Từ vụ khiếu nại CGV: 'Miếng bánh' 105 triệu USD có dễ chia?

21/05/2016 06:48 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/5, 8 đơn vị kinh doanh điện ảnh đã gửi đơn khiếu nại tới Hội Điện ảnh Việt Nam với nội dung: Công ty CJ CGV Việt Nam (viết tắt CGV) đang lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành trong nước.

Cụ thể, 8 đơn vị (gồm BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers, VAA) cho rằng CGV (hiện đang chiếm tới 40% số phòng chiếu ở Việt Nam) đã lạm dụng vị trí thống lĩnh và độc quyền thị trường để áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình.

Ăn nhiều “bánh” tạo ra nhiều ảnh hưởng

Theo nội dung đơn, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).

Ngoài ra, các đơn vị này cho rằng CGV đang tận dụng lợi thế để tăng thời lượng chiếu phim Hàn Quốc.

Nếu năm 2006 tổng doanh thu bán vé phim tại Việt Nam dưới 10 triệu USD thì năm 2015 đã 105 triệu USD, tăng hơn 10 lần. Có phải “miếng bánh phòng vé” đang nảy nở này đã sinh ra mâu thuẫn, khiếu nại về ăn chia?


Sức tăng trưởng mạnh về hệ thống rạp chiếu và cách chia tỷ lệ doanh thu của CGV đang gây lo lắng cho nhiều đơn vị khác

Giả dụ việc khiếu nại này hoàn toàn chính đáng, tỷ lệ ăn chia được cân đối thành 50/50, thì phim Việt sẽ hết chịu lệ thuộc vào sức mạnh của CGV và nước ngoài?

Sẽ không hề có chuyện đó, bởi CGV đang có 32 cụm rạp, còn Lotte Cinema (cũng của Hàn Quốc) có 26 cụm, chừng 4-5 năm nữa thôi, họ sẽ có đến 100 cụm tại Việt Nam, sức chi phối còn lớn hơn rất nhiều. Đây là chưa nói nguồn vốn, chiến lược kinh doanh và kinh nghiệm thương trường quốc tế của CGV và Lotte Cinema mạnh hơn, cán cân cạnh tranh đương nhiên sẽ nghiêng về phía họ.

Nói qua cũng phải nói lại, chính các doanh nghiệp Việt Nam như Galaxy Studio, BHD… có lịch sử hình thành trước CGV và Lotte Cinema, nhưng họ đã không tận dụng được lợi thế “sân nhà”, lợi thế thời gian, cho đến nay mỗi đơn vị chỉ gầy dựng được 6 cụm rạp. Giả dụ những đơn vị như CGV và Lotte Cinema chưa vào Việt Nam, liệu những đơn vị nội địa còn lại có tạo ra được doanh thu 105 triệu USD như năm 2015 không? Nếu có, thì bao giờ?

Nếu tính đổ đồng tiền vé rạp nào cũng như rạp nấy, việc CGV chiếm 40% số phòng chiếu ở Việt Nam thì có thể chiếm đến 40% về mặt doanh thu. Đúng là ai ăn được nhiều phần “bánh” thì người đó sẽ tạo ra được nhiều ảnh hưởng.

Những ngày qua, các phân tích của giới luật sư cho thấy CGV đang ở thế “trên cơ”. Nếu đưa vụ này ra tòa, chưa chắc bên khiếu nại đã có nhiều cơ hội chiến thắng.

Cần chính sách bảo hộ điện ảnh nội

Lá đơn của 8 đơn vị nêu trên ngoài gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam và nhiều nơi khác như Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ VH,TT&DL (Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác quốc tế), Bộ Công thương (Cục Cạnh tranh), Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Sở VH&TT Hà Nội, Sở VH&TT TP.HCM… Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa có phát ngôn chính thức hoặc cách xử lý cụ thể (tính đến 18h ngày 20/5/2016).

Trao đổi với Thể thao &Văn hóa (TTXVN), một thành viên của Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam tỏ ra không lạc quan về vụ việc này.

Bị 8 đơn vị điện ảnh Việt Nam khiếu nại, 'khủng long' CGV nói gì?

Bị 8 đơn vị điện ảnh Việt Nam khiếu nại, 'khủng long' CGV nói gì?

Hôm 12/5, 8 đơn vị điện ảnh của Việt Nam, trong đó có cả liên doanh với nước ngoài đã cùng gửi đơn đến Hội Điện ảnh Việt Nam khiếu nại về hoạt động của CGV đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành trong nước.


“Đúng là các nhà sản xuất và phát hành phim ở Việt Nam đang bị chèn ép khi cố gắng đưa phim Việt vào hệ thống rạp CGV. Nhưng cũng phải chấp nhận thôi vì cơ chế thị trường mà, họ có rạp, họ có quyền” – thành viên này nói - “Mặt khác chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế chất lượng phim Việt còn yếu, những phim tốt bị chèn ép ngoài rạp thì đáng lên án thật, nhưng có những phim yếu không thể yêu cầu họ phải xếp cho nhiều suất chiếu, và giờ vàng. Hiệp hội cũng đang rất đau đầu về vấn đề này”

Thành viên này nói thêm: “Chúng tôi đều cảm thấy không thoải mái khi hoạt động chính trên đất nước mình mà bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép. Nhưng cũng phải chịu vì họ đang hoạt động đúng theo cơ chế thị trường. Đây là vấn đề vĩ mô, cần có sự tham gia của nhà nước thì may ra mới giải quyết được”, người này nói.

Liên hệ với Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Xuân Hải chia sẻ quan điểm với Thể thao & Văn hóa: “Chúng tôi sẽ sớm gửi thư tới CGV. Thiết nghĩ các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam đã được chính phủ Việt Nam tạo nhiều ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế, họ cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ ngược lại với nước sở tại.

Quan trọng hơn là Việt Nam phải có chính sách bảo hộ nền điện ảnh nội địa. Ít nhất phải có hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu phim ngoại, phát triển phim nội. Phải yêu cầu các đơn vị nhập khẩu phim ngoại đóng góp thuế, bù lại để phát triển điện ảnh nội, tìm cách tăng tỷ lệ rạp chiếu trong nước...”.

Ngọc Diệp - Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm