(Thethaovanhoa.vn) -
Ai là triệu phú, Ơn giời cậu đây rồi đã xuất hiện trong Gặp nhau cuối năm như một cứu cánh cho “format” buổi chầu thường niên, tới giờ đã bắt đầu nhàm.Format buổi chầu của “thiên đình” hàng năm vẫn là khúc dạo đầu do Nam Tào (NSƯT Xuân Bắc) và Bắc Đầu (NSƯT Công Lý) mở màn. Sau đó là màn tấu trình công việc một năm của các Táo. Những năm đầu nghe các Táo tấu trình những chuyện nổi cộm dưới “hạ giới” một cách hài hước quả thực rất đã, xem màn lươn lẹo, luồn cúi, chối tội của các Táo, nghe các ca khúc nhạc chế thật hấp dẫn. Nhưng sau 12 năm, vẫn một format ấy, dàn diễn viên đấy, khán giả đã quá thuộc vở. Sự bất ngờ, hấp dẫn đã không còn, tiếng cười chỉ còn là một thói quen.
Năm nào khán giả cũng chứng kiến các Táo lên chầu, cố gắng nâng cao thành tích, ra sức giảm nhẹ tội trạng trước mặt Ngọc Hoàng. Màn chót Ngọc Hoàng “lên lớp” cho các Táo, để một năm sau, các Táo lại diễn đúng màn như vậy. Cho dù mục đích của vở là để phản ánh những chuyện “thời sự” chưa tốt trong năm qua dưới lăng kính hài hước. Nhưng hãy nghĩ xem, ai có thể cười mãi với một thiên đình đầy bê bối, và không có gì tiến bộ, thay đổi.
Hài kịch vẫn luôn có sức hấp dẫn, đặc biệt là hài châm biếm, đả kích sâu cay thì càng được ưa chuộng. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nếu năm nào cũng sử dụng hài kịch châm biếm, lấy đối tượng là các vấn đề nổi cộm trong cuộc sống hàng ngày… sẽ dẫn đến nhàm chán. Chất liệu cuộc sống thì ngồn ngộn, nhưng sử dụng chất liệu ấy như thế nào để đem tới sự tươi mới lại là vấn đề của
Táo Quân – chương trình đã có thâm niên 12 năm. Năm nào các Táo cũng chỉ có mỗi việc trình báo, chỉ trích lẫn nhau, và sau đó là huề cả làng. Bản thân khán giả năm nào cũng phải cười cái sự đau lòng, cười đi cười lại hàng năm, mà không thấy thay đổi sẽ cảm thấy thế nào?
Sự châm biếm của
Gặp nhau cuối năm – Táo quân năm nay không hẳn là không hay bằng các năm trước. Như mọi năm, năm nay các Táo vẫn nói ra một vấn đề thời sự, dùng ngôn ngữ hài để châm biếm, hay nói chính xác là chê bai. Và sự châm biếm năm nay dường như đã đi quá xa khi nhắm vào đích danh một cá nhân, là anh chàng có nick name Lệ Rơi – một “hiện tượng” trong năm 2014. Chương trình hoàn toàn có thể châm biếm về “thành công” ngược đời của Lệ Rơi, về cái cách xã hội truyền thông đã đưa nhân vật này trở thành hiện tượng. Chương trình không nên nhại lại điệu bộ, giọng hát của anh chàng này như một người tội nghiệp, đáng chê trách. Sự chỉ trích dành cho Lệ Rơi đã dư thừa trong năm qua, không cần đến cả một chương trình lớn như Táo Quân. Đó là chưa kể, Lệ Rơi chỉ là một người yêu thích ca hát đơn thuần trong xã hội internet.
Việc các Táo năm nay thi
Ai là trợ lý (nhái
Ai là triệu phú), sau đó là
Ơn giời các Táo đây rồi đã phần nào khỏa lấp thời lượng cho chương trình, ít nhiều “chống ngán”. Và “gia vị” miền Nam là danh hài Việt Hương và Chí Tài là điểm sáng của chương trình. Dù theo kịch bản Táo Hỏa (Quang Thắng) bị quăng vào chương trình
Ơn giời các Táo đây rồi, bị Việt Hương và Chí Tài thử thách, nhưng xem chừng không ăn nhập mấy với tổng thể chương trình. Tiết mục kịch này hoàn toàn có thể đứng độc lập và là một tiết mục hay.
Năm nay
Táo Quân đã phải nhờ game show “cứu viện”, nhưng về lâu về dài nên bàn tới việc thay đổi format là vừa.
Ngọc Diệp