27/10/2014 10:26 GMT+7
Nó hoàn toàn khác so với trí tưởng tượng được dẫn dắt bởi phim ảnh vốn hay lấy New York với khu Manhattan toàn các tòa nhà chọc trời làm bối cảnh.
Washington D.C là một trong khá nhiều thành phố ở Mỹ mà một phần của nó được xây trong rừng, hay được rừng bao bọc; một thành phố mà chỉ có những mái nhà từ thấp lè tè tới lưng lửng cao và rất xanh.
Nhưng đó không phải là những điều duy nhất ở Mỹ có thể đi ngược lại với suy luận hay thói quen thông thường.
Nếu như chúng ta ở trong những khu vực mà bước chân ra cửa gặp ngay quán ăn thì người Mỹ bước chân ra cửa là những thảm cỏ xanh và rộng như sân golf hoặc các sân chơi công cộng có đủ các phương tiện tập luyện cho từ trẻ em tới người già.
Nếu như chúng ta vẫn lấy hình ảnh ống khói nhà máy làm tiêu biểu cho đất nước công nghiệp phát triển thì đó lại là sự lựa chọn sai lầm với Mỹ, vì đôi khi phải đi cả ngàn dặm mới thấy một nhà máy nằm bên đường cao tốc.
Mỹ là đất nước của tự do (chí ít là như sách vở vẫn nói), của những hộp đêm nơi các vũ nữ thoát y ngự trị, nhưng không phải ở bang nào luật cũng cho phép thoát y hoàn toàn, và mại dâm không phải là nghề hợp pháp.
Hay lối sống thoáng ở Mỹ lại không đồng nghĩa với việc cởi mở chấp nhận hôn nhân đồng tính, và cho đến nay các vụ kết hôn đồng giới được diễn ra ở nhiều bang phần lớn là do Tòa án Tối cao Liên bang định đoạt. Các giá trị đạo đức và nền tảng gia đình cốt lõi được đề cao nên chính bởi thế mà ngoại tình hay bạo lực gia đình thường phải trả những cái giá rất đắt mà trường hợp của cựu Tổng thống Bill Clinton là ngoại lệ hiếm hoi và đến nay vẫn gây ngạc nhiên với cả nhiều người Mỹ.
Mỹ, nơi thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm cao bậc nhất thế giới (hơn 50 ngàn USD/năm) tưởng phải là nơi có cuộc sống đắt đỏ, nhưng xăng giờ đây chỉ trên dưới 3 USD cho một gallon (khoảng 3,7 lít), giá thực phẩm nhiều nơi rẻ hơn nhiều nước châu Á, kể cả Việt Nam và được gọi là thiên đường mua sắm bởi hàng tốt giá rẻ và quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ tối đa.
Và với hàng loạt những điều đi ngược lại những phán đoán thông thường khác nữa, thì những “nghịch lý” trên kia vẫn thừa thãi để bù đắp cho nhược điểm nền y tế ở Mỹ không miễn phí như các nước phát triển ở châu Âu, nếu không muốn nói đắt nhất thế giới dù cho người Mỹ nộp thuế có khi lên tới 30% thu nhập.
Và nó giải thích vì sao dù người Mỹ từ bỏ quốc tịch Mỹ, từ năm 2012 đến 2013, tăng hơn gấp đôi (lên gần 1.800 người) thì nó cũng chỉ là số lẻ so với khoảng gần 900 ngàn người nhập quốc tịch Mỹ mỗi năm.
Tất nhiên, đó chỉ là một phần của những gì tôi đã nhìn thấy và đã viết. Một nước Mỹ rộng lớn cần nhiều thời gian hơn nữa và đi nhiều hơn nữa để tìm hiểu và trải nghiệm.
Còn bây giờ, trước khi hy vọng sẽ lại có một dịp khác kể chuyện nước Mỹ thì tôi xin trân trọng cảm ơn anh chị đã đọc thư hay chuyện của tôi dù chỉ một hai lần hay suốt ba năm qua.
Xin tạm biệt nước Mỹ!
Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất