24/08/2021 09:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 “đóng băng” phần lớn các hoạt động xã hội, nhưng nhiều người chủ động tìm kiếm cách thức giải toả stress, mang lại những giá trị tích cực cho bản thân, cộng đồng…
Khi TP. HCM rồi đến nhiều tỉnh khác của miền Nam bước vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đời sống xã hội theo đó có phần biến động. Phần lớn người lao động làm việc tại nhà, số còn lại thất nghiệp vì công ty, doanh nghiệp đóng cửa. Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã được nhắc đến khá nhiều, nhưng ở góc độ khác có không ít người nhận ra họ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực ra sao.
Người người đua nhau thành “masterchef”
Nếu nhịp sống bận rộn, hối hả trước đây khiến nhiều người không có thời gian cho việc bếp núc, thì khoảng thời gian giãn cách giúp họ tìm thấy đam mê trong việc nấu nướng. Nhiều phụ nữ lẫn đàn ông bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho bếp ăn gia đình, nhờ đó họ phát hiện tay nghề nấu nướng của bản thân được cải thiện đáng kể.
Chị Thuỷ Tiên, một kỹ sư hoá học sống ở quận 12, chia sẻ: “Hồi trước tôi xong việc ở cơ quan đã mệt nhừ nên không còn sức đâu để lê vào bếp, phần lớn là ăn cơm tiệm cho nhanh gọn. Nhưng từ ngày giãn cách, hàng quán đóng cửa nên tôi tập thói quen nấu nướng. Tuần đầu tiên người nhà khá miễn cưỡng khi ăn các món tôi nấu. Nhưng giờ tôi có thể tự tin nói rằng mình nấu không thua kém bất kỳ ai”.
Vốn là nội trợ của gia đình, chị Nhật My không gặp trở ngại khi nhu cầu ăn uống của chồng con nhiều hơn ngày thường. Chị hào hứng kể về các món ăn mới lạ mỗi ngày, đồng thời khoe thêm “tay nghề mới” là làm bánh. “Tôi có khá nhiều thời gian rảnh nên theo dõi các kênh YouTube để làm bánh. Tôi có thể làm được bánh mì, bánh su kem, bông lan trứng muối, kem chuối, trà sữa… để 2 con không ngán”, chị kể.
Không chỉ ngon mà còn phải đẹp, đó là tiêu chí của anh Đắc Thọ mỗi khi vào bếp. Anh chia sẻ bản thân vốn cầu toàn nên anh thích bày trí đẹp mắt để các thành viên trong gia đình thích thú trong mỗi bữa ăn. Từ các món “đặc sản” của Việt Nam cơm tấm, nui bò bánh cuốn, bột chiên, thịt kho tàu đến bánh gạo nếp Hàn Quốc, teokkbokki, canh đậu tương…đều được anh trình bày cầu kỳ, đẹp mắt.
Nhiều người hài hước nói rằng sau dịch họ có thể mở nhà hàng, quán ăn để cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng.
Gần gũi với thiên nhiên, chuyển hướng “tự cung tự cấp”
Vì việc đi chợ, siêu thị bất tiện nên nhiều người còn nghĩ cách “tự cung tự cấp”. Gia đình chị Ngọc Anh tận dụng mảnh đất trên sân thượng để trồng giá, sả, hành. “Những nguyên liệu này giờ khá khan hiếm nên bố tôi trồng luôn để mẹ đỡ vất vả ra ngoài tìm kiếm”, chị khoe.
Chị Nhật My còn đầu tư các loại giống của cải xanh, cải ngọt, cải thìa để cung cấp rau xanh mà không cần phải đi chợ. Chị kể thời gian đầu khá vất vả mày mò nhưng trong quá trình chứng kiến mầm sống đâm chồi, chị rất thích thú.
Chị My chia sẻ: “Tôi tưới nước và quan sát cách chúng lớn lên mỗi ngày. Tôi cũng dạy cho các con về cách canh tác, bọn trẻ rất thích thú khi có cả mảnh vườn nhỏ trong nhà. Việc này còn giúp tôi được thư giãn, có niềm vui thích trong những ngày tháng nhọc nhằn”.
Anh Minh lại còn đầu tư các loại hoa để sân thượng bắt mắt hơn. Anh kể vì vợ yêu thích việc cắm hoa nhưng mùa dịch đặt hoa rất khó khăn nên anh tìm mua giống và tự trồng.
“Vợ tôi ngày nào cũng lên sân thượng để xem cây nở bông chưa. Những cánh hoa xinh tươi không chỉ giúp căn phòng thơm ngát mà nó như xoa dịu không khí hiu hắt của Sài Gòn những lúc này”, anh nói thêm.
Ngoài việc tự trồng rau trên sân thượng, chị Thuỳ Đan còn tận dụng mọi rác thải hữu cơ để ủ phân vi sinh, dùng dầu thừa tự làm xà phòng. Chị còn dùng các nguyên liệu dễ tạo enzym làm nước rửa bát, nước gội đầu. “Dù có mất chút thời gian, công sức nhưng gia đình tôi có thể tự chủ động, tiết kiệm và các sản phẩm đều là hữu cơ”, chị hào hứng chia sẻ.
Bữa cơm gia đình đầm ấm, cánh đàn ông bỏ nhậu nhẹt, con cái phụ giúp mẹ nấu nướng
Khoảng thời gian này các gia đình ăn cơm ngày 3 bữa cùng nhau. Điều mà nhiều bà vợ hiếm thấy ở các ông chồng trước kia. Bởi sau mỗi giờ tan tầm, cánh đàn ông không thường bù khú, nhậu nhẹt với bạn bè. Nhưng giờ đây, họ dành phần lớn thời gian cho vợ con, bữa cơm nhờ vậy cũng ấm cúng hơn.
Chị Minh Hà cho biết từ ngày giãn cách, chị không phải đau đầu trong việc chờ chồng về mỗi ngày khi hàng quán đóng cửa. “Ông xã tôi vẫn nhậu với bạn bè nhưng là qua… màn hình điện thoại. Bữa cơm đông đủ nên mọi người cũng thấy vui vẻ hơn ngày thường. Gia đình tôi còn chuyển hướng tự cắt tóc, nhìn buồn cười nhưng ai nấy cũng đều thích thú”, chị kể.
Không chỉ vậy, các bà mẹ còn dạy con cái cách chia sẻ trách nhiệm trong việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Chị Mai Thi cho biết: “Vì các con có nhiều thời gian nên tôi hướng dẫn làm việc nhà từ việc quét dọn phòng, phụ giúp mẹ nhặt rau, dọn đồ ăn. Ngày nào tụi nhỏ cũng cãi nhau tưng bừng nhưng nhờ vậy không khí náo nhiệt nên thấy ấm cúng hơn. Bình yên dưới mái nhà là điều hạnh phúc nhất với tôi lúc này”.
Với anh Tâm, nhìn thấy gia đình sum vầy khiến anh hài lòng hơn lúc nào. Anh cho biết trước đây do tính chất công việc, anh thường gặp gỡ khách hàng, đối tác sau giờ làm nên rất hiếm hoi ăn cơm cùng vợ con. “Điều này khiến gia đình tôi buồn phiền rất nhiều, nhưng thật khó để thu xếp công việc. Nên khoảng thời gian giãn cách là cơ hội để tôi bù đắp cho vợ con. Ngày nào tôi cũng vào bếp phụ vợ nấu nướng và dọn dẹp để cô ấy có thời gian làm những việc khác. Tụi nhỏ cũng vui vẻ, cười nói nhiều hơn khi có ba và mẹ trên bàn ăn”, anh tâm sự.
Không những vậy, nhịp sống trong mùa giãn cách như tái hiện thời bao cấp như giấy đi chợ, phiếu đi đường, lịch công tác. Rất nhiều người trẻ lưu giữ phiếu đi chợ để làm minh chứng cho thế hệ này.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ |
An Nhiên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất