Nghệ thuật đương đại Việt Nam kết nối cổng thông tin châu Á

03/07/2013 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/ 6, tổ chức dữ liệu nghệ thuật châu Á (Asia Art Archive-AAA, www.aaa.org.hk) có trụ sở tại Hồng Kông đã khai trương hai trang dữ liệu online, cung cấp toàn bộ lưu trữ về salon Natasha (Hà Nội) và gallery Không gian xanh (TP. HCM).

Lần đầu tiên hai không gian nghệ thuật đương đại Việt Nam chính thức có mặt trên một kênh dữ liệu thông tin nghệ thuật khu vực. Đây cũng là hai địa chỉ nghệ thuật tư nhân duy trì trong một thời gian dài, có uy tín với không chỉ giới mỹ thuật trong nước mà còn với rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật nước ngoài.

Ngay lập tức, câu hỏi được không ít người quan tâm tới lĩnh vực này đặt ra là: AAA có vị trí như thế nào trong đời sống nghệ thuật đương đại châu Á nói riêng, thế giới nói chung và tại sao họ chọn hai địa chỉ trên ở Việt Nam để thu thập dữ liệu và làm hồ sơ lưu trữ? Và ở Việt Nam, việc lưu trữ thông tin và tài liệu nghệ thuật điện tử đã được quan tâm như thế nào?


Bộ sưu tập công cộng về thông tin nghệ thuật hàng đầu thế giới

Phải nói ngay là trang web này hoàn toàn bằng tiếng Anh. AAA được thành lập từ năm 2000 với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và viết về lĩnh vực nghệ thuật đương đại châu Á, và đặc biệt là đem lại một hình dung khác về vai trò của dữ liệu.

Với khoảng 85% dữ liệu vật chất như sách và thông tin được tặng, cung cấp miễn phí từ nhiều nguồn, AAA hiện có 34 nghìn bộ dữ liệu, gồm hàng trăm ngàn tiểu mục từ ấn bản cho đến dữ liệu số hóa và con số này chắc chắn còn tiếp tục tăng lên. AAA có một không gian thư viện miễn phí ở Hong Kong cũng như miễn phí toàn bộ dữ liệu trên trang web cho bạn đọc toàn cầu.

Có hai nguồn thông tin chính rất đáng xem của tổ chức này. Thứ nhất đó là tập hợp cập nhật các sự kiện, chương trình triển lãm nghệ thuật thị giác trên khắp thế giới. Mục này có cái tên ý vị Beyond AAA (Bên ngoài AAA). Thông tin từ mục này rất ngắn gọn, thường chỉ là một hình ảnh tác phẩm, tên và quốc tịch nghệ sĩ, thời gian, địa chỉ triển lãm và trang web hoặc trang mạng xã hội của nhà tổ chức triển lãm (nếu có). Bạn có thể tìm được tin về trưng bày Facebook, trong tháng 6 và 7, của họa sĩ Lê Quảng Hà tại Manzi Hà Nội hay triển lãm Pink Choice, từ tháng 6 đến tháng 8, của Maika Elan tại Nhật Bản trên trang thông tin này. AAA cũng có giới thiệu triển lãm tiêu điểm, theo đó, sẽ đăng tải thông tin chi tiết hơn như thông cáo báo chí, thời gian tọa đàm, nhóm curator triển lãm,...

Nguồn thông tin thứ hai chính là các sưu tập dữ liệu online (mục Collection). Một sưu tập này cung cấp toàn bộ lịch sử ra đời, quá trình và phương thức hoạt động, các sự kiện, triển lãm và tác phẩm trong đó. Mỗi sưu tập đều có những hướng đề cập khác nhau, rất giàu tính nghiên cứu. Chẳng hạn, đó có thể là sưu tập về một không gian nghệ thuật, một nghệ sĩ, một phong trào nghệ thuật, một chặng đường nghệ thuật. Thậm chí, có những sưu tập còn được nhấn mạnh thông qua việc phối hợp với nhiều cá nhân, tổ chức khác tiến hành những tour hội thảo, trình chiếu giới thiệu tác phẩm từ Hong Kong, qua Mỹ, đến Anh quốc, đồng thời tách sưu tập ra thành một website riêng, chẳng hạn như sưu tập về Nghệ thuật đương đại Trung Quốc 1980 - 1990 (Materials Of The Future: Documenting Contemporary Chinese Art from 1980 - 1990). Sự chú trọng vào một tiêu điểm sưu tập cũng góp phần phản ánh nét đặc sắc hay là giá trị, tầm quan trọng nhất định của nghệ thuật được lưu giữ trong đó.

AAA thành lập từ năm 2000 với 6% chi phí hàng năm được cung cấp từ Hội đồng phát triển nghệ thuật Hong Kong (Hongkong Arts Development Council) trực thuộc chính quyền đặc khu. Còn lại, hoàn toàn từ các đóng góp của nhiều cá nhân, tổ chức, công ty chủ yếu ở Hong Kong. Đội ngũ tình nguyện của họ cũng rất đông đảo. Tất cả đã góp công ít nhiều cho việc duy trì, phát triển một trung tâm dữ liệu nghệ thuật được xem là một trong những bộ sưu tập công cộng hàng đầu thế giới về dữ liệu thông tin nghệ thuật đương đại châu Á, bên cạnh những trang thông tin dữ liệu nghệ thuật quan trọng về nghệ thuật châu Á nói riêng như Art Asia Pacific (www.aapmag.com), Art Radar (www.artradarasia.com) hay e-flux,...

Tại sao là salon Natasha và gallery Không gian xanh?

Salon Natasha (30 Hàng Bông, Hà Nội) được thành lập từ năm 1990 và dừng hoạt động từ năm 2005. Năm 2009, salon này đã có kế hoạch trở lại với một chương trình hoạt động mới, gắn liền với việc sáng tạo nghệ thuật cùng thiếu nhi song thật không may, linh hồn của salon là nghệ sĩ Vũ Dân Tân qua đời vì bạo bệnh. Salon không có các hoạt động nghệ thuật nữa, bà chủ Natalia Kraevskaia cũng rất bận rộn với công việc giảng dạy tại Khoa Quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng salon vẫn là một địa chỉ gặp gỡ, trao đổi thông tin và bàn luận về nghệ thuật ở Hà Nội nói riêng, cả Việt Nam nói chung của rất nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước, đặc biệt của giới học giả, nghiên cứu, sưu tập nghệ thuật nước ngoài quan tâm đến nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Gallery Không gian xanh (bên trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) của bà Trần Thị Huỳnh Nga có rất nhiều hoạt động nghệ thuật từ năm 1997 đến năm 2010. Với tài trợ ban đầu từ Quỹ Ford, gallery đã dành rất nhiều sự quan tâm cho nghệ thuật và nghệ sĩ. Nơi đây không chỉ tổ chức các triển lãm những sáng tác giàu tinh thần nghệ thuật phản biện xã hội, giàu tính thử nghiệm mà còn là một tụ điểm gặp gỡ, trao đổi thông tin, bình luận, quan điểm nghệ thuật của nghệ sĩ. Không gian xanh cũng mở rộng nhiều hoạt động ở bên ngoài không gian, chẳng hạn như việc tổ chức sự kiện nghệ thuật trình diễn mang tính quốc tế, hội thảo về phê bình mỹ thuật hiện nay,... Dự án số hóa dữ liệu hoạt động của Không gian xanh có sự kết hợp với Sàn Art (TP.HCM).

Trong lời giới thiệu lý do chung để lựa chọn hai địa chỉ này, AAA mong muốn “đưa ra ánh sáng những nguồn dữ liệu hết sức quan trọng về nghệ thuật đương đại Việt Nam” trong thập niên 1990, một thập niên đặc biệt của nghệ thuật đương đại Việt Nam với sự xuất hiện của những hình thức nghệ thuật mới mẻ (với chính nghệ sĩ và công chúng Việt), đặc biệt là tinh thần phản biện xã hội trong nghệ thuật.

Các hình ảnh trong bài salon Natasha và nghệ sĩ Vũ Nhật Tân lúc sinh thời cùng một số triển lãm tại đây trong những năm 1990

Trông người lại ngẫm đến ta...

Mong muốn đưa ra ánh sáng những nguồn dữ liệu hết sức quan trọng về nghệ thuật đương đại Việt Nam trong thập niên 1990, một thập niên đặc biệt của nghệ thuật đương đại Việt Nam với sự xuất hiện của những hình thức nghệ thuật mới mẻ (với chính nghệ sĩ và công chúng Việt), đặc biệt là tinh thần phản biện xã hội trong nghệ thuật – Tổ chức dữ liệu nghệ thuật châu Á Asia Art Archive

Ở Việt Nam hiện nay, có lẽ chỉ có Viện Mỹ thuật trực thuộc Đại học Mỹ thuật Việt Nam là nơi duy nhất lưu trữ những tài liệu, sách, tạp chí, thông tin chuyên biệt về mỹ thuật và nghệ thuật đương đại. Nhưng cơ quan này cũng chưa có website chính thức để công bố dữ liệu và đưa thông tin đến công chúng trong và ngoài nước. Hội Mỹ thuật và tạp chí Mỹ thuật trực thuộc Hội cũng có một website nhưng thông tin ít cập nhật, chủ yếu đăng tải lại tin bài từ tạp chí (phát hành hàng tháng) và thông tin hành chính của Hội. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm mới mở trang web nhưng đến nay,  vẫn tạm thời đóng cửa vì không có người đặc trách.

Để tìm kiếm thông tin cập nhật hoặc đọc các bài viết có tính chất bình luận về sự kiện, triển lãm nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam có lẽ chỉ có hai nguồn chính: trang tin Hanoi Grapevine (www.hanoigrapevine.com) và Soi (www.soi.com.vn). Tuy nhiên, thế mạnh của hai trang tin này là việc cập nhật thông tin sự kiện, hoạt động. Riêng Soi có nguồn ý kiến bình luận khá phong phú thông qua bài viết của cộng tác viên hoặc bình luận của bạn đọc, giúp mở rộng trao đổi và thông tin. Từ nền tảng này đi đến việc hình thành một trang web dữ liệu nghệ thuật vừa cập nhật, vừa có tính nghiên cứu là một hướng đi mới, khác, và đòi hỏi rất nhiều hậu thuẫn lớn về tài chính và nhân lực.

Có lẽ, việc AAA chọn sưu tập dữ liệu của hai địa chỉ nghệ thuật uy tín của Việt Nam để lại cho người yêu nghệ thuật chúng ta nhiều ngẫm ngợi. Hy vọng, việc này cũng là một gợi ý tốt cho các cơ quan lưu trữ nghệ thuật của Việt Nam, trong việc nâng cấp và nâng tầm lưu trữ của mình, chủ động mở thêm những cánh cửa hiểu biết về đất nước mình thông qua nghệ thuật cho bạn bè năm châu.

Phong Vân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm