15/10/2022 07:04 GMT+7
Bây giờ nhớ lại những ngày bé ở trên quê, tôi mới nhận ra đồng đất nơi mình sống quý đến chừng nào. Thì ra cánh đồng là cái tủ thức ăn trời dành cho tất cả mọi người. Nhưng sao đời sống người dân vẫn bần hàn? Vấn đề ở chỗ không phải ai cũng biết mở cái tủ đó để lấy thức ăn.
Nào có xa xôi gì, 80 năm trước thôi, người dân hầu hết mù chữ. Bình dân học vụ thoát mù, đã đọc được chữ nhưng mới chỉ là abc thôi, nào đã biết gì đến khoa học kĩ thuật. Cấy lúa bao năm, mà rồi có anh kĩ thuật ở đâu về xui cấy dày đầy bồ, thế là răm rắp làm theo, cây mạ cắm xuống thành mạ trau, vì dày sít, chẳng có thức ăn lấy đâu phát dục làm đòng. Mất mùa chẳng dám oán thán ai, lại lặng lẽ trở về cách làm ăn truyền thống. Dông dài vài dòng để thấy chúng ta vừa thoát cái đói chỉ một hai thế hệ nay thôi, đừng quá vội mừng. Bây giờ hàng đống quan tham khôn lỏi gặm nhấm ngân sách vào tù chẳng qua vẫn từ cái gốc ngu dốt đói kém một thời phát tác thành bệnh tham ăn, dù có chữ mà vẫn quên đồng loại.
Trở lại câu chuyện cánh đồng là tủ thức ăn ngày xưa. Hệ thống mương máng ngoằn ngoèo, được tự nhiên tạo thành trên cơ sở nước chảy chỗ trũng chỗ sâu chỗ nông rộng hẹp khác nhau, có nhiều cá tép như rô, trê, giếc, lươn, trạch,ốc, tôm, mài mại, cá cờ, đòng đong, cân cấn, cà niễng, cà cuống... Tôi chăn trâu đem theo ống giun làm mồi với cái cần câu nhỏ, chỉ câu tranh thủ, mà cuối buổi lùa trâu về cũng kiếm được trên dưới một cân cá rô, trê, giếc, mà nhiều người trong xóm chẳng ai biết làm! Bắc cơm lên bếp, mẹ bảo chị ra bờ mương đãi hến. Chỉ nửa giờ đã kiếm được hàng cân hến về luộc lấy nước nấu canh bầu.
Muốn ăn canh cua, mẹ dặn một câu là xách giỏ ra đồng thọc hang, chỉ non nửa buổi đã đầy giỏ. Cà chua, cái bắp, su hào, rau diếp,… nhà nào cũng có một vườn, tự cấp tự túc, chẳng phải mua đâu, mà cũng chẳng có tiền để mua. Cái tủ thức ăn tươi sống trời cho to hơn trăm lần cái tủ lạnh chạy điện trong nhà, mà an toàn cho mọi nhà.
Người Giáy có câu thành ngữ thoảng nghe tưởng ngu ngơ mà vô cùng sâu sắc với người trồng lúa: “Cơm ở ruộng, cá ở sông”. Câu thành ngữ đó khái quát khá đầy đủ tình hình đất nước cách đây trên nửa thế kỷ.
Nhưng bây giờ cái tủ thức ăn đó đang hỏng dần, thức ăn mất dần khi con người “khôn” ra, tìm mọi cách đục khoét thiên nhiên bừa bãi, mạnh ai nấy ăn không lường hậu quả. Từ những ý tưởng chủ quan duy ý chí áp đặt cải tạo thiên nhiên không khoa học thành phá. Miền núi cũng bờ vùng bờ thửa, mương máng bê tông mà canh tác vẫn như cũ, nào có sản xuất lớn kĩ thuật mới gì mà mương nước thì mất, cá tép không còn môi trường sinh sống. Mất rừng sông suối cạn, đánh bắt vô lương tâm: dùng từ thuốc độc đến sung điện thì hỏi còn gì? Cua cá và các loài thủy tộc trong tự nhiên mất dần cả ở sông suối. Dù việc truy bức thiên nhiên đó chỉ một số người, cũng như đám quan tham cũng chỉ một phần nhưng cũng đủ tàn phá khủng khiếp trên mọi lĩnh vực... Cả hai lực lượng ở hai vế khác nhau cùng đồng hành khác gì “song kiếm hợp bích”, làm cho cái tủ thức ăn của xã hội sẽ tan nát dần.
Xưa không biết tận dụng hết thiên nhiên, thành nghèo khó đi một nhẽ. Ngày nay khôn róc quá thì lại vét voi, vắt kiệt thiên nhiên. Cả hai đều thái quá. Hỏi bao giờ lấy lại cân bằng thiên nhiên và những con người hư hỏng bao giờ tử tế lại... Đó là câu hỏi của cuộc sống đặt ra cho mỗi chúng ta cùng có trách nhiệm trả lời. Thời gian còn xa không?
Họa sĩ Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất