Ai tạo ra tiền lệ để HV.An Giang dọa bỏ giải

24/04/2014 14:04 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - HV.An Giang đang bỏ ngỏ khả năng sẽ không tiếp tục cuộc chơi hao tiền tốn của V-League 2014 nữa, vì nhiều lý do khách và chủ quan. Nếu điều này xảy ra, cũng chẳng khiến ai phải bất ngờ. Song, vấn đề lớn nhất sẽ thuộc về BTC giải đấu, VPF, khi họ đã không thể ngăn được hiệu ứng bỏ giải.

Tiền lệ (nếu có), suy cho cùng cũng là do con người tạo ra. Vậy tiền lệ bỏ ngang các giải đấu cao nhất xứ sở, là do ai tạo ra?!

1. Rất khó để điểm lại, đội bóng nào đi đầu trong việc giải thể, giải tán và bỏ ngang giải đấu trong lịch sử mấy mươi năm giải vô địch quốc gia được thành lập kể từ sau giải phóng. Ngay ở kỷ nguyên V-League tuổi 14, việc sáp nhập, sang nhượng và giải thể, cũng diễn ra liên miên, rất khó lường. Chung quy đến thời điểm này, có thể coi việc Đường sắt Việt Nam và Hàng không Việt Nam, là những người đầu tiên nói lời chia tay giải VĐQG.

Thật chẳng có nơi nào trên thế giới khi các đội bóng có thể dễ dàng nói lời chia tay giải đấu, mà không phải đắn đo với bất cứ sự chế tài nào của BTC giải. Chuyện đóng tiền thế chân quá nhỏ so với kinh phí đầu tư cho đội bóng chơi chuyên nghiệp. Không thể chiều theo mọi yêu cầu của CLB, nhưng rõ ràng BTC (VPF) và cao hơn là VFF, đã không kích thích sự ham muốn tham gia cuộc chơi của các doanh nghiệp, cũng như địa phương, một cách tự nguyện. Đấy là bản chất vấn đề!
Hàng không Việt Nam sau khi tiếp nhận Công an Hà Nội đã trở thành LG.ACB.Hà Nội, rồi HN.ACB; Cùng với Ngân hàng Đông Á-Thép Pomina (tiền thân là Công an TP.HCM), Thép Miền Nam-Cảng Sài Gòn, Navibank Sài Gòn (mua lại suất chơi của QK4), XMXT.Sài Gòn, K.Kiên Giang, K.Khánh Hòa…, đều không còn tồn tại.

“Tại sao lại có quá nhiều đội bóng Việt Nam giải thể vậy? Từ các CLB thuộc ngành Công an, Hải Quan, đến Quân đội… Và ở kỷ nguyên lên chuyên, đến lượt HP.Hà Nội, K.Khánh Hòa, N.Sài Gòn, XMXT.Sài Gòn, K.Kiên Giang và sắp tới có thể là HV.An Giang… Tôi có cảm giác như BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang bất lực trong việc đối phó với hiện tượng này”, Frank van Eijs, cựu cầu thủ LG.ACB.Hà Nội, đặt vấn đề với người viết.

Van Eijs từng có thời gian chơi bóng chuyên nghiệp ở Việt Nam trong màu áo HN.ACB, sau khi đã kinh qua các giải đấu hạng cao nhất của Bỉ, Scotland, Đức và Trung Quốc…, nên hẳn anh đã có đủ trải nghiệm. “Tôi thắc mắc là, các ông chủ CLB Việt Nam đã và đang theo đuổi điều gì, nếu không phải tình yêu với quả bóng tròn?! Thích thì chơi, không thích thì nghỉ, chẳng nơi nào trên thế giới lại thế cả. Nhưng tại sao BTC các giải đấu không sẵn những chế tài?”, Van Eijs tiếp lời.

2. Rất khó để giải thích với một người nước ngoài như Frank van Eijs, dù sau khi giải nghệ, anh đã có không dưới 10 năm ăn cơm Việt, với tư cách là đại diện cho hàng loạt các ngôi sao cỡ Gaston Merlo hay Molina. Nhưng câu hỏi, ở Việt Nam có bao nhiêu người làm bóng đá vì tiền, vì mưu đồ, thay vì tình yêu của cựu cầu thủ LG.ACB.Hà Nội, khiến chúng tôi phải giật mình. “Ngay cả các ông chủ đội bóng, họ đến với bóng đá không hẳn là vì tình yêu”, Van Eijs nhận định.

Trở lại với câu chuyện của V.Ninh Bình và sắp tới có thể là HV.An Giang bỏ giải, thực ra cũng không khác mấy so với các trường hợp của HP.Hà Nội, HN.ACB hay K.Kiên Giang. BTC các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm xử lý với các trường hợp tương tự, nhưng tại sao và như thế nào, họ vẫn vừa chạy vừa xếp hàng, cùng bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp luôn phải sửa đổi, bổ sung?!

Cũng theo chia sẻ của Van Eijs, một nhà môi giới có thâm niên và đang hoạt động tại các thị trường Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, việc VPF mời ông trưởng giải Tanaka Koji không phải là phép tính khôn ngoan. “Ông Tanaka, theo tôi biết, chỉ có sự hiểu biết rất hạn chế về bóng đá Việt Nam. Ông ấy thậm chí không thể đưa ra được giải pháp, trong trường hợp V.Ninh Bình bỏ giải. Tanaka chỉ đưa ra những lời khuyên và ở cương vị trưởng giải V-League, thế là không đủ”, Van Eijs nói.

Theo phát biểu của Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn, ngay cả khi HV.An Giang bỏ cuộc chơi, thì V-League 2014 vẫn sẽ có 1/2 suất xuống hạng, điều kiện cần để giải đấu còn sức cạnh tranh và nó không bị biến thành giải giao hữu, tập huấn. Nhưng, điều đó không thể giải quyết triệt để vấn đề, nếu chẳng may sẽ có thêm vài cái tên khác bỏ giải. “Còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu”, chỉ là một cách nói an phận thủ thường và nó hoàn toàn không mang tính xây dựng.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm