Chân dung người thay ông Ban Ki-moon: 'Tổng thư ký mạnh mẽ mà Liên hợp quốc cần'

07/10/2016 07:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres 67 tuổi đã được chọn làm người thay thế Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sắp hết nhiệm kỳ. Ông Guterres sẽ đảm nhiệm cương vị này trong một bối cảnh không hề dễ dàng: Thế giới hứng chịu hậu quả thảm khốc của khủng bố, khủng hoảng di cư và cuộc chiến ở Syria đang lâm vào bế tắc.

Ứng cử viên phù hợp nhất

Sáng 5/10 (giờ Mỹ), 15 thành viên Hội đồng Bảo an đã tổ chức phiên thăm dò ý kiến lần thứ 6 để quyết định ai là người lãnh đạo tương lai của Liên hợp quốc. 13 quốc gia ủng hộ ông Guterres và không quốc gia nào phản đối. Ngày 6/10, Hội đồng Bảo an tổ chức bỏ phiếu chính thức để lựa chọn ông Guterres, sau đó đề xuất sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng cùng ngày. Ngày 1/1/2017 tới, ông Guterres sẽ chính thức kế nhiệm ông Ban Ki-moon.

Viết trên trang Twitter cá nhân, ông Guterres bày tỏ niềm vinh dự và hạnh phúc khi được tín nhiệm. Ông Matthew Rycroft, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc cho biết rất vui mừng trước kết quả và khẳng định ông Guterres “đúng là vị tổng thư ký mạnh mẽ mà Liên hợp quốc cần”.


Ông Guterres được kỳ vọng lớn trên cương vị mới

Để trở thành người đứng đầu Liên hợp quốc, ông Guterres đã trải qua một quy trình bầu chọn công khai, minh bạch hơn bao giờ hết trong lịch sử 70 năm của Liên hợp quốc. 13 ứng cử viên đã phải nộp đề xuất chi tiết về công việc của mình và trình bày kế hoạch trước Đại Hội đồng. Sau nhiều vòng thăm dò ý kiến, cuối cùng ông Guterres đã trở thành người được chọn, chứ không phải một phụ nữ như những hi vọng, đồn đoán ban đầu.

Một nửa trong số 10 ứng cử viên còn trụ được đến vòng bỏ phiếu hôm 5/10 là phụ nữ nhưng không ai hội đủ sự ủng hộ của toàn bộ các thành viên Hội đồng Bảo an. Ứng cử viên đứng sau ông Guterres, là Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak, cũng chỉ giành được 7 phiếu ủng hộ, còn lại 6 phiếu phản đối, trong đó có hai phiếu đến từ các thành viên thường trực có quyền phủ quyết.

Trên cương vị cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn suốt 10 năm, ông Guterres đã thể hiện mình hội đủ các tiêu chí mà giới ngoại giao đặt ra để trở thành người lãnh đạo Liên hợp quốc trong thời kỳ khó khăn: cá tính mạnh mẽ, có uy tín và khả năng huy động, truyền cảm hứng cho lãnh đạo thế giới. Nhiều nhà ngoại giao hi vọng rằng với kinh nghiệm khi nắm giữ những vị trí hàng đầu cả trong chính phủ và Liên hợp quốc, ông Guterres sẽ có thể khôi phục phần nào uy tín bị mất của Liên hợp quốc.

Ưu tiên vấn đề người tị nạn

Dưới góc nhìn của cộng đồng quốc tế, vì đã là người phụ trách vấn đề tị nạn của Liên hợp quốc suốt chục năm, ông Guterres chắc chắn là lựa chọn phù hợp nhất cho vị trí tổng thư ký trong bối cảnh thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.


Ông Guterres thăm người tị nạn

Dù vậy, ngoài giới chính trị gia quốc tế, người thường hầu như ít biết tới ông Guterres. Sinh ra ở Lisbon năm 1949, ông Guterres học ngành kỹ thuật và vật lý tại trường Instituto Superior Técnico sau đó nghiên cứu học thuật. Tuy nhiên, công việc này chỉ giữ chân ông Guterres được vài năm. Ông gia nhập đảng Xã hội năm 1974 và trở thành một chính trị gia.

Năm 1995, ba năm sau khi được bầu làm Tổng Thư ký đảng Xã hội, ông Guterres được bầu làm Thủ tướng Bồ Đào Nha và giữ cương vị này tới năm 2002. Lên nắm quyền trong bối cảnh Bồ Đào Nha có tỷ lệ nghiện ngập gia tăng đáng báo động. Trên cương vị thủ tướng, ông đã giúp giảm tỷ lệ nghiện xuống mức thấp hơn 5 lần so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Số ca nhiễm HIV mới hàng năm cũng đã giảm 95%.

Sau đó, ông Guterres đã vươn ra tầm thế giới. Nhờ nói thông thạo nhiều ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha và Pháp, ông Guterres được thế giới ngoại giao quốc tế chú ý, trở thành cao ủy người tị nạn của Liên hợp quốc năm 2005.

Dưới sự dẫn dắt của ông Guterres, số lượng nhân viên làm việc trong văn phòng chính tại Geneva bị cắt giảm. Nhiều người đã được huy động tới các điểm nóng để tăng cường năng lực phản ứng với khủng hoảng quốc tế.

Ông Guterres có hai người con trong cuộc hôn nhân đầu tiên. Sau khi vợ ông qua đời vì ung thư năm 1998, ông đã tái hôn năm 2001.

Tuy nhiên, điều khiến người ta nhớ nhất về ông là nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình đấu tranh để các nước giàu có phải làm nhiều hơn cho những người phải chạy trốn xung đột, thảm họa khắp thế giới. Ông từng viết trên tạp chí Time năm 2015: “Chúng ta không thể ngăn cản mọi người chạy trốn để giữ mạng sống. Họ sẽ tới. Lựa chọn chúng ta có là chúng ta quản lý dòng người đến này như thế nào và nhân đạo ra sao”.

Trong thời gian qua, Liên hợp quốc đã bị chỉ trích vì bất lực trong giải quyết các cuộc xung đột lớn như ở Syria và Yemen cũng như cuộc khủng hoảng di cư. Ước tính có 34.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày và con số người tị nạn hiện nay lên tới 21,3 triệu người, trong đó một nửa là trẻ em. Ông Guterres đã từng nói ông sẽ coi việc ngăn chặn khủng hoảng tị nạn là một ưu tiên của Liên hợp quốc.

Khi vạch kế hoạch hành động, ông nói: “Chúng ta cần tăng cường ngoại giao vì hòa bình. Cộng đồng quốc tế cần dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn nhiều để quản lý các cuộc khủng hoảng thay vì ngăn chặn chúng. Một tổng thư ký phải tiếp tục tìm cách giảm số lượng các cuộc xung đột và do đó giảm số lượng nạn nhân”.

Ông Guterres viết rằng Liên hợp quốc có vị thế đặc biệt để kết nối và vượt qua những thức thách nhưng cần phải thay đổi và cải cách cơ quan này. Ông nói: “Những người cần được bảo vệ đang không được bảo vệ đầy đủ. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ, trẻ em là một ưu tiên tuyệt đối. Chúng ta phải đảm bảo rằng khi ai đó nhìn thấy lá cờ xanh, người đó có thể nói ‘Tôi được bảo vệ’”.

Theo Thùy Dương - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm