27/08/2022 06:54 GMT+7
Chắc chẳng ai nghĩ, ngày xưa cánh đồng là cái tủ thức ăn cho cả làng cả nước. Sống qua 60 - 70 năm tôi mới nhận ra điều đó. Thức ăn đồ uống có thể kể đủ ra đây.
Đó là hạt gạo trên ruộng, con lươn, con cua, con ếch đào hay xây hang ở chân bờ ruộng. Mương nước, ao chuôm có từ con rô, con giếc, con trê, con đòng đong cân cấn, tép mại đến con cà cuống,bắp cày, cà niễng. Con hến lẩn sâu trong cát lòng mương, con trai, con trạch nằm dưới lớp bùn sâu. Con trùng trục vùi mình trong bùn cát.
Trên bờ và trong màu xanh lúa có muồm muỗm, cào cào, châu chấu, chẳng thiếu thức gì. Đó là chưa kể đến sông suối với đủ loài thủy tộc quềnh quàng như xã hội loài người, cũng đông đàn dài lũ như ai.
Còn thức uống thì cây nhân trần ven bờ, cây vối bên ao đìa, bờ mương ngòi... Cái tủ thức ăn kì diệu ấy đầy thức ăn tươi sống, mùa nào thức ấy, không ôi, không thiu thối. Thiên nhiên kì diệu thay!
Thế là con người kiếm sống tìm cách thu lượm, dần thành đủ thứ nghề. Cuộc sống nông thôn tưởng đơn giản vậy mà nhiều nghề lắm. Cày thuê, cấy mướn cũng thành nghề và xưa đánh giậm cũng là một nghề, từ kiếm sống mà thành.
Đó là thời sông hồ đầm phá mương nước ê hề. Những vùng chiêm trũng như Hà Nam, người ta vẫn bảo sống ngâm da, chết ngâm xương, nước luôn ngập trắng. Cả châu thổ Bắc bộ nói chung cho đến Hà Nội nói riêng, hồ ao không đếm xuể...Những vùng sông nước như vậy thì đánh bắt thủy tộc là việc thoải mái. Lúc ấy, ao hồ, đầm phá là của chung, ai có nhu cầu đánh bắt thì cứ việc!
Nghề đánh giậm bắt con cá, con tôm, con cua hình thành dụng cụ đánh bắt là cái giậm. Chính xác là một bộ ba gồm: Giậm, ống mõ và cái giỏ có hom!
Giậm đan bằng nan tre cật chuốt mỏng. Nhìn nó giống hình nửa chiếc bánh dày, nhưng đường kính phải trên mét rưỡi. Trông to nhưng nhẹ! Hai bên mép giậm đặt hai vỉ mỏng để khi con cá vào giậm muốn thoát ra mép thì bị chặn lại.
Ống mõ bằng khúc tre già có tay cầm uốn bằng dây song, có tác dụng tạo ra tiếng động để xua cá về phía miệng giậm.
Những tưởng cuộc sống cứ thế mãi. Nào ngờ chỉ mấy chục năm tăng dân số, ao hồ bị lấp cho địa ốc phát triển. Đến bây giờ thì nghề đánh giậm đã thất truyền vì còn đâu ao đìa đầm phá để mà quăng giậm! Phần bị san lấp thành nhà cao ngất ngư, phần còn giữ lại thì có chủ. Cố lắm thì chỉ được vào mua chỗ ngồi câu.
Hôm ngồi với ông lão sửa xe Cầu Gỗ. Nhân nói về nghề đánh giậm và việc mất ao hồ ở Hà Nội, ông lão hóm hỉnh bảo: - Nghề đánh giậm không mất đâu chú. Nghề đó giờ có truyền nhân rồi đó? - Ai vậy? - Còn ai nữa! Xưa nghèo thì đánh giậm bắt con tôm, con tép. Bây giờ thì là loại quan chức mất phẩm chất từ bé đến to tham nhũng, quăng giậm vào đủ mọi chỗ. Các ngành nghề, từ đất đai đến chính sách, khoa học kĩ thuật, đến cả làm từ thiện cũng bị “quăng giậm”. Đội ngũ “giậm thủ” giờ đông lắm ở đủ mọi ngành nghề, phát triển ngoạn mục dù nó chỉ là phái sinh của nghề đánh giậm chân chính khi xưa...
Tôi chỉ còn biết há mồm à à ngồi nghe mà không tham gia được một lời nào!
Ôi nghề đánh giậm!
Bài và tranh minh họa Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất