Tranh cãi: V-League có thực sự ‘đuổi’ được Lee Nguyễn khỏi Việt Nam?

03/11/2014 15:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - V-League có thể bạo lực. V-League có thể đầy rẫy những bất công từ trọng tài. V-League có thể khiến nhiều cầu thủ phải sớm tàn sự nghiệp, không trên sân thì ngoài đời. Nhưng V-League có tệ đến mức một siêu sao như Lee Nguyễn cũng không thể thích ứng nổi?

Những con số không biết nói dối. Lee Nguyễn trở thành cầu thủ người Mỹ đầu tiên chơi cho HA.GL vào ngày 17/1/2009, và trong một mùa chơi cho đội bóng phố núi, anh ghi 9 bàn, kiến tạo 12 lần sau 24 trận, trong đó có không ít bàn thắng quan trọng, và cả những ‘siêu phẩm’, như những gì anh đang thể hiện trên đất Mỹ.

Việc anh buộc phải rời HA.GL được tiết lộ trên tờ Một Thế Giới cách đây một tháng: Sau khi từ chối yêu cầu thay người của HLV Kiatisak trong trận gặp Hòa Phát. HN ở V-League, Lee Nguyễn được yêu cầu công khai xin lỗi vì vô kỷ luật nhưng anh đã từ chối. Mâu thuẫn với Kiatisak đã khiến anh phải rời phố núi.

Đây hẳn không phải là “đặc sản” của V-League, bởi mâu thuẫn giữa HLV và cầu thủ thì ở đâu cũng có, và là một mối quan hệ riêng tư. Điều quan trọng là Lee chưa từng để nó ảnh hưởng đến phong độ trên sân cho đến khi anh quyết định chia tay HA.GL.

Mùa bóng duy nhất ở Becamex Bình Dương diễn ra trầm lắng hơn, nhưng đó cũng là quãng thời gian Lee phải nghỉ thi đấu nhiều vì dính chấn thương khá nặng. Đến đây dễ tạo liên tưởng đến lối chơi bạo lực của V-League, nhưng không phải.

Hai năm trước, Lee cũng từng dính một chấn thương vai rất nặng khi chơi cho New England Revolutions và phải nghỉ đá hết mùa giải năm đó. Chấn thương là rủi ro mà bất kỳ cầu thủ chuyên nghiệp nào cũng có thể mắc phải.


Lee Nguyễn không hạnh phúc với bóng đá Việt Nam.

Lý do rời Việt Nam của Lee Nguyễn là rất đơn giản và được chính người cha đồng thời là đại diện của anh, ông Nguyễn Văn Phẩm, tiết lộ: Lee Nguyễn muốn có cơ hội được chơi cho đội tuyển Mỹ và khi HLV Juergen Klinsmann lên nắm quyền đội tuyển vào năm 2011, thì tức là cánh cửa đã hé mở cho cầu thủ gốc Việt.

Chính tờ Boston Globe tiết lộ rằng Lee chọn Việt Nam để thi đấu vì 1) Lý do tài chính); và 2) Quan trọng hơn, năm 2007, HLV lúc đó của đội tuyển Mỹ là Bob Bradley đã kiên quyết nói không với anh.

Lee đến Mỹ vì một cơ hội thăng tiến tốt hơn trong nghề nghiệp, không phải vì anh không thể “chịu nổi nhiệt” ở V-League, cho dù chính anh cũng từng phàn nàn về bạo lực và trọng tài ở V-League.

Tại sao luôn là V-League?

Bản thân Lee Nguyễn cũng từng kể lại rằng chính quãng đường dài chông gai trước khi sang Mỹ đã tạo nên anh của ngày hôm nay: “Tôi luôn có áp lực phải thể hiện mình trong thời gian ở đó (Việt Nam). Tôi phải là người nỗ lực nhất trong phần lớn thời gian.

Điều đó thật sự mở mắt cho tôi, bởi tôi đã chơi ở châu Âu lẫn những CLB lớn và chỉ được các CĐV biết đến, chứ không phải trở thành trung tâm của những tay săn ảnh hay các bữa tiệc trải thảm đỏ. Tôi thật sự rất thích cuộc sống ở đó, nên chuyển đi khỏi Việt Nam là điều rất khó khăn” (Nói trên tờ Boston Globe cách đây một tháng).

V-League đang trở thành một “ông ngoáo ộp” của bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ U19 Việt Nam bị “dọa” rằng đừng hòng đá ở V-League. Chuyện cầu thủ trẻ Thái Sung không được trọng dụng cũng bị lấy lý do rằng ở V-League làm sao tài năng sinh tồn được. Cho đến chuyện Lee Nguyễn, một ngôi sao mà chúng ta đã thấy rằng có thể vươn đến đẳng cấp Thế giới, rời Việt Nam cũng bị “kết tội” vội vã là do V-League.

V-League tất nhiên là còn rất nhiều vấn đề và chúng ta có lẽ không cần phải nhắc lại nữa thì sự thật vẫn rành rành ở đó, chẳng chạy đi đâu cả.

Nhưng V-League, như đã nói ở trên, không khủng khiếp đến mức phải trở thành lý do để buộc một cầu thủ tài năng đặc biệt như Lee Nguyễn phải rời Việt Nam. Và có rất nhiều người đã, đang và (tất nhiên) sẽ khẳng định được tên tuổi ở V-League.




Lee Nguyễn chỉ thành công khi trở về MLS.

Người trở thành tay săn bàn xuất sắc nhất lịch sử V-League là một tiền đạo nội, Lê Công Vinh, và chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Rất nhiều cầu thủ nước ngoài đã được yêu mến và thành danh ở V-League, từ Kiatisak, Antonio Carlos, một ngôi sao từng dự World Cup là Nastja Ceh và tất nhiên, bao gồm là Lee Nguyễn.

Khi sang Mỹ chơi bóng, Lee Nguyễn cũng phải tự thích nghi với những đặc thù của bóng đá Mỹ: “Ở đây, các cầu thủ có thiên hướng cầm bóng và các trận đấu diễn ra với tốc độ cao hơn nhiều. Các cầu thủ cũng cao lớn hơn và khỏe hơn ở V-League. Tôi phải thích nghi với những điều đó”.

Bạo lực và công tác tổ chức yếu kém cũng là vấn đề đặc biệt nhức nhối ở Brazil, Colombia và các quốc gia châu Phi, nhưng những nơi như thế cũng chưa bao giờ ngừng sản sinh ra các siêu sao bóng đá.

V-League còn nhiều vấn đề, nhưng nó không khủng khiếp đến mức luôn bị lấy ra làm lý do giải thích cho bất kỳ sự thất bại, hay một cuộc chia ly nào đó trong bóng đá.

Rất nhiều người đã vượt qua được thử thách, cạm bẫy và coi đó như một phần tất yếu của nghề nghiệp. Trước khi chờ V-League thực sự trở thành một giải đấu lý tưởng, các cầu thủ đều phải học cách sinh tồn, vì đây là nghề nghiệp của họ, và thái độ của họ mới là điều quyết định đầu tiên tương lai của họ, không phải môi trường.

Ban Cầm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm