Xem nghệ thuật đương đại – đến lúc phải trả tiền?

11/07/2013 16:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bạn bè, nhà báo… mà cũng phải mua vé à?”- một số người khi tới show trình diễn của ba nghệ sĩ đương đại Phương Vũ Mạnh, Đoàn Minh Hoàn và Vũ Nhật Tân hôm 28/6 mới đây tại Hà Nội, đã bỏ về khi biết vé vào cửa là 150 ngàn đồng. Đây có thể được xem là chương trình nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Việt Nam có bán vé và điều này xem ra cũng…lắm chuyện.

Hàng chục năm qua, có đến hàng nghìn sự kiện nghệ thuật đương đại chủ yếu được tổ chức tại Hà Nội, Huế, TP.HCM nhưng tất cả đều hoàn toàn miễn phí vào cửa. Có lẽ chỉ duy nhất sự kiện triển lãm Restart (Trung tâm Mỹ thuật đương đại - Hội MTVN, từ ngày 5 - 15/10/2010) của một nhóm nghệ sĩ Hà Nội là có bán vé trong buổi khai mạc, giá tượng trưng 5.000 đồng/vé nhưng lại được kèm thêm bia hơi.

Nay, tình hình có vẻ đang thay đổi. 


Khách đã đến và mua vé tại quầy, vé là một dấu triện trên cánh tay.

Từ miễn phí mọi thứ

Thời điểm xôm tụ nhất của một triển lãm, sự kiện nghệ thuật nói chung, nghệ thuật thử nghiệm đương đại luôn là ngày khai mạc. Ở đó, khiêm tốn chi phí nhất, nói nôm na là “mèng nhất”, cũng là  rượu thuốc nhà trồng được và bánh quy gấu (salon Natasha thuở nào), nhiều hơn thì có rượu vang, nước ngọt, chút snacks (Viện Goethe, L’Espace), sang hơn nữa thì có tiệc nhẹ với đồ uống, đồ ăn đa dạng, nước lọc, bia hơi, Coca Cola, khoai tây chiên, nem cuốn, nem rán, lạc rang húng lìu,... Nhà sàn Studio (khu Vĩnh Phúc, Hà Nội) từng là một nơi như vậy. Nếu ở những triển lãm mỹ thuật với tranh tượng thông thường, nghệ sĩ thường có hy vọng (tuy rất mong manh) từ triển lãm là bán được tác phẩm để bù chi phí thì ở những triển lãm, sự kiện nghệ thuật đương đại, hy vọng đó lại không bao giờ xuất hiện, đúng hơn là nghệ sĩ chẳng bận tâm. Ai có thể mua những tác phẩm thử nghiệm với những nào sắp đặt, trình diễn, video art, hoặc kết hợp tất cả trong một? Họa chăng, nghệ sĩ làm cho thỏa cái lòng mình và hướng đến những giấc mơ khác lớn lao hơn cho đời mình mà thôi.

Chính vì thế, các nghệ sĩ luôn phải tìm kiếm tài trợ. Ít thì là tài trợ địa điểm, truyền thông, giấy mời, chi phí khai mạc và một phần kinh phí sáng tác từ các quỹ và trung tâm văn hóa nước ngoài (Quỹ CDEF, Viện Goethe, L’Espace, Hội đồng Anh trước đây). Nhiều thì được tài trợ trọn gói cho một dự án và nghệ sĩ trích xuất kinh phí từ đó cho buổi khai mạc tươm tất, đông vui.

Thời điểm đầu tiên, khách thường chỉ có các nghệ sĩ với nhau. Càng về sau, khách càng đa dạng, già trẻ, lớn nhỏ. Có những người mà hầu như triển lãm nào ở L’Espace, Viện Goethe cũng có mặt và ăn uống nhiệt tình, đến nỗi khiến người “khái tính” cảm thấy băn khoăn chẳng hiểu họ đi xem nghệ thuật hay đi… ăn. Nghệ thuật miễn phí và đồ ăn miễn phí... cứ vậy tồn tại và lâu dần, vô hình trung, đem lại tâm lý thụ hưởng hoàn toàn, cả vật chất lẫn tinh thần, cho một số người. Không biết có phải nghệ sĩ chủ xị của các sự kiện triển lãm có chút e ngại rằng khách đến xem nghệ thuật là quý rồi, nhất là bạn bè đồng nghiệp của mình, mắc gì phải thu tiền nữa... hay không mà đến ngay cả việc làm “cách mạng”nhất trong cả giai đoạn miễn phí toàn tập ấy là việc nhóm làm Restart bán vé vào cửa để xem nghệ thuật đương đại, cũng chỉ làm cách mạng “nửa vời”: giá quá rẻ, chỉ bằng hai ly trà đá, và còn kèm thêm bia hơi (!).

Sát giờ khai mạc, Phương Vũ Mạnh (đứng giữa) vẫn phải cùng bạn thu xếp sân khấu.

Đến nghệ thuật miễn phí, đồ ăn trả tiền

Năm 2012 là năm ra đời Manzi, một “trung tâm nghệ thuật đương đại độc lập” có lẽ đầu tiên ở Hà Nội vận hành dưới hình thức tổng hợp: một bar - cà phê kiêm trưng bày nghệ thuật. Hàng ngày, khách đến đây có thể vừa cà phê gặp gỡ bạn bè hay làm việc một mình vừa thư thái ngắm tranh tượng. Trong các buổi khai mạc sự kiện “trưng bày nghệ thuật”, trò chuyện nghệ thuật, Manzi bán đồ uống như bình thường. Nhân viên mời bạn xem thực đơn rồi bạn có thể ghé quầy để nhận đồ, trả tiền cả thể. Có thể ai đó cho rằng Manzi “mượn” sự kiện khai mạc trưng bày nghệ thuật để kinh doanh nhưng cũng phải nhìn nhận công bằng là cho đến nay, các sự kiện trưng bày nghệ thuật ở Manzi đều không có tài trợ. Nếu bán được tác phẩm, họ có thể trích phần trăm theo thỏa thuận với nghệ sĩ nhưng nếu không bán được thì sao? Chi phí nào bù đắp cho việc phục vụ đồ uống miễn phí trong khai mạc? Vả lại, bạn cũng không nhất thiết phải uống gì đó để đỡ tâm lý e ngại một cách hình thức. Tất nhiên, tâm lý này cũng có thể phần nào trỗi dậy nên chủ cà phê hoặc nhân viên mời bạn nhiệt tình quá… Thêm nữa, giá đồ uống ở Manzi thuộc hàng trung lưu, không phải là dễ chịu với những người yêu nghệ thuật nhưng túi thì toàn tiền lẻ.

Có những người hầu như triển lãm nào ở L'Espace, Viện Goethe cũng có mặt và ăn uống nhiệt tình, đến nỗi cảm thấy băn khoăn chẳng hiểu họ đi xem nghệ thuật hay đi… ăn.

Gần đây, Nhà sàn Studio, dưới tên gọi mới: Nhà sàn Collective, đã chuyển dời về số 9 Trần Thánh Tông (Hà Nội), khu nhà xưởng sau di dời của Công ty Dược phẩm T.Ư 2. Buổi khai mạc địa chỉ Nhà sàn Collective là một chương trình nghệ thuật khá đa dạng: đủ cả trình diễn, sắp đặt, ảnh thể nghiệm. Có cả một cửa hàng bán đồ giàu tính nghệ thuật do các nghệ sĩ trong nhóm thiết kế với quần, áo, váy, sổ ghi chép, ví đựng tiền, túi xách,… Nhưng thú vị nhất chính là việc khách xem cũng không được tự do ăn uống tùy thích như ở các sự kiện của nhà sàn khi xưa nữa. Bạn có thể uống bia chai Hà Nội, trà đá, Coca, ăn chè cốc, nhấm nháp lạc luộc… nhưng tất cả đều phải trả tiền. Giá cả phải chăng, ngang với quán bình dân vỉa hè Hà Nội. Thật vui là quầy hàng này lúc nào cũng đông trong suốt cuộc khai mạc. Cách làm này có lẽ được nhân lên từ khi cô chủ Phương Linh làm dự án Chân trời có người bay tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản (cuối năm 2012). Ở đó, có một khu bếp với thực đơn dân dã nhưng được viết ra một cách điệu đà. Khách dùng đồ và trả tiền bình thường, khiến cho người đến xem lơ mơ lại tưởng đó là một tác phẩm nghệ thuật giàu tính tương tác giữa nghệ sĩ với công chúng.

Nhà sàn Collective là mô hình nghệ sĩ hùn vốn để thuê nơi làm việc và triển lãm đồng thời. Như thông tin công khai hiện tại, địa chỉ này chưa có nguồn tài trợ nào. Chính vì thế, giữa lúc đời sống kinh tế suy thoái nghiêm trọng, nghệ sĩ cũng đã và đang chật vật sống thì một đồng tiết kiệm được cũng quý. Với giá bình dân, họ cũng chẳng thể lãi lời gì được từ việc bán đồ ăn uống nhẹ tại khai mạc, chỉ là một cách giảm chi phí chung. Cách làm này đáng được ủng hộ.


Trong tối khai mạc triển lãm Destruo tại Nhà sàn Collective, 21/6/2013, khách có thể thăm Art shop…

Và khi nghệ thuật hết miễn phí

Họa sĩ Phương Vũ Mạnh được biết đến như một trong những người sớm thực hành body art ở Việt Nam. Gần đây, anh thuê xưởng ở cùng tòa nhà với Nhà sàn Collective và chuẩn bị cho chương mới của một nghệ sĩ kiêm ông chủ. Anh xây dựng chương trình tại 9A4M Studio của anh với tiêu chí là bán vé. Body art kết hợp nghệ thuật sắp đặt của anh, múa đương đại của Đoàn Minh Hoàn và âm nhạc thể nghiệm của Vũ Nhật Tân có thể hợp thành một show với phí vào cửa 150 nghìn đồng, không kèm đồ uống, được không? Chưa biết được hay không nhưng lịch của show đầu tiên có tên Recycle đã lên (ngày 28/6/2013). Kết cục, số người mua vé (53 người) bằng một nửa số người xem. Ngoài những khách “nội” có thành ý muốn ủng hộ nghệ sĩ, người nước ngoài có thói quen không ngạc nhiên trước việc trả tiền để hưởng thụ cái gì đó, thì nhiều người không khỏi bất ngờ, trong đó có không ít nghệ sĩ đã chọn phương án quay về tìm cách giải trí khác. Một số còn lấy lý do sao bạn bè, nhà báo mà cũng phải mua vé à, rồi… gọi điện thoại cho khổ chủ.

Rõ ràng là không đơn giản chút nào khi “bất ngờ” áp dụng mô hình bán vé trong việc đưa nghệ thuật đương đại đến với công chúng. Bản thân Phương Vũ Mạnh cũng nhanh chóng nhận ra nhiều thiếu sót, từ khâu tổ chức đến “kịch bản nghệ thuật” cho một sự kiện như thế này. Tâm lý quen đi xem triển lãm, sự kiện nghệ thuật miễn phí ở trong người Việt Nam mình đã hằn sâu rồi. Chính vì thế, để thay đổi nó, cần nhất là sự chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo và tinh tế, giúp khán giả cảm thấy được tôn trọng và xứng đồng tiền bỏ ra, nghệ sĩ cảm thấy thoải mái và cuối cùng, cả  hai bên hài lòng.


---hoặc ghé quầy đồ uống có giá bình dân và luôn đông vui.

***

Ở bên ngoài Việt Nam, các sự kiện và triển lãm nghệ thuật đương đại có bán vé, thậm chí là bán với giá cao, phải đặt trước, là điều bình thường. Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng vì bối cảnh xã hội, tâm lý công chúng, chất lượng nghệ thuật nói chung giữa Việt Nam và các nước khác có nhiều điểm không song trùng. Mặc dù vậy, những nỗ lực để tiếp tục gắn bó với nghệ thuật giàu tính thể nghiệm của một bộ phận nghệ sĩ Hà Nội hiện nay là rất đáng quý. Giữa lúc thực tế cuộc sống vất vả trăm bề, cơ chế hỗ trợ nghệ thuật đương đại của Nhà nước vẫn còn xa vời với họ thì việc công chúng nghệ thuật chia sẻ khó khăn với họ là điều khả dĩ. Chỉ có điều mong rằng dù thế nào, nghệ thuật cũng sẽ không bao giờ bị họ bỏ rơi hoặc ngược lại, nghệ thuật sẽ bỏ rơi họ, chỉ vì lý do: tiền

Bài Phong Vân. Ảnh Chi Mai
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần










Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm