Tập trung giải bài toán ngập cục bộ cho đảo Phú Quốc

18/08/2019 07:34 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 1 - 9/8/2019, mưa lớn “kỷ lục” bất ngờ ập đến và kéo dài đã gây ngập nặng cục bộ trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

VIDEO: TP.HCM xây 6 hồ điều tiết chống ngập

VIDEO: TP.HCM xây 6 hồ điều tiết chống ngập

Đầu năm 2019 thành phố sẽ triển khai xây dựng 6 hồ điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản, để điều tiết lượng nước mưa, giúp giảm ngập lụt trên địa bàn.

Thiên tai xảy ra, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Quốc. Trước diễn biến của biển đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng phức tạp, huyện đảo Phú Quốc triển khai thực hiện nhiều phương án, các giải pháp đồng bộ ứng phó thích hợp và hiệu quả, nhất là tập trung giải quyết vấn đề ngập cục bộ có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo UBND huyện Phú Quốc, tổng lượng mưa trên đảo từ ngày 1 - 9/8/2019 đạt 1.170 mm (trong khi tổng lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc chỉ là 2.800 mm) đã gây ngập nặng cục bộ một số khu vực như: Thị trấn Dương Đông, khu vực Bến Tràm, Cây Thông Trong, đường dọc Bãi Trường… Tổng thiệt hại tài sản do mưa lớn, ngập lũ gây ra khoảng 107 tỷ đồng, không thiệt hại về người.

Mưa lớn “lạ thường” diễn ra bất ngờ, ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn lại rơi vào thời điểm nước biển đang dâng cao (1 - 1,6 m) nên việc thoát nước từ sông, suối ra biển chậm; gió mùa Tây Nam thổi mạnh khác thường, sóng biển cao cản trở lưu lượng nước thoát của các cửa sông ra biển dẫn đến ngập lũ cục bộ một số nơi.

Tiếp đến, hệ thống thoát nước nội ô thị trấn Dương Đông xây dựng từ năm 2003, quy mô đầu tư thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt, chưa phát triển nhanh như hiện nay về dân cư, khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư… Do đó, hệ thống thoát nước quá tải và làm thay đổi hiện trạng ao, hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp. Một số điểm bị san lấp, tôn nền, xây dựng kè làm hẹp dòng chảy một số đoạn suối là những nguyên nhân làm giảm lưu lượng thoát nước về các nhánh sông ra biển. Khu vực Bãi Trường do các dự án xây dựng chưa hoàn thiện, việc đấu nối với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ gây ra ngập cục bộ một số nơi.

Chú thích ảnh
Các tuyến đường ở Phú Quốc đang ngập nặng và nước chảy xiết. Ảnh: E.X

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh: “Tỉnh Kiên Giang nói chung và huyện Phú Quốc nói riêng đang nỗ lực quyết liệt thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, quy hoạch chung đảo Phú Quốc là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ của vùng, có vị trí quan trọng về mặt an ninh và quốc phòng. Tỉnh hướng đến từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Thiên tai bất ngờ ập đến vừa qua là bài học để huyện hoàn thiện quy hoạch và đưa ra các phương án, giải pháp ứng phó hữu hiệu mà trước mắt là tập trung giải quyết ngập cục bộ cho đảo có thể xảy ra trong thời gian tới”.

Theo đó, huyện Phú Quốc nhanh chóng rà soát lại tất cả các điểm, khu vực bị ngập nước vừa qua và có thể bị ngập trong thời gian tới tập trung mở các đường thoát, khơi thông dòng chảy; tăng cường quản lý nhà nước về các dòng sông, con suối, kênh rạch, ao hồ trên đảo; động viên những hộ dân xây cất lấn chiếm sông, suối… làm cản trở dòng chảy tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, kết hợp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Cùng với đó, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, huyện sẽ kiến nghị các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học đánh giá về tình hình thời tiết, tần suất mưa, gió, triều cường, khí hậu cực đoan… tác động, ảnh hưởng đến đảo Phú Quốc. Từ đó đưa ra những kịch bản, phương án và giải pháp ứng phó để bổ sung, điều chỉnh vào quy hoạch phát triển Phú Quốc và triển khai thực hiện hạ tầng phù hợp, hiệu quả.

Huyện Phú Quốc kiến nghị tỉnh khảo sát lại toàn bộ các công trình để có phương án đầu tư, nâng cấp, cải tạo lại hệ thống thoát nước trên đảo; nghiên cứu, nâng cấp hệ thống thoát nước nội ô thị trấn Dương Đông và các khu vực bị ngập cục bộ phù hợp với tốc độ phát triển hiện nay; xây dựng kè lấn chiếm rạch Ông Trì, rạch Somaco, sông Dương Đông…; sớm triển khai đầu tư hồ điều tiết nước cho khu vực thị trấn Dương Đông.

“Trong năm nay, Phú Quốc khởi công xây dựng đường quanh đảo sát biển Nam - Bắc Bãi Trường dài 12 km và công viên bờ biển diện tích 100 ha khu vực Bãi Trường, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là không gian bờ biển cho nhân dân trên đảo và khách du lịch, không bê tông hóa bờ biển. Thiên tai vừa qua là một vấn nạn của người dân Phú Quốc, huyện vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư chung tay cùng địa phương đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tập trung giải quyết vấn đề ngập cục bộ có thể xảy ra trong thời gian tới.” - Ông Mai Văn Huỳnh cho hay.

Giải bài toán ngập cục bộ và ứng phó với biến đổi khí hậu trên đảo Phú Quốc, Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết: “Trước mắt, kiên quyết khơi thông lại các con sông, suối tự nhiên theo hiện trạng ban đầu, tạo dòng chảy thông thoáng tại các cửa sông ra biển. Sở phối hợp với ngành chức năng và huyện Phú Quốc làm việc với các nhà đầu tư phải thực hiện ngay hệ thống thoát nước cho dự án, công trình đang thi công, sắp khởi công và đấu nối vào hệ thống thoát nước khu vực, không chờ xây xong phần kiến trúc mới làm hạ tầng. Sở tham mưu lập ngay bản đồ ngập trên đảo và cùng với lựa chọn kịch bản biến đổi khí hậu thích hợp nhất để có những phương án, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp ứng phó đưa vào trong quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc sắp tới và triển khai thực hiện. Lập quy hoạch 1/500 khu đô thị Dương Đông, An Thới, Cửa Cạn… để xác định rõ hệ thống hạ tầng thoát nước như: đường ống, đường cống, lưu vực, các vấn đề liên quan… khi hoàn thành các đô thị này sẽ tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Sở đề xuất làm những đường kênh hở bằng bê tông, đường xương cá từ đường trục dẫn ra biển, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa thoát nước khi có mưa, giảm chi phí đầu tư hạ tầng…”

Lê Huy Hải - TTXVN

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm