Tác quyền âm nhạc “rối ren”- tại ai?

29/07/2008 16:17 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Sau khi VTV gửi thư ngỏ tới các nhạc sỹ và gia đình nhạc sỹ đề xuất trả tác quyền trực tiếp mà không thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), ngày 23/7, trên trang web Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đăng tải bức thư ngỏ nói rõ: VOV sẽ trả tiền nhuận bút đến tận tay các nhạc sĩ và trả thêm phần tác quyền với mức cao nhất tùy thuộc chất lượng của tác phẩm, đúng quy định của pháp luật và sự thỏa thuận với tác giả. VOV cũng khẳng định “có đầy đủ bộ máy và phương tiện kỹ thuật để thống kê số lần sử dụng và chi trả tác quyền cho từng nhạc sĩ có bài được phát sóng”.
 
Khi các đài đều muốn trả trực tiếp tác quyền,
vai trò của VCPMC sẽ bị tác động ra sao?

Trong khi khá nhiều người trong giới âm nhạc nhấn mạnh việc cần thiết có một tổ chức đại diện để bảo vệ quyền lợi cho những người sáng tác âm nhạc, thì một số nhạc sỹ phía Nam khi được báo chí hỏi đến lại ủng hộ phương án của VTV hoặc VOV. Đây là điều dễ hiểu vì sau những vụ lùm xùm về thu chi của VCPMC được một tờ báo có lượng phát hành lớn ở phía Nam khai thác đậm thành nhiều kỳ, uy tín của VCPMC ít nhiều giảm sút. Chưa nói đến việc một loạt gương mặt nhạc sỹ trẻ thuộc hàng đắt sô ở TPHCM không ký uỷ thác qua VCPMC mà tự làm việc với người có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, có những nhạc sỹ hay đại diện nhạc sỹ uỷ quyền cho VCPMC thu hộ một phần tác quyền. Chẳng hạn, ngoài các đơn vị sử dụng bản quyền trả trực tiếp cho họ như VTV và VOV, họ vẫn cần đến VCPMC thu hộ các đối tác còn lại, đặc biệt với việc sử dụng tác phẩm ở nước ngoài.

Quan hệ giữa chủ sở hữu tác phẩm (hoặc người đại diện) với người sử dụng tác phẩm trong việc chi trả tác quyền là quan hệ dân sự, vì vậy nguyên tắc tôn trọng sự thoả thuận giữa các bên được đặt lên cao nhất. Nhưng nếu như không có những nỗ lực của VCPMC với đội ngũ nhạc sỹ có tâm huyết làm việc suốt 7-8 năm nay, với biết bao cuộc họp, những công văn “kêu cứu” các cấp có thẩm quyền, cùng với các cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý văn hoá, tạo ra hành lang pháp lý như hiện nay bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu tác phẩm, liệu các nhạc sỹ và gia đình nhạc sỹ có thể thu được tác quyền “trả tận nơi” như hiện nay? Chưa nói đến hình thức phổ biến của quốc tế là thành lập một tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc để thay mặt các nhạc sỹ kiểm soát bản quyền tác phẩm ở khắp các địa bàn mà không giới hạn biên giới quốc gia... Vì trên thực tế, mỗi cá nhân nhạc sỹ không thể kiểm soát được tất cả việc sử dụng tác phẩm của họ ở trong nước và quốc tế.

Rõ ràng, vấn đề tác quyền còn nhiều băn khoăn hiện nay, suy cho cùng đều xuất phát từ nhận thức của bên sử dụng. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, bên “có quyền” cũng đừng… tham Khi đã ủy quyền cho trung tâm thu hộ thì không nên tiếp tục ủy quyền với các đối tác khác. Kể cả các hãng băng đĩa, khi đã hợp đồng với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN, nếu không ký tiếp với các trang web tải nhạc thì làm gì có những cuộc tranh cãi liên miên, thậm chí là tranh chấp như thời gian qua…

Cả hai bên, đơn vị được các nhạc sỹ và đại diện nhạc sỹ uỷ quyền thu hộ tác quyền và bên sử dụng tác phẩm đều phải “nâng tầm” hơn nữa để không làm “rối ren” thêm vấn đề tác quyền vừa mới mẻ vừa tương đối phức tạp ở nước ta hiện nay!

Trong buổi hội thảo về tác quyền âm nhạc đầu năm nay tại TPHCM, GS Koji Domon cho biết, Nhật Bản rất coi trọng bản quyền tác phẩm, không chỉ riêng âm nhạc mà trong tất cả mọi lĩnh vực. Khi phát hiện một vụ vi phạm bản quyền, chính quyền Nhật phạt tiền rất nặng, kể cả bỏ tù người vi phạm. Ông nêu trường hợp tác giả của phần mềm chia sẻ file nhạc trên Internet đã bị bắt giữ và phạt tù cách đây hai năm như một ví dụ điển hình. Theo ông, phương châm của người Nhật: "Nếu bản quyền không được tôn trọng, sẽ không có tác phẩm", các nhạc sĩ có tác phẩm ăn khách luôn là những người giàu và sống được với nghề.

Long Nghệ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm