Tản văn Cuối tuần: Đọc văn

18/12/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Có lần tôi đã bỏ công đi phỏng vấn vài chục người, từ bác sửa xe đạp đến bà hàng khô, chủ tiệm hoặc những người lao động chân tay khác thì phát hiện ra, lượng người biết đọc văn quá thấp, chưa đến 10%.

Tản văn cuối tuần: Cái cò

Tản văn cuối tuần: Cái cò

Trong các loại chim sống gần xóm làng, chỉ có con cò vào ca dao nhiều nhất, không kể nó từng lên trống đồng và thành hình tượng trang trí trong kiến trúc nữa.

Phần lớn đọc văn như đọc báo, chỉ thu thập tin tức, lượm tí lớp vỏ ngoài. Cái sâu lắng của văn chương ít người nhận ra. Đó là cái tác giả gửi gắm, mà từ cái đó thấm được vào tâm hồn người đọc, nâng tầm văn hóa để con người đứng vững trước cuộc đời.

Nghe rất mơ hồ và khó hiểu. Nhưng cũng giống như xem tranh, bạn thử đặt câu hỏi rồi tự trả lời tác giả sao viết thế, họa sĩ sao vẽ thế, rồi sau những câu trả lời sẽ dần nhận ra sau lớp vỏ kia nó là cái gì.

Tất nhiên để đọc được văn, xem được tranh thấu đáo, người xem phải có chút “vốn đối ứng”, đó là kiến thức cuộc sống nó giúp cho năng lực nhận biết, thẩm thấu được những gì mình đọc.

***

Tuy vậy, văn chương cũng có nhiều cung bậc. Giống như những món ăn cho người có từ rau cỏ đến thịt thà, cá mú và trên nữa là cao lương mỹ vị. Ai hợp vị món nào thì món đó ngon. Cũng như trẻ cấp 1 thì cho rằng cộng, trừ, nhân, chia là nhất của toán học, nó không thể thích hàm số, lượng giác…

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Cho nên một tác phẩm nghệ thuật được khen tận trời, bị chê tận đáy cũng không là chuyện lạ. Bỏ ngoài sự đố kị ra, thì góc nhìn của người xem được thẩm định qua tầm văn hóa. Nên được khen chớ vội mừng, bị chê chớ vội lo. Bản lĩnh của người làm nghệ thuật là lắng nghe và phân tích, và trên nhất là tin ở mình. Sản phẩm mình tạo ra, mình không tin thì hỏi sao thiên hạ tin mình được?

Trên mạng xã hội, nhiều bạn đọc bài viết xong, comment (bình luận) bằng “icon” (biểu tượng) mặt buồn. Vâng, đấy chỉ là xúc động nhất thời. Thực ra cuộc sống giống như viên kim cương đa diện, đa sắc màu. Lại cũng giống như cây củ, chẳng có cây nào thẳng tắp không mấu sẹo sần sùi. Chẳng có củ quả nào tròn vo nhẵn thín. Sự va đập trong thiên nhiên và tác động của con người và động vật, thời tiết, ngay củ quả cũng biến dạng và to nhỏ khác nhau. Đấu tranh để tồn tại thì chuyện sứt mẻ là đương nhiên.

Khoai tây, khoai lang người trồng thì đánh luống, củ nằm nổi, giật gốc là bung ra. Củ mài sống tự nhiên thì chui sâu trong lòng đất thẳng đứng sau hàng mét. Nếu không thế thì loài giống nó chắc đâu tồn tại. Con rúi chỉ sống ở vùng có giang nứa để gặm rễ, cây lau chỉ có thể sống sát khe lạch trên rừng vì không chịu được hạn, nhưng cây đế thì leo lên đỉnh đồi chường trong nắng lửa…

Không thể kể hết về đời sống và thói quen muôn loài. Nhưng tự chúng biết tuân thủ quy luật để tồn tại, và luôn tuân thủđúng chỗ, vì khi không đúng chỗ thì không sống nổi. Điều đó có vẻ gì như khác với con người. Không phải đâu, con người khôn ranh mưu mẹo cũng chỉ để kéo dài đời sống ngắn ngủi tham lam của mình. Nhưng trái quy luật thì sớm muộn cũng lụi!

Chuyện văn chương rãi ra mà bàn thì rối rắm vô cùng, tạm bới ra vài cọng rơm như thế!

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm