27/11/2018 06:51 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ việc tại lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vừa được cơ quan điều tra địa phương ra quyết định khởi tố.
Vì lý do một học sinh “nói tục” ngoài sân trường, giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy đã bắt 23 học sinh trong lớp tát vào má em đủ… 230 cái – trước khi chính cô tát cái cuối cùng. Kết quả: học sinh này phải nhập viện.
Sự phẫn nộ với cô giáo Thủy, cũng như sự thương cảm dành cho em học sinh trong câu chuyện – đó là những cảm xúc đang tràn ngập từ không gian mạng đến cộng đồng.
Thế nhưng bên cạnh hai “nhân vật chính” ấy, câu chuyện đáng buồn này vẫn còn những nhân vật dường như bị bỏ quên: 23 học sinh còn lại trong lớp.
“Dường như” bị bỏ quên, bởi cũng đã có những ý kiến nhắc tới các em với sự bất bình – khi mỗi học sinh trong số này đều vâng lời cô giáo và tát vào má bạn 10 lần.
Những ý kiến ấy đặt câu hỏi: Tại sao tất cả các em không nhận thức được hình phạt của cô giáo là phản giáo dục? Hay các em biết điều đó nhưng không dám phản kháng yêu cầu của cô giáo? Chả lẽ trong số 23 học sinh, không một em nào dám giơ tay, nói: "Thưa cô, em không thể tát vào mặt bạn của mình được".
Theo cách nhìn đó, 23 học sinh trường Duy Ninh đã không làm được một điều mà người lớn luôn dạy các em: lên tiếng trước cái xấu.
***
Nếu là phụ huynh của một trong số 23 học sinh ấy, chúng ta tất nhiên sẽ không thể hào hứng với hành động và thái độ của con mình. Nhưng để nghĩ một cách bao dung hơn, các em vẫn cần có những lời biện hộ.
Tôi không muốn nói rằng các em mới học lớp 6 và chưa thể phân biệt được phải trái như người lớn. Bởi, ở độ tuổi 11, rất nhiều người trong số chúng ta đã đủ tỉnh táo để cảm thấy đau đớn và hoảng sợ, khi một người bạn cùng tuổi bị hành hạ trước mặt mình.
Điều đáng nói ở đây: các em chưa được chuẩn bị kĩ càng, và thiếu hẳn những cơ chế hỗ trợ, để có một sự phản kháng như vậy.
Dám cãi lời cô giáo, nói rằng những điều cô đang làm là sai – đó vẫn là một đòi hỏi quá lớn với các học sinh trong cách giáo dục bây giờ.Trong đầu óc non trẻ của các em, ai dám nghĩ, mình có thể nói vậy mà không nhận về sự bực bội ngấm ngầm của cô giáo, để rồi trở thành nạn nhân tiếp theo trong một lần vô tình… phạm lỗi nào đó?
Và thậm chí, không cần phải chờ tới lần phạm lỗi sau này. Như lời tường thuật, trong số 23 học sinh của lớp có một trường hợp là em họ của học sinh phạm lỗi. Thương anh, học sinh này tát nhẹ, nhưng bị cô giáo yêu cầu mạnh tay, nếu không sẽ bị… tát ngược lại 10 lần. Kết quả: em học sinh đáng thương này vừa tát anh, vừa khóc nức nở.
Bởi thế, trong một chừng mực nào đó, các em cũng là những nạn nhân bị bạo hành tâm lý, khi phải thúc đẩy phải trực tiếp tham gia vào việc hành hạ một người khác- vốn không xa lạ với mình.
Còn xét về khía cạnh phân tâm học, giáo viên chủ nhiệm đã trực tiếp “gieo mầm bạo lực” vào các học sinh sắp bước vào lứa tuổi dậy thì, nơi dư chấn và lệch lạc tâm lý có nguy cơ rất lớn. Rõ ràng, cô giáo ấy không tiên liệu hết những hậu quả tâm lý và hành vi có thể xảy ra giữa các em, khi câu chuyện xảy ra.
Rất đáng suy nghĩ, khi 24 học sinh lại trở thành nạn nhân của một hành động bạo lực đầy tính nhục mạ, với động cơ được thủ phạm diễn giải là “quá bị áp lực về thành tích yếu kém của lớp.”
Có thể chỉ là lời biện hộ, nhưng một lần nữa, chúng ta lại phải than với nhau: “bệnh thành tích” cuối cùng vẫn là nguồn cơn của mọi căn bệnh trong giáo dục.
Sơn Tùng – Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất