(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ với vài phút truy cập các phương tiện truyền thông xã hội hay quan sát những vị khách du lịch chụp ảnh, rất dễ dàng để nhận thấy dường như giới trẻ châu Á đang bị mê hoặc bởi kí hiệu ngón tay hình chữ V.
“V” (tượng trưng cho “Victory” – chiến thắng hoặc biểu tượng hòa bình) là kí hiệu được tạo nên từ ngón tay trỏ và ngón tay giữa, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Đây là một hình ảnh rất quen thuộc, dường như đã trở thành phản xạ tự nhiên của người châu Á khi chào hỏi, đặc biệt khi chụp ảnh.
Theo tạp chí lứng danh Time, động tác này như đã ăn sâu vào những nền văn hóa nổi tiếng như Bắc Kinh, Osaka hay Đài Bắc. Trên thực tế, lần đầu tiên “V” xuất hiện trở lại là vào những năm 60 của thế kỷ trước, tuy nhiên, nó chỉ thực sự trở nên phổ biến và “được sử dụng” rộng rãi vào cuối những năm 1980.
Kí hiệu "V" quen thuộc khi chụp ảnh của giới trẻ châu Á.
Time cho hay, một số người đưa ra giả thuyết “V” bắt đầu nhen nhóm từ sự kiện Janet Lynn, một vận động viên trượt băng nghệ thuật người Mỹ, để vuột mất huy chương vàng trong Thế vận hội năm 1972 tại Nhật Bản khi niềm hi vọng 18 tuổi của Mỹ bị ngã trong lúc đang biểu diễn. Huy chương vàng đã biến mất. Janet biết điều đó và cả Nhật Bản cũng biết điều đó. Tuy nhiên, thay vì thất vọng và buồn bã, cô gái tóc vàng chỉ mỉm cười dù không giành chiến thắng. Hành động của Janet đã khiến nhiều hâm mộ Nhật Bản nể phục, ngưỡng mộ và dành cho cô rất nhiều tình cảm.
"Hôm sau, tôi đi đến bất cứ đâu cũng có nhiều người nhìn mình. Cảm giác giống như là một ngôi sao nhạc rock khi mọi người cố gắng bắt tay tôi", Lynn, cuối cùng ra về với một huy chương đồng, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Nghệ sĩ trượt băng nghệ thuật nổi tiếng của Mỹ Janet Lynn.
Tại Nhật Bản, Lynn đã trở thành cảm hứng lớn cho các phương tiện truyền thông và nhận được hàng ngàn bức thư của người hâm mộ. Trong những dịp trở lại xứ phù tang để tận hưởng những đợt du lịch sau kì Thế vận hội, Janet Lynn thường xuyên chụp hình và giơ kí hiệu “V”. Động tác của Janet đã nhanh chóng gây “sốt”, được lan truyền với tốc độ chóng mặt và trở thành một hiện tượng văn hóa ở đất nước mặt trời mọc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng “V” bắt đầu xuất hiện trong cuốn truyện tranh về bóng chày năm 1968 Kyojin no Hoshi (Star of the Giants), trong đó, nhân vật chính có cãi nhau với cha mình và cảm thấy vô cùng áp lực. Tuy nhiên trong một trận đấu lớn, anh đã nhận được sự cổ vũ ngầm của cha mình khi ông giơ kí hiệu “V” để động viên con trai.
Truyện tranh bóng chày của Nhật Bản "Kyojin no Hoshi".
Về sau, Sain wa V! (V Is the Sign), một bộ truyện tranh khác về bóng chuyền được ra đời và cũng có sự xuất hiện của kí hiệu “V”. Tác phẩm này được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình và ca khúc nhạc phim có tựa đề "VICTORY!" đã nhanh chóng lan truyền và thu hút sự chú ý lớn của người hâm mộ.
Mặc dù Lynn cũng như các bộ truyện tranh được đánh giá là có ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng rộng rãi của “V”. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều cho rằng kí hiệu này chỉ thực sự trở thành trào lưu khi Jun Inoue, thành viên ban nhạc nổi tiếng Nhật Bản Spiders sử dụng “V” trong khi quay quảng cáo cho Konica.
"Tại Nhật Bản, tôi thấy Jun Inoue chính là lời giải thích cho nguồn gốc của kí hiệu này. Tôi nghĩ thực tế, đây là một minh chứng cho sức mạnh của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình trong thời hậu chiến”, Giáo sư Đại học Tokyo Jason Karlin, một chuyên gia về văn hóa phương tiện truyền thông Nhật Bản nói với Time.
Phim truyền hình được chuyển thể từ bộ truyện tranh "Sain wa V!".
Với việc hàng loạt máy ảnh ra đời cũng như sự gia tăng đột biến trên các tạp chí dành cho phụ nữ và trẻ em gái trong những năm 1980, kawaii - nền văn hóa lấy hình ảnh bề ngoài dựa trên sự dễ thương – đã nở rộ. Đột nhiên, phụ nữ chụp ảnh nhiều hơn và những bức ảnh được chia sẻ cũng ngày một nhiều. Vì thế mà kí hiệu “V” cũng xuất hiện ngày càng dày đặc giống như trào lưu chụp ảnh “duck face” (chu môi) ngập tràn Instagram hay Facebook. "Kí hiệu “V” đã và đang là xu hướng làm cho khuôn mặt của con gái nhỏ và dễ thương hơn mỗi khi chụp hình", Giáo sư Karlin cho hay.
Laura Miller, một giáo sư nghiên cứu Nhật Bản và nhân chủng học tại Đại học Missouri (St Louis, bang Missouri, Mỹ) cũng nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong việc đẩy xa trào lưu của “V” trong các bức ảnh vào năm 1970. "Giống như rất nhiều góc độ khác trong văn hóa Nhật Bản, những người sáng tạo ở Nhật thường là những phụ nữ trẻ, nhưng họ lại hiếm khi được công nhận là người đổi mới văn hóa", Laura viết trong một email gửi Time.
Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc văn hóa "gây bão" mang tên kí hiệu "V".
Khi văn hóa nhạc pop Nhật Bản bắt đầu lan rộng khắp khu vực Đông Á trong những năm 80 của thế kỷ trước (trước sự xuất hiện của K-pop trong thế kỷ này), “V” đã “đổ bộ” sang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc, nơi mà nhiều người nhầm tưởng quân đội Mỹ chính là người sáng tạo ra “V” trong nhiều thập kỉ hiện diện tại đây.
Cho tới ngày nay, “V” đã xuất hiện ở khắp mọi nơi tại châu Á. Tuy nhiên, đa số những người sử dụng động tác này đều là những người trẻ. Một số người nói mình bắt chước người nổi tiếng, trong khi những người khác nói đó là một thói quen trong khi lúng túng. Đặc biệt, trẻ em còn thực hiện kí hiệu “V” như một phản xạ vô điều kiện mà không cần được người lớn dạy. "Cháu không biết tại sao", Imma Liu 4 tuổi, một em bé người Hồng Kông nói. Imma cũng nói rằng mình cảm thấy “rất vui" khi làm điều đó và quan trọng là em chỉ cần như vậy.
Dương Trần
Theo Time