Tản văn Cuối tuần: Bà khoèo kéo mảng ở bến Xuân

25/02/2023 06:44 GMT+7 | Văn hoá

Lúc ấy, trường tiểu học (cấp 1) ở xã  Phú Minh (Thái Nguyên), đi ngược cách nhà ba bốn cây số. Hàng ngày tôi dậy từ 5 giờ sáng, đi trong sương mờ để kịp 7 giờ vào lớp. Đường gần đến trường bị dòng sông Công cắt ngang. Chỗ đó gọi là bến Xuân.

Mùa Đông nước cạn lội được qua ngầm. Nước lạnh buốt. Chân bị nẻ thì xót như xát muối. Mùa Hè, nước đầy thì trèo lên mảng bà Khoèo để bà đưa qua sông. Bà Khoèo kéo mảng bằng một tay, còn cái tay bị tật kia chỉ vắt hờ  lên dây chỉ để giữ thăng bằng.

Cái tay bị khoèo thành tên của bà. Tất cả người đi chợ qua mảng bà đều quen gọi bà bằng cái tên ấy. Bà cũng thấy là đương nhiên, ai gọi cũng thưa.

Tàn tật, nhưng bà lại là người duy nhất cai quản cái bến nước đưa người qua sông bằng mảng nứa. Việc bà làm để kiếm sống, nhưng lại cũng như việc làm phúc chứ thu vài hào của người qua sông chẳng đáng là bao. Ngày vài người thì cũng chỉ đủ tiền mua rau cỏ.

Thời ấy dân thưa thớt, cả buổi may ra mới có dăm người qua đường. Chợ phiên thì đông hơn, nhưng 5 ngày mới có một phiên. Cái dây tam cố tết bằng sợi gai giăng nối hai bờ neo giữ mảng rất đáng ngờ về  mặt an toàn. Nhưng lúc ấy chỉ có thế, biết làm sao.

***

Mấy nămh học tiểu học phải đi qua bến Xuân, tôi chưa nghe nói mảng bị lật lần nào. Không có người chết cũng bởi những ngày con lũ to bà neo mảng, dứt khoát không chở người qua sông. Bà bảo mạng người là quí nhất,  không thể liều.

Tản văn Cuối tuần: Bà khoèo kéo mảng ở bến Xuân - Ảnh 1.

Bọn nhóc chúng tôi đi mảng của bà không mất tiền. Không có quy định, nhưng bà chỉ thu tiền của người lớn thôi. Còn chúng tôi thì bà bảo chúng mày đã làm gì ra tiền mà thu. Con người lúc ấy sao nhân hậu thế.

Bến Xuân nước lặng nhưng sâu. Chỉ đục ngầu vào ngày mưa lũ. Nhìn dòng nước lặng tờ xanh ngắt, đôi lúc có con xoáy nhỏ mơ hồ như cái khoáy trên lưng trâu chạy lừ lừ trên mặt nước mà thấy e ngại. Nó huyền bí như mắt thủy thần. Người ta bảo bến  Xuân vài năm lại chết đuối một người. Có lúc do lật mảng, cũng có lúc ma nó lôi, cứ từ từ đi xuống sông chìm dần. Hay bị nhất vào lúc trời xâm  xẩm tối. Nghe bảo đó là "ma lam" bắt. "Ma lam" luôn muốn có người bầu bạn quanh nó. Thuở nhỏ, chúng tôi  luôn phải đối mặt với nỗi sợ mơ hồ như thế mỗi khi qua bến Xuân, nơi không có đường tránh.

                                                                         ***

Bà Khoèo có một mình. Chẳng ai biết tông tích bà. Tên thật của bà chắc chỉ họ hàng bà biết. Bọn trẻ con chúng tôi thì chỉ cần biết ngắn, biết tên bà là được rồi, không đứa nào tò mò tìm hiểu thêm. Bây giờ, sau 70 năm tôi không thể hình dung ra hình ảnh bà. Tất cả trí nhớ đã mòn vẹt về số không, chỉ cái biệt danh của bà lại dính tịt trong đầu.

Mấy năm tiểu học qua bến Xuân đi mảng miễn phí mà đám trẻ con chúng tôi chẳng đứa nào biết cảm ơn bà lấy một lần. Có ai dạy đâu mà biết! Hình như bà cũng chẳng cần lời cảm ơn. Bà đưa chúng tôi qua sông như trách nhiệm, còn chúng tôi ngồi lên mảng của bà như lẽ đương nhiên. Bà như cây cầu, tự nhiên phải phục vụ nhu cầu qua sông của bọn học trò chúng tôi!

                                                                        ***

Hết cấp một, lên cấp hai, tôi về trường phố huyện, từ đấy không có dịp nào trở lại bến Xuân. Rồi xong cấp 3, rời nhà đi học trường chuyên nghiệp thì vĩnh viễn xa bến nước đó.

Hôm nay đường lên xã Phú Minh to rộng đi xe con được. Tôi không nhận ra vị trí bến Xuân nữa. Dấu vết xưa bị thời gian xói mòn tất cả. Tôi nhìn sông xưa giờ chỉ còn những doi cát nổi, nước róc rách như khe đát. Chẳng cần cầu, chỉ bước chân cũng qua được. Lòng bâng khuâng nhớ bến Xuân xưa, nhớ bà Khoèo thân hình nhỏ bé, vẹo vọ nhưng có tấm lòng bồ tát. Tôi cảm thấy như bà còn đâu đây, chẳng qua giờ sông cạn nước nông không cần người kéo mảng nên bà không ra bến nữa.

Bài và tranh minh họa: họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm