11/09/2019 19:51 GMT+7 | Văn hoá
Sáng 11/9, tại Hà Nội, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo khoa học “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, đây là dịp để các nhà quản lý lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các nghệ sĩ, nhà quản lý, đại diện các cơ quan đơn vị hoạt động trong ngành biểu diễn nghệ thuật để thống nhất các giải pháp cho phù hợp tình hình mới.
Trong đó, có thể đặt ra mảng công việc cần ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; giải pháp về nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ văn hóa về biểu diễn nghệ thuật đến nhân dân đáp ứng xu hướng thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ trong biểu diễn nghệ thuật của nước ta và hội nhập quốc tế.
Các ý kiến tại hội thảo đã làm rõ nhiều nhóm vấn đề, trọng tâm là: Tác động, thuận lợi, thách thức khi ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật; Ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sáng tạo, phổ biến, lưu trữ phù hợp với xu hướng thay đổi phương thức hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật của nhân dân, vấn đề thương mại điện tử, quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật; Đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trong xu hướng cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Có thể thấy rằng, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện rất phong phú, đa dạng và rất khó khăn trong công tác quản lý. Trong xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh của các ứng dụng công nghệ đặc biệt là các công nghệ trên nền tảng internet thì mọi hoạt động lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật có tác động gần như tức thời đến đời sống văn hóa, xã hội.
Với PGS.TS. Trần Trí Trắc, nội dung của nghệ thuật sân khấu nói chung bao giờ cũng hướng tới sáng tạo hình tượng con người. Con người là trung tâm, là đối tượng cơ bản của nghệ sĩ phản ánh, sáng tạo tác phẩm. Nghĩa là, các nghệ sĩ không bao giờ đưa nghệ thuật sân khấu thành một dạng công nghệ 4.0 mà phải sáng tạo, biến công nghệ 4.0 thành công cụ cho nghệ sĩ để làm nên những hình tượng con người ở thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 chân thực.
PGS.TS Phạm Duy Khuê cho rằng cần biết tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực từ âm nhạc, xiếc, sân khấu truyền thống, sân khấu đương đại… theo đúng quy luật của nó, nói cách khác, phải biến kỹ thuật thành nghệ thuật. Khi chúng ta am hiểu và thông thuộc những quy luật mới có thể nhào nặn ra các ngôn ngữ mới nhằm phục vụ kịp thời sự phát triển của xã hội hiện nay.
Từ thực tiễn, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng việc áp dụng công nghệ trong nghệ thuật xiếc sẽ tạo nên "sản phẩm nghệ thuật" độc đáo, việc làm mới về kỹ thuật biểu diễn đối với một tiết mục xiếc là rất khó khăn, để nâng cao một động tác kỹ thuật xiếc cũng phải mất hàng năm, vì vậy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sân khấu, ánh sáng, hình ảnh và thiết kế đạo cụ là vô cùng quan trọng để hấp dẫn khi xây dựng một chương trình nghệ thuật xiếc mới, đặc biệt là đối với các màn biểu diễn ảo thuật sẽ trở nên kỳ bí với những biến hóa trên sân khấu nhờ sự tương tác với màn hình, điều khiển thiết bị bằng sóng điện tử...
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn tham mưu, xây dựng kế hoạch ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Xây dựng chính sách, giải pháp đột phá để phát triển ngành. Trước hết xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối ngành. Các đơn vị nghệ thuật xây dựng sản phẩm thiết thực phù hợp với lĩnh vực haojt động mà đơn vị đang quản lý...
Thứ trưởng nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phải dựa trên nền tảng nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế, phù hợp với từng loại hình nghệ thuật biểu diễn, chú trọng đến bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn cần lựa chọn, có chính sách đặc thù trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực biểu diễn, tập huấn việc ứng dụng công nghệ đối với nhân lực nghệ thuật cho các cơ quan quản lý, các nhà hát, các nghệ sĩ...
Nguồn: Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất