Chuyện sử dụng cầu thủ trẻ: Hãy học ngay từ Arsenal

23/01/2015 06:42 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Chính sách sử dụng “lúa non” đang khiến HA.GL đối mặt với những khó khăn lớn khi họ phải đối mặt với sự khắc nghiệt của đấu trường V-League. Thực tế, hiếm có một đội bóng nào “liều” đến mức bê nguyên một lứa trẻ lên đá ở hạng cao nhất của giải VĐQG như họ.

Các tài năng trẻ cần được dìu dắt bởi những đàn anh giàu kinh nghiệm và tránh phải đối mặt với những áp lực lớn như vậy. Arsenal, đội bóng mà HA.GL đã liên kết để mở Học viện JMG, chính là một tấm gương về chăm bẵm và phát triển tài năng trẻ. Nếu phải học hỏi kinh nghiệm, có lẽ bầu Đức và HLV Guillaume Graechen nên tham khảo ngay từ HLV Arsene Wenger.

Cesc Fabregas có lẽ là tài năng trẻ hiếm hoi được HLV Arsene Wenger trọng dụng ngay từ khi còn rất trẻ. Ngay mùa giải đầu tiên tại Arsenal (2004-05), khi mới 17 tuổi, anh đã được thi đấu tới 41 trận. Nhưng trong những năm đầu tiên ấy, anh hoàn toàn không phải lãnh trách nhiệm dẫn dắt tuyến giữa của cả một đội bóng như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng. Bên cạnh Cesc còn có một Lehmann đầy kinh nghiệm, một Patrick Vieira vững chãi, một Pires hào hoa, và một Thierry Henry ở đỉnh cao sự nghiệp.  

Arsenal không thiếu tài năng trẻ, nhưng HLV Wenger thừa tỉnh táo để không quá vội vàng trao cho họ những trách nhiệm mà lại thiếu những người “kèm cặp”. Khi mua một ngôi sao trẻ, hoặc đôn một tài năng từ đội trẻ lên, Wenger cũng hiếm khi đặt ngay cho họ áp lực phải thể hiện ở Premier League hay Champions League.

Những gương mặt măng sữa này thường được trui rèn ở những giải Cúp, như Cúp Liên đoàn hay Cúp FA. Ít phải chịu sức ép và tràn đầy khát khao khi được ra sân, “những đứa trẻ của Wenger” thường gây ấn tượng rất mạnh ở các giải đấu Cúp ấy, và đó cũng là một tiền đề cho sự phát triển trong sự nghiệp của họ.

Sau khi Ashley Cole sang Chelsea, Clichy thay thế thành công nhờ 3 mùa liên tiếp dự bị cho đàn anh. Tương tự, sau khi Clichy sang Arsenal, Gibbs cũng đã chơi rất hay và thậm chí còn được coi như hậu vệ trái hay bậc nhất của đội tuyển Anh. Tương tự, là những Flamini, Alexander Song, và bây giờ là Francis Coquelin ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Coquelin là một minh chứng cho sự kiên nhẫn của Wenger. Được đôn lên đội 1 từ năm 17 tuổi, nhưng anh đã khởi đầu rất lận đận khi liên tục bị tống sang Lorient, Freiburg và Charlton trước khi gọi về vào giữa mùa giải này chỉ vì thiếu hụt nhân sự.

Nhưng tiền vệ người Pháp đã chớp thời cơ ấy để trở thành xương sống của đội suốt hơn 1 tháng qua. Và Wenger đã tưởng thưởng anh bằng một bản hợp đồng mới.

Tin tưởng nhưng không ảo tưởng, kiên nhẫn nhưng sẵn sàng nghiêm khắc, đó là bí quyết để Wenger giúp các học trò trẻ trưởng thành. Liệu bầu Đức có lĩnh hội ít nhiều từ triết lý ấy?

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm