, chùa Thầy, chùa Phật Tích, chùa Thông… Tuy ít ỏi nhưng đều là những báu vật di sản còn sót lại sau 20 năm đô hộ giặc Minh. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hôm nay, chính sự đặc sắc của văn hóa mỗi dân tộc đã góp phần làm nên sự đa dạng sinh quyển văn hóa nhân loại, tạo dựng vị thế cho hình ảnh quốc gia.

Kiên quyết không tiếp nhận hiện vật không phù hợp vào di tích

Văn phòng Bộ VHTTDL vừa ban hành Thông báo kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại cuộc họp ngày 4/8/2014. Theo đó Bộ trưởng chỉ đạo: Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chỉ đạo Cục Di sản văn hóa phối hợp với Thanh tra Bộ, Báo Văn Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn; thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương kiên quyết không tiếp nhận hiện vật không phù hợp vào di tích.

Lâm Sơn


* Ảnh do Nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế cung cấp

Theo Nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế
Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm