Olympic 2020, ai sẽ giành Vàng cho Việt Nam?

22/08/2016 09:25 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Một câu hỏi cần và nên đặt ra ngay  sau chiến công trên đỉnh thế giới của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là ai sẽ giành HCV cho TTVN ở Olympic 2020? Đó là câu chuyện của tầm nhìn và sự đầu tư, gắn với cú “hích” lịch sử được vị Đại tá quân đội tạo lập tại Rio.

Sự khẳng định từ Xuân Vinh

Thành quả 1 HCV, 1 HCB kèm theo 1 kỷ lục Olympic của Xuân Vinh ngoài niềm tự hào, nguồn cảm hứng lớn, với những người làm thể thao, đó còn là một một sự khẳng định vô cùng quan trọng.

Cuộc chinh phục đầy thuyết phục và đẳng cấp tại Rio của xạ thủ 42 tuổi này đã chứng tỏ rằng, TTVN hoàn toàn có thể vươn tới những đỉnh cao nhất của thế giới. Dù diện có thể hẹp, mức độ có thể khác so với những nền thể thao mạnh song Việt Nam thực sự có nhân tố, thế mạnh của mình để hiện thúc hóa mục tiêu ấy.  Trường hợp của Xuân Vinh với những người làm thể thao, với những người làm thể thao, vì thế trước hết là câu chuyện của niềm tin và khát vọng.

Thành công ngoạn mục của Xuân Vinh cũng minh chứng hiệu quả của sự đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư trọng điểm của ngành thể thao, rõ nhất từ sau cú để vuột huy chương của chính Xuân Vinh cách đây 4 năm. Ngoài tài năng đặc biệt, sự phấn đấu phi thường của Vinh, kỳ tích của Vinh còn đến từ việc các nhà quản lý đã sớm đưa tổ súng ngắn vào nhóm trọng điểm, mà trong đó vị Đại tá quân đội là “mũi nhọn” số 1.  Bước tiến vượt bậc của Vinh có dấu ấn rõ ràng từ việc mỗi năm anh được tập huấn 3 đợt tại các trung tâm hiện đại nhất của Hàn Quốc, bên cạnh các hảo thủ hàng đầu, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia xịn, cùng 7-10 cuộc đấu quốc tế tầm cao.

Cơ hội đột phá mang tên karatedo

Ngay trước thềm Rio, làng karatedo thế giới đón nhận tin vui khi môn này  được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic từ kỳ Đại hội 2020. Ngoài “nôi” Nhật Bản, Việt Nam là một  trong những nước được hưởng lợi nhất từ quyết định ấy. Đơn giản vì đây là môn thế mạnh truyền thống, mà Việt Nam đang thuộc nhóm hàng đầu châu lục. Chính karetedo từng mang về 4 tấm HCV tại các kỳ ASIAD, vượt trội so với các môn còn lại.  Tại các giải vô địch thế giới hiện tại

Với 8 nội dung (2 biểu diễn, 6 đối kháng) tại Tokyo 2020, karatedo Việt Nam  có cơ hội để tranh chấp sòng phẳng huy chương, ở nhiều nội dung, và kể cả Vàng. Quan trọng hơn, môn này đang nhận được sự đầu tư tốt, phát triển ổn định ở mức cao, có mối  quan hệ hợp tác quốc tế chặt chẽ, cùng một hệ thống và  phong trào rộng khắp.

Sự xuất hiện của karatedo đã mở thêm một “cửa” huy chương rất sáng, rõ nhất ở ngay Olympic 2020. Có thể nhìn nhận, xét về năng lực, cơ hội đua tranh, katedo mới thực sự là “mũi nhọn” số 1 của TTVN, chí ít cũng trong 4 năm tới.  Karatedo  cũng có một xuất phát điểm, với đầy đủ các yếu tố cần thiết cho hi vọng về một môn thế mạnh Olympic lâu dài.  Phần nào đó, môn này còn thuận hợi hơn hẳn taekwondo khi trước.

Môn bắn súng với kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh tại Rio cùng một số nhân tố triển vọng khác, nổi bật là Hà Minh Thành, sẽ tiếp tục có thể gánh trọng trách. Trong khi đó, dù hai niềm hi vọng Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền đều thất bại song cử tạ vẫn là một trọng điểm hàng đầu cho đích nhắm huy chương Olympic. Không chỉ Tuấn, Huyền, cử tạ Việt Nam còn có một số gương mặt khác ở hai hạng cân nhỏ 48kg nữ và 56kg đang vươn lên mạnh mẽ. Đơn cử với nhà Á quân Olympic và thế giới Trẻ Nguyễn Trần Anh Tuấn, cũng ở hạng 56kg. Siêu kình ngư Ánh Viên cũng sẽ là một niềm hi vọng sau đây 4 năm.

Sau chiến dịch Rio, các nhà quản lý cùng giới chuyên môn chắc hẳn  đã có cái nhìn rõ ràng nhất về khả năng tranh chấp huy chương của TTVN, mà ở Olympic 2020 gần như chỉ có thể trông chờ vào bắn súng, cử tạ, và giờ thêm karatedo.

Làm gì để có HCV tại Olympic 2020?

Câu hỏi ai sẽ giành Vàng cho Việt Nam tại Olympic 2020 suy cho cùng là câu chuyện của tầm nhìn và sự đầu tư. Mục tiêu có thành tích, thứ hạng ổn định tại đấu trường quốc tế đỉnh cao nhất, cụ thể là việc có một số huy chương, kể cả Vàng đã được xác lập từ lâu. Và kỳ tích trên đỉnh Olympic của Xuân Vinh có thể là một cú “hích”. Việc karatedo có mặt trong chương trình thi đấu là một thời cơ.  

Điều quyết định ở đây, có lẽ không phải là bao giờ có thêm một Xuân Vinh mới mà ngay cả nhiều  nhà chuyên môn cũng cho rằng ít nhiều mang tính ngoại lệ, đột xuất. Vấn đề là chúng ta sẽ làm sao để tạo ra những tài năng có đẳng cấp như Vinh một cách bài bản, với cách làm vừa theo đúng chuẩn quốc tế vừa phù hợp và phát huy với tố chất con người, điều kiện riêng.

Có rất nhiều việc phải làm, cả lâu dài và trước mắt, cả vĩ mô và cụ thể.

TTVN cần có một chiến lược Olympic, được cụ thể hóa bằng các kế hoạch đầu tư cho từng chu kỳ Đại hội, với các giải pháp đột phá cùng nguồn kinh phí đảm bảo. Một Trường bắn mới hiện đại ở môn bắn súng, một trung tâm riêng cho môn cử tạ, hay một học viện karatedo quốc gia sẽ là những mô hình cần tính đến để tạo nền vững chắc cho những môn trọng điểm này, cho dù đây có lẽ là đích nhắm ở tương lai. Kinh phí cho cả một chiến dịch Olympic Rio chỉ 40 tỷ đồng, dù đã tăng lên đáng kể so với lần trước song vẫn rất khó khăn, khi chỉ bằng khoảng 1/5 của Thái Lan. Để giải quyết, ngoài sự quan tâm chăm lo của nhà nước, để giải quyết, còn rất cần một bước chuyển mạnh mẽ trong xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa thể thao, trước hết là từ các Liên đoàn- Hiệp hội Thể thao quốc gia.

Người hùng Hoàng Xuân Vinh ngập tràn hạnh phúc ngày về

Người hùng Hoàng Xuân Vinh ngập tràn hạnh phúc ngày về

Người hùng của Thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016 đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào lúc 21h30 tối nay 14/8 trong sự chào đón nồng nhiệt của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT, các cơ quan báo chí và rất đông người hâm mộ.


Riêng Olympic 2020, nhìn vào thực tế lực lượng, quỹ thời gian 4 năm để TTVN “nuôi” những niềm hi vọng Vàng không hề dài, nếu không muốn nói phải triển khai quyết liệt ngay sau Rio mới có thể kịp. Chúng ta không thể trông chờ sự thay đổi về mặt khách quan mà phải có cách làm đúng và trúng nhất trong nguồn lực, điều kiện có thể. Trong đó, điều quyết đinh, cần phân cấp quyết liệt để có thể chọn lựa, phát hiện, tập trung  tối đa cho những tuyển thủ ưu tú của một  số môn có đủ khả năng, không ngoài bắn súng, cử tạ, karatedo. Họ cần phải được đầu tư trong cả 4 năm theo một quy trình chặt chẽ, chuyên biệt mà có thể tóm gọn là “chuẩn quốc tế”.

TTVN đang có một mẫu hình đầu tư đặc biệt thành công với Ánh Viên, kình ngư đủ sức tranh chấp huy chương ở Tokyo sau đây 4 năm. Với Olympic 2020, chúng ta cần và hoàn toàn có thể có thêm những mẫu hình như thế.

Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm